Karaoke xóm, màn ‘tra tấn’ nhiều người khóc ròng: Sao cứ nể tình làng nghĩa xóm?

09/03/2018 09:19 GMT+7

‘Ca hát là một thói quen và cũng là một nhu cầu của mọi người. Nhu cầu đó là chính đáng, không có vấn đề gì hết nhưng nó chỉ chính đáng khi không làm ảnh hưởng đến người khác’

[VIDEO] Thảm họa karaoke nhà hàng xóm: Lệ Rơi còn chào thua
Khi PV Thanh Niên đề cập đến vấn nạn “karaoke xóm” đang là nỗi ám ảnh thật sự giữa cộng đồng dân cư, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM nói ngay: "Đây thật sự là nỗi ám ảnh, rất bức xúc, không thể chấp nhận được bởi một người “sướng” mà rất nhiều người bị “tra tấn” đến mức ám ảnh. Tôi đã từng chứng kiến vấn nạn này xảy ra rất nhiều trong khu dân cư. Cá nhân tôi rất bức xúc. Khu vực nhà tôi ở đủ các thể loại hết, hát hò đám cưới, đám ma, thôi nôi, họp mặt, cuối tuần ăn nhậu… rồi cứ mang dàn nhạc ra hát hò rất ảnh hưởng đến mọi người. Tôi về nhà người thân, hàng xóm cứ hát hò ầm ầm chả nói chuyện được gì, rất chi là bực bội. Tôi nghĩ rất nhiều người cũng bực bội vì bị “tra tấn” lỗ tai như thế. Rõ ràng hành vi hát hò vô lối là không phù hợp".
* Với không ít người, hát hò là một nhu cầu nhưng có vẻ đôi khi “không thể chấp nhận được"...
Ông Nguyễn Hồng Hà       

Ông Nguyễn Hồng Hà: Ca hát là một thói quen và cũng là một nhu cầu của mọi người. Nhu cầu đó là chính đáng, không có vấn đề gì hết nhưng nó chỉ chính đáng khi không làm ảnh hưởng đến người khác. Thực tế ‘karaoke xóm’ gây ảnh hưởng rất lớn.
Ở khu dân cư nào cũng có người già, trẻ em cần thời gian yên tĩnh nghỉ ngơi, học tập… mà cứ hát ra rả vào ban trưa, tối khuya, thậm chí hò hét suốt ngày kiểu như “khủng bố” tinh thần vậy. Thật sự không ai chịu nổi. Thật ra ở nhà thì ai cũng có quyền hát, nhưng anh phải cách âm để lời ca tiếng hát của anh đừng làm phiền người khác. Nếu không cách âm mà mỗi nhà hát mỗi dòng nhạc, người thì bolero, người thì “chơi” rock, người ca cải lương… thì chỉ có nước “điên đầu”.


Thật ra ở nhà thì ai cũng có quyền hát, nhưng anh phải cách âm để lời ca tiếng hát của anh đừng làm phiền người khác. Nếu không cách âm mà mỗi nhà hát mỗi dòng nhạc, người thì bolero, người thì “chơi” rock, người ca cải lương… thì chỉ có nước “điên đầu”


Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng ban Văn hóa – xã hội HĐND TP.HCM



* Người dân thường xuyên bị ám ảnh, bị “tra trấn” như thế, theo ông, chính quyền địa phương có biết?
Biết hết chứ! Nhưng do cứ nghĩ vì tình làng nghĩa xóm, cho rằng đó là “chuyện vui hát hò xíu thôi” nên dường như việc xử lý không được chú trọng, có phần buông lơi.
* Vậy đúng ra theo quy định thì phải xử lý vi phạm làm sao cho phù hợp, thưa ông?
Ở khu dân cư thì hầu hết đều là khu phố văn hóa, mình phải nhắc nhở, đến vận động để nâng cao tinh thần tự giác, ý thức chấp hành, tuân thủ nếp sống văn minh đô thị. Ở xóm làng thôn quê rộng lớn, dân cư thưa thớt thì có thể chấp nhận được, nhưng đô thị đông đúc dân cư, làm việc, sinh hoạt có giờ giấc mà bị hát hò đinh tai nhức óc thì rất không nên, rất là phản cảm.
Chúng ta cứ hình dung hát hò ra rả mọi lúc mọi nơi như vậy thì không thể nào chấp nhận được. Anh đừng có vì thỏa mãn nhu cầu của mình mà gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Khi đã tuyên truyền, vận động rồi mà vẫn không chấp hành thì xử phạt nghiêm.
* Chúng ta liệu có thiếu cơ sở pháp lý để tiến hành kiểm tra, xử phạt người vi phạm?
Bầu chọn
Bạn nghĩ gì về việc hát karaoke gây ồn ào cho hàng xóm?
Quy định pháp lý là không thiếu. Đối với các hành vi vi phạm về tiếng ồn, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18.11.2016 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường quy định phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 - 160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật, bên cạnh đó còn có các hình thức phạt bổ sung đình chỉ hoạt động cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây nên.
Nghị định 167/2013 của Chính phủ trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội cũng có quy định, và có thể dựa vào đó để xử phạt với mức phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng.
Tuy nhiên, về xử lý lâu dài thì thành phố cũng cần phải có thêm quy định vì vấn đề này ảnh hưởng đến văn mình đô thị, bởi ngoài “karaoke xóm” còn tình trạng xe kẹo kéo múa may trên đường ảnh hưởng giao thông, rồi tình trạng mang loa di động ra lề đường, công viên ngồi hát hò, thậm chí mang vô công viên vừa nhậu vừa hát… Mình phải có hướng nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục và đặc biệt là chế tài nghiêm. Tôi nghĩ là mọi người ít nhiều đều hiểu chuyện “khủng bố” tinh thần đó khổ cực thế nào, nhưng nếu mà trường hợp nào “vô tư quá” thì mình nhắc nhở, xử phạt, chứ không thể chiếu cố cho qua.
* Thưa ông, trách nhiệm của các sở ngành phải như thế nào?
Các sở ngành có liên quan đến “ô nhiễm tiếng ồn” như Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tư pháp, Công an thành phố… phải phối hợp, xác định các hành vi “khủng bố” tinh thần từ vấn nạn hát hò để phối hợp quận, huyện xử lý triệt để. Phải xác định cái nào phù hợp, cái nào không phù hợp để vận dụng quy định mà xử lý, không nên để vấn nạn này kéo dài càng gây thêm bức xúc.
Thực tế có nơi đã có án mạng xảy ra từ việc hát hò vô lối. Ở mình đây thì nhiều người chịu không nổi cũng muốn “động thủ” lắm rồi. Đừng để chỉ vì số ít người thỏa mãn hát hò này kia mà xích mích tình làng nghĩa xóm, xung đột, ẩu đả, gây thương tích… rất là nguy hiểm.
UBND TP.HCM chỉ đạo xử lý một cách triệt để
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, mặc dù đã có quy định pháp luật nhưng các xã, phường, thị trấn hầu hết đều không xử phạt “karaoke xóm” mà chủ yếu chỉ xử lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ phát sinh tiếng ồn gây ảnh hưởng khu dân cư. Việc “buông lơi” trong kiểm tra, xử phạt chính là nguyên nhân “bùng nổ” vấn nạn nhức nhối này.
Trả lời Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu, cho biết UBND TP đã nhiều lần chỉ đạo xử lý. Theo đó, lãnh đạo phường, xã, thị trấn phải nhắc nhở, khi đã nhắc nhở rồi mà vẫn vi phạm, làm phiền người dân xung quanh thì tiến hành xử lý một cách triệt để.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.