Kế hoạch ném bom hạt nhân Nhật thời Thế chiến 2

13/08/2017 09:33 GMT+7

Mỹ từng vạch ra kế hoạch thả bom nguyên tử xuống nhiều mục tiêu ở Nhật cho đến khi nước này đầu hàng vô điều kiện trong thời Thế chiến 2.

Ngày 15.8 đánh dấu 72 năm đế quốc Nhật Bản đầu hàng phe Đồng minh, trước khi ký văn kiện đầu hàng trên tàu chiến Mỹ USS Missouri tại vịnh Tokyo vào ngày 2.9.1945, chính thức kết thúc Thế chiến 2. Việc đế quốc Nhật đầu hàng diễn ra hơn một tuần sau khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki, theo lệnh của Tổng thống Harry Truman.
Hiroshima hứng quả bom mang tên “Little Boy” (Thằng nhỏ), được thả từ máy bay ném bom B-29 Enola Gay vào lúc 8 giờ 16 phút sáng 6.8.1945 (theo giờ Nhật). Vụ nổ có sức công phá tương đương 15.000 tấn thuốc nổ TNT, phá hủy 90% TP.Hiroshima, khiến ít nhất 70.000 người chết ngay lập tức và 70.000 người thiệt mạng sau đó do nhiễm phóng xạ. Ba ngày sau, lúc 11 giờ 02 phút sáng 9.8.1945, Mỹ thả quả bom hạt nhân khác có sức công phá lớn hơn mang tên “Fat Man” (Thằng béo) từ máy bay B-29 Bockscar xuống TP.Nagasaki. Vụ nổ có sức công phá tương đương 21.000 tấn thuốc nổ TNT, khiến khoảng 40.000 người chết ngay tức khắc và hàng ngàn người thiệt mạng vì nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, sự tàn phá chết chóc này vẫn chưa phải là tất cả những gì mà Washington dự tính để buộc Nhật đầu hàng vô điều kiện.
Danh sách mục tiêu
Những tài liệu được tiết lộ trong lễ đánh dấu 70 năm vụ thả bom xuống Hiroshima và Nagasaki cho thấy Mỹ từng lập danh sách nhiều thành phố sẽ bị thả bom nguyên tử, theo The Daily Beast. Cụ thể, vào mùa xuân năm 1945, quân đội Mỹ lập Ủy ban Mục tiêu, gồm các tướng tá và nhà khoa học, để tranh luận về những thành phố có thể trở thành mục tiêu bị tấn công hạt nhân ở Nhật. Ngoài Hiroshima và Nagasaki, trong danh sách mục tiêu còn có cố đô Kyoto, hoàng cung Tokyo cùng các thành phố Kokura, Yokohama và Niigata. Theo một số báo cáo được giải mật, sau khi hứng 2 quả bom nguyên tử, nhiều binh sĩ Nhật vẫn muốn chiến đấu đến cùng. Nếu đế quốc Nhật không đầu hàng vào ngày 15.8, thì vài ngày sau Mỹ sẽ tiếp tục thả quả bom nguyên tử thứ 3 có sức hủy diệt lớn hơn 2 quả trước. Và nếu Nhật vẫn chưa chịu đầu hàng lúc đó, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành thêm 12 vụ tấn công hạt nhân, theo The Daily Beast.
Cảnh bom nguyên tử phát nổ ở TP.Nagasaki ngày 9.8.1945
Những tài liệu được giải mật cho thấy quả bom nguyên tử thứ 3 được lắp ráp trên đảo Tinian ở Thái Bình Dương sau khi 2 quả đầu được thả. Khi đó, lõi plutonium sắp được chuyển đến đảo này từ lục địa Mỹ. Tuy được vẽ dòng chữ “Tokyo Joe” trên thân, nhưng điểm đến của quả bom thứ 3 được cho là Kokura, mục tiêu lúc đầu của quả bom thứ 2. Thời tiết không thuận lợi đã buộc máy bay Mỹ từ bỏ kế hoạch ban đầu là thả bom xuống Kokura và bay đến Nagasaki. Lệnh thả “Fat Man” xuống Nagasaki được đưa ra chưa đầy một tiếng đồng hồ trước khi nó rơi xuống thành phố này, theo BBC. Một số chuyên viên lưu trữ văn thư Mỹ cho rằng vụ ném bom Nagasaki có thể đã gây sốc cho Tổng thống Truman, vì Kokura mới là mục tiêu chính trong khi Nagasaki chỉ là mục tiêu dự phòng. Cũng theo The Daily Beast, một đoạn ghi âm cuộc trò chuyện giữa hai chuyên gia quân sự Mỹ vào ngày 13.8.1945 cho thấy quả bom thứ 3 có thể được thả vào ngày 19.8 và những quả khác sẽ được thả trong tháng 9 và tháng 10. Tuy nhiên, khi lõi plutonium sắp được chuyển tới Tinian thì rộ tin đế quốc Nhật đầu hàng. Do đó, việc chuyển nguyên liệu này cũng như kế hoạch tiến hành thêm 12 vụ tấn công hạt nhân không bao giờ được triển khai.
Người cứu cố đô Kyoto
Cho đến vài tuần trước khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Nhật, Nagasaki không nằm trong danh sách mục tiêu nói trên. Đứng đầu danh sách là cố đô Kyoto, với hơn 2.000 ngôi chùa và đền thờ Shinto, trong đó có 17 di sản thế giới. “Mục tiêu này là một khu đô thị công nghiệp với dân số 1 triệu người”, BBC trích dẫn biên bản từ cuộc họp của Ủy ban Mục tiêu cho hay. “Kyoto bị quân đội xem là mục tiêu lý tưởng vì khu vực này chưa từng bị ném bom, nhiều nền công nghiệp đã được tái bố trí và các nhà máy lớn hiện diện ở đó. Các nhà khoa học thuộc Ủy ban Mục tiêu cũng muốn ưu tiên tấn công Kyoto vì đây là nơi có nhiều trường đại học và họ nghĩ nhiều người ở đó sẽ có thể hiểu bom nguyên tử không chỉ là một loại vũ khí mà là thứ đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử nhân loại”, sử gia về khoa học Alex Wellerstein tại Viện Công nghệ Stevens (Mỹ) nhận định với BBC.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 6.1945, Bộ trưởng Chiến tranh Mỹ Henry Stimson ra lệnh rút Kyoto khỏi danh sách các mục tiêu, với lập luận thành phố này có tầm quan trọng về văn hóa và không phải là mục tiêu quân sự. Dù vậy, quân đội Mỹ vẫn đưa Kyoto trở lại danh sách mục tiêu cho tới cuối tháng 7.1945, buộc ông Stimson có ý kiến trực tiếp với Tổng thống Truman, theo sử gia Wellerstein. Sau khi có cuộc thảo luận với tổng thống, ông Stimson viết trong nhật ký ngày 24.7.1945: “Ông ấy đặc biệt đồng ý với đề xuất của tôi rằng nếu không loại Kyoto khỏi danh sách mục tiêu, sự thù ghét xuất phát từ hành động trái với đạo đức như thế khó có thể khiến người Nhật chịu hòa giải với chúng ta sau chiến tranh mà sẽ ngả về Liên Xô”. Đó là lúc Nagasaki được đưa vào sanh sách mục tiêu thay cho Kyoto.
Thế nhưng Hiroshima và Nagasaki cũng không phải là mục tiêu quân sự, theo BBC. Vụ ném bom nguyên tử xuống 2 thành phố này đã khiến hàng trăm ngàn dân thường thiệt mạng. Kyoto có thể được xem là thành phố văn hóa nổi tiếng nhất, song nhiều thành phố khác của Nhật lúc đó cũng có nhiều tài sản có giá trị. “Điều đó cho thấy Stimson có động lực cá nhân trong việc cứu Kyoto và những lý do khác chỉ nhằm hợp lý hóa vấn đề này”, sử gia Wellerstein nhận định. Ông Stimson tới thăm Kyoto nhiều lần trong thập niên 1920, khi còn giữ chức toàn quyền Mỹ ở Philippines. Một số sử gia khẳng định Kyoto từng là nơi ông Stimson trải qua tuần trăng mật và ông là người đam mê văn hóa Nhật.
Trong khi đó, ông Stimson chính là người đứng sau vụ bắt hơn 100.000 người Mỹ gốc Nhật rời khỏi nhà cửa và tống vào các trại tập trung ở nhiều bang của Mỹ sau vụ Nhật tấn công Trân Châu Cảng năm 1941, với lập luận những công dân này không đáng tin cậy. Điều đó có thể góp phần lý giải cho việc ông không được công nhận là người cứu Kyoto. Theo BBC, trong nhiều thập niên qua, nhiều người tin rằng nhà khảo cổ, sử gia Langdon Warner mới là người đề nghị chính phủ Mỹ không ném bom nguyên tử xuống các thành phố có nhiều di sản văn hóa, bao gồm cả Kyoto. Ông Warner thậm chí còn được dựng tượng tại Kyoto và TP.Kamakura của Nhật.
Dù hai quả bom ném xuống Hiroshima và Nagasaki gây ra hậu quả khủng khiếp, song không ít người cho rằng việc thả bom là cần thiết để kết thúc Thế chiến 2, theo BBC. Tuy nhiên, nếu cố đô Kyoto bị thả bom hoặc nhật hoàng bị giết, có lẽ không có nhiều người chấp nhận số phận đầu hàng của đế quốc Nhật.
Cho đến ngày nay, quyết định ném bom nguyên tử của Tổng thống Harry Truman (1884 - 1972) vẫn gây tranh cãi. Một số sử gia khẳng định ông Truman chỉ ra lệnh sử dụng loại vũ khí mới sau ngày 3.8 và không tham gia đầy đủ các quyết định chi tiết. Sử gia Alex Wellerstein tại Viện Công nghệ Stevens khẳng định có nhiều hồ sơ cho thấy ông Truman bất ngờ về sức hủy diệt do quả bom đầu tiên gây ra ở Hiroshima, đặc biệt khi có quá nhiều phụ nữ và trẻ em thiệt mạng. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau, Mỹ lại thả quả bom thứ 2 có sức công phá lớn hơn xuống Nagasaki. Lệnh này xuất phát từ lời kêu gọi của tướng Leslie Groves, chỉ huy quân sự của dự án chế tạo bom nguyên tử. Là người đứng đầu Ủy ban Mục tiêu, song tướng Groves đã thất bại trong cuộc tranh luận nhằm giữ Kyoto đứng đầu danh sách về những thành phố mục tiêu. Trong một bức thư ngày 19.7.1945, ông nhấn mạnh muốn dùng ít nhất 2 quả bom trên đất Nhật. “Bạn có thể lập luận rằng ông ấy có yếu tố cá nhân trong việc sử dụng cả hai loại bom nguyên tử”, Giáo sư Wellerstein nhận định. Quả bom thả xuống Hiroshima sử dụng uranium, còn quả bom thả xuống Nagasaki dùng plutonium.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.