Karaoke kẹo kéo: Gào thét 'Cơn mưa băng giá' giữa trưa hè nóng bức

02/05/2023 10:00 GMT+7

Những tưởng về quê là được hưởng sự yên bình, tĩnh lặng thì nhiều người phải kêu trời vì có chạy đến đâu cũng không thoát khỏi âm thanh của chiếc loa kẹo kéo. Bất kể ngày đêm, những “ca sĩ” hát không hay nhưng vẫn cứ hay hát "tra tấn" nhức lỗ tai.

Làng quê cũng "te tua" vì loa kẹo kéo

Thời tiết nóng bức, cộng thêm tiếng hát từ những chiếc loa kẹo kéo đã khiến cho những ngày về quê nghỉ lễ của Trần Văn Nam (26 tuổi) quê ở xã Phú Vĩnh, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, trở nên đầy ám ảnh. Nam cho biết cứ nhà có tiệc tùng, lễ lộc thì chiếc loa kẹo kéo là một thứ không thể thiếu. Chính vì vậy, mỗi nhà đều có những “ca sĩ” hát thành thạo đủ thể loại âm nhạc từ trữ tình sâu lắng, cải lương mùi mẫn và cả nhạc sôi động.

Chạy đâu cho khỏi tiếng “hét” của những "ca sĩ nghiệp dư"! - Ảnh 1.

Những ngày này, tại các khu phố, khu xóm lại xuất hiện thêm nhiều "ca sĩ" tra tấn lỗ tai của những khán giả bất đắc dĩ

KIM NGỌC NGHIÊN

“Với cái thời tiết nóng như đổ lửa mà còn thêm tiếng ồn ào nữa thì thật là kinh khủng. Nhà nhà nghỉ lễ thế là mọi người đều hát, có khi trong một buổi trưa mà 4 đến 5 nhà hát cùng lúc khiến không gian phải nói là ô nhiễm tiếng ồn. Lúc tỉnh táo vui vẻ thì hát còn chấp nhận được, hễ có tí rượu là phiêu... Giữa trưa mà nghe “Cơn mưa băng giá”, “Tháng tư là lời nói dối của em” , thiệt không biết tới tháng bao nhiêu hàng xóm mới chịu chấp nhận sự thật là hát quá trời dở”, Nam chia sẻ.

Nghe lời ông bà dạy: “Bán bà con xa, mua láng giềng gần” nên gia đình của Trần Thị Thùy Trang (24 tuổi) quê ở ấp Hưng Ngãi, xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, chỉ biết học cách chấp nhận. 

“Thiệt tình là thấy hàng xóm đam mê âm nhạc mà mình mệt mỏi, hát mọi lúc mọi nơi, đủ thể loại và cách thể hiện. Phải chi họ đóng cửa nhà lại hát cho nhau nghe thì mình cũng đỡ khổ, còn đằng này sắm loa kẹo kéo xịn, bật âm lượng hết cỡ. Nhiều lúc chịu hết nổi mình phải đóng chặt cửa để đỡ ồn nhưng cũng không ăn thua. Tuy vậy, nhà mình cũng thông cảm, nghĩ rằng lâu lâu mới có dịp lễ lớn, gia đình đầy đủ nên họ mới vui vậy. Nghĩ vậy cho nhẹ lòng, tình làng nghĩa xóm cũng không bị sứt mẻ”.

Vui thôi, đừng vui quá!

Cứ tầm 18 giờ, miền quê tưởng chừng như yên tĩnh, không có tiếng ồn nhưng Lê Văn Đạt (24 tuổi) quê ở thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho biết nơi này lại trở nên nhộn nhịp, sôi nổi hơn bao giờ hết bởi những chiếc loa kẹo kéo. 

Theo Đạt, sống trong một xóm lao động, người dân chủ yếu làm công nhân hay làm vườn nên đời sống tinh thần không mấy phong phú. "Sau những buổi đi làm về thì niềm vui lớn nhất là được cùng bạn bè, hàng xóm ngồi lại uống ít rượu bia, góp vui văn nghệ bằng chiếc loa kẹo kéo. Việc vui chơi là nhu cầu tất yếu, hễ có hứng là lôi chiếc loa ra hát. Hát hay hát dở không quan trọng, quan trọng là tạo không khí vui tươi sôi nổi. Nhưng mình cũng hiểu vui chơi thì nên có giờ có giấc, mình đừng hát quá khuya hay giờ nghỉ trưa phiền đến người ta là được”, Đạt chia sẻ.

Chạy đâu cho khỏi tiếng “hét” của những "ca sĩ nghiệp dư"! - Ảnh 2.

Nhờ "bảo bối" loa kẹo kéo, mà từ thành thị đến nông thôn, ai cũng có thể trở thành "ca sĩ"

KIM NGỌC NGHIÊN

Trở về từ TP. Cần Thơ để nghỉ lễ 30.4 - 1.5 cùng gia đình ở tỉnh Hậu Giang, Huỳnh Thanh Trúc, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, cho hay: “Mình nghĩ bản chất của việc hát karaoke không xấu nhưng vì có một số thành phần bật âm lượng quá lớn, hát gào thét, vui chơi không kiểm soát mới dẫn đến chuyện phiền phức đến những người xung quanh. Theo mình, việc vui chơi vào những ngày này cũng không ai cấm, nhưng những ca sĩ nghiệp dư hãy chú ý âm lượng, hạn chế gào thét và hát cho có giờ giấc để đừng phiền lòng tới ai. Vui thôi đừng vui quá!”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.