Kê Gà thức giấc!

27/04/2023 08:00 GMT+7

Một sáng mùa xuân 2023, tôi đưa đoàn khách gồm các nhà báo, họa sĩ từ thủ đô Hà Nội đến thăm mũi điện Kê Gà, một địa danh nổi tiếng cả nước ở Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.

Kê Gà, một sáng mùa xuân. Đoàn du khách đến từ thủ đô Hà Nội rất nôn nóng muốn đến được với Kê Gà. Tôi đành phải dậy sớm, dù là ngày cuối tuần. Trên đường từ Phan Thiết đến Kê Gà, con đường ven biển có nhiều đoạn đang tu sửa, chỉnh trang. Đoạn "con dốc Campuchia" cùi chỏ, vốn rất ngặt đang được mở rộng, như muốn mời gọi, thu hút du khách về phía Nam Phan Thiết, rồi vào các khu nghỉ dưỡng cao cấp ở H.Hàm Thuận Nam hay TX.La Gi.

Kê Gà thức giấc! - Ảnh 1.

Cảnh đẹp ở Kê Gà

Nắng bừng lên từ phía biển

Trên đường đến Kê Gà, nắng bừng lên từ phía biển. Những con sóng bạc đầu dưới kia dồn dập như háo hức chào đón du khách phương xa. Mới đến Thuận Quý, ngọn hải đăng trên đảo Kê Gà đã lộ ra phía trước. Nhiều người trong đoàn khách đến từ thủ đô Hà Nội ồ lên, chỉ tay về đảo Kê Gà thích thú khi tận mắt chứng kiến ngọn hải đăng trăm tuổi.

Tới thôn ven biển Vân Kê, thuộc xã Tân Thành du khách có thể dễ dàng quan sát những chiếc thuyền thúng vừa vào bờ với những mớ tôm, cua, mực còn tươi rói. Cả đoàn sau đó được đưa xuống hai chiếc ca nô để sang đảo Kê Gà. Hai chiếc ca nô hôm đó phải đi vòng mới vào được đảo vì hôm đó có sóng to, gió lớn…

Trong vai trò người hướng dẫn viên du lịch, tôi kể cho cả đoàn du khách về sự hình thành ngọn hải đăng Kê Gà. Đây là ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng từ năm 1899. Nó được xem là một cây đèn biển có thể kéo vệt ánh sáng hướng dẫn cho tàu bè qua lại trong phạm vi hơn 22 hải lý. Hải đăng ở đảo Kê Gà hiện nay ngày càng nổi tiếng hơn là bởi kiến trúc rất độc đáo, từ vật liệu cho tới thiết kế của người Pháp. Những cây sứ (hoa đại) có tuổi từ vài chục năm, thậm chí trăm năm trở lên dưới chân ngọn hải đăng đang nở hoa khiến du khách thích thú.

Anh Ngọc Thắng, một du khách đồng thời cũng là một phóng viên ảnh chuyên nghiệp của Báo Thanh Niên quan sát biển Kê Gà, thốt lên: "Vùng biển này quá đẹp cho khai thác du lịch". Anh Thắng quan sát ngọn hải đăng và khung cảnh ở đây bằng ống kính của một phóng viên ảnh chuyên nghiệp, anh liên tiếp bấm máy, bắt lấy những khoảnh khắc đẹp của cảnh sắc ở Kê Gà lạ qua góc máy của mình.

Với kinh nghiệm lăn lộn và từng trải của một người làm báo, anh Ngọc Thắng đã nhìn thấy tiềm năng rất lớn từ vùng biển Kê Gà và nhận xét rằng vùng đất này chưa được khai thác đúng với vị trí mà thiên nhiên ban tặng.

Kê Gà thức giấc! - Ảnh 2.

Du khách đến với Kê Gà

NGỌC THẮNG

Kê Gà không chỉ có du lịch

Hơn 20 năm trước, Bình Thuận đã coi trọng việc mở rộng, khai thác kinh tế du lịch biển về phía Nam Phan Thiết, bao gồm cả vùng biển Thuận Quý - Kê Gà, kết nối với khu đô thị biển La Gi. Thời điểm này, có nhiều nhà đầu tư đến xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Đồi Sứ, Sài Gòn - Suối Nhuôm, Rock Water Bay Resort, hay Princess D'annam Resort và hàng loạt khu nghỉ dưỡng đẳng cấp khác.

Có thể nói, vị thế và dư địa của vùng biển phía nam Phan Thiết đến Kê Gà không thua kém gì so với vùng biển Hàm Tiến - Mũi Né hoặc ở bất kỳ điểm đến nào trên cả nước. Ngoài Kê Gà, huyện ven biển Hàm Thuận Nam còn nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng như núi Tà Cú, suối nước nóng Bưng Thị, Suối Nhuôm đều trở thành những điểm đến lý tưởng cho du khách.

Sau khi dự án cảng nước sâu Kê Gà được quy hoạch, tất cả các dự án du lịch biển trong khu vực tạm dừng để nhường cho dự án tầm cỡ quốc gia này. Thế nhưng, sau hơn 15 năm chuẩn bị, dự án cảng nước sâu Kê Gà đã được Chính phủ cho dừng triển khai. Đây là lý do ngoài mong muốn nhưng nó có tác động lớn đến sự phát triển của một vùng đất đầy tiềm năng này.

Dù dự án đã chính thức dừng lại, dù tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều chủ trương nhằm phục hồi kinh tế ven biển, song những chính sách đó chưa đủ mạnh để vùng đất này "thức giấc". Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã quay lại vùng biển Kê Gà. Tuy nhiên, để có những nhà đầu tư thực sự đủ tiềm lực như những "cánh chim đầu đàn" khai mở cho du lịch cất cánh thì còn phải… chờ thời gian.

Trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh thừa nhận, sự phát triển của kinh tế biển vùng Thuận Quý - Kê Gà - Tân Thành - Hàm Thuận Nam như hiện nay là chưa tương xứng với tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.

Kê Gà thức giấc! - Ảnh 3.

Ngọn hải đăng được người Pháp thiết kế, xây dựng ở Kê Gà

Ở đây không chỉ có cảnh đẹp, có nắng, có gió mà còn có mặt biển có thể khai thác cho mục tiêu phát triển năng lượng. Theo Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, hiện nay có nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến Bình Thuận khảo sát và có ý định đầu tư các dự án năng lượng điện gió ngoài khơi, trong đó có vùng biển Thuận Quý - Kê Gà.

Chính vì vậy, "thủ phủ" thanh long Hàm Thuận Nam tương lai sẽ trở thành vùng đất phát triển đa ngành, đa lĩnh vực chứ không riêng gì du lịch hay nông nghiệp.

Khi tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào khai thác, khách du lịch từ sân bay Tân Sơn Nhất, Cam Ranh đến với du lịch Bình Thuận sẽ thuận lợi hơn, trong đó có các điểm đến hấp dẫn ở Hàm Thuận Nam như Kê Gà sẽ được rút ngắn thời gian di chuyển.

Và chắc chắn một điều rằng, nhất định Kê Gà sẽ thức giấc và thu hút thật nhiều du khách hơn nữa, không chỉ vào mùa xuân, mà cả bốn mùa biển cả.l

Một trong các dự án quan trọng được cấp phép khảo sát ở vùng biển Kê Gà là dự án điện gió Thăng Long Win của Tập đoàn Enginer Interprize, tổng nguồn vốn đầu tư lên tới hơn 11 tỉ USD. Tháng 6.2022 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh (nguyên Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Nam) là người trực tiếp ký kết bản ghi nhớ "Hỗ trợ ngư dân Bình Thuận trong quá trình phát triển các dự án điện gió ngoài khơi" với Tập đoàn Enginer Interprize tại Anh quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.