Xin chúc mừng Jollibee Việt Nam với sự kiện khai trương cửa hàng thứ 150 vào tháng 3.2022 vừa qua. Sau sự kiện này, đâu là những mục tiêu mà Jollibee hướng tới?

Ông Lâm Hồng Nguyễn, Tổng giám đốc Jollibee Việt Nam: 2020 - 2021 là một giai đoạn khó khăn cho toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp F&B ở Việt Nam. Vì vậy, việc duy trì kinh doanh và mở rộng hệ thống là nỗ lực vượt bậc của Jollibee Việt Nam. Cửa hàng đầu tiên của Jollibee Việt Nam được mở cách đây hơn 15 năm, như vậy chúng tôi mất ít thời gian hơn để đạt đến cột mốc 150 cửa hàng. Tầm nhìn đến năm 2025, việc phát triển hệ thống cửa hàng là một trong những chiến lược chủ lực mà chúng tôi tập trung và hướng đến.

Được biết Jollibee là một trong số ít các công ty theo mô hình chuỗi nhà hàng phục vụ nhanh QSR (Quick Serving Restaurant) sở hữu nhà máy sản xuất riêng biệt, khép kín đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000:2018. Đâu là lý do để Jollibee xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam?

Việc mở nhà máy sản xuất công suất lớn để cung cấp cho chuỗi cửa hàng bán lẻ là chiến lược chủ đạo của JFC (Jollibee Foods Corporation) khi phát triển ở các thị trường quốc tế, trong đó có Việt Nam. Lý do nằm ở mục tiêu và sứ mệnh mà Jollibee đặt ra: “Làm cho khách hàng hài lòng một cách cao nhất qua việc phục vụ món ăn ngon đạt tiêu chuẩn chất lượng vượt trội, giá cả hợp lý”. Theo đó, những tiêu chuẩn vượt trội mà Jollibee đưa ra được xếp thứ tự ưu tiên gồm chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch vụ tốt và giá hợp lý.

Rõ ràng việc sở hữu riêng nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000:2018, Jollibee chủ động quản lý chất lượng nguồn nguyên liệu, thành phẩm; đồng thời đảm bảo sự đồng nhất về sản phẩm trên toàn bộ hệ thống.

Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về quy mô và năng lực sản xuất của nhà máy Jollibee?

Nhà máy cung ứng của Jollibee tại KCN Tân Kim mở rộng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Nhà máy có tổng diện tích sàn hơn 10.000 m2 gồm hệ thống kho bảo quản, kho lưu trữ, kho cấp đông và trữ thực phẩm đông lạnh. Cùng với hệ thống kho là chuỗi 4 dây chuyền sản xuất gồm dây chuyền chế biến gà, chế biến sốt mì ý, chế biến bột và bánh. Tất cả trang thiết bị được sử dụng đều là các loại máy móc tiên tiến và hiện đại nhất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhà máy chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2018 với công suất 20 tấn/ngày, cung ứng cho hơn 400 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Việc đạt được giấy chứng nhận quốc tế về chất lượng ISO 22000:2018 giúp mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, an toàn.

Jollibee từng nổi tiếng với câu chuyện thành công phi thường - từ khởi đầu khiêm tốn vào năm 1975 đến mô hình công ty - tập đoàn tạo nên “cuộc cách mạng” thức ăn nhanh tại Philippines. Theo số liệu thống kê đến nay JFC đã có mặt tại hơn 34 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đối với tập đoàn, Việt Nam giữ vị trí và vai trò như thế nào?

Với 150 cửa hàng bán lẻ trên 50 tỉnh thành, Việt Nam có số lượng cửa hàng Jollibee nhiều chỉ sau Philippines. Ngoài ra, Việt Nam còn có doanh số phát triển nhanh nhất trong số các thị trường quốc tế của Jollibee. Đặc biệt điều đáng tự hào nhất của Jollibee Việt Nam là 100% nhân sự, từ đội ngũ điều hành đến người lao động đều là người Việt Nam.

Cá nhân ông đã gắn bó với Jollibee rất lâu nên hơn ai hết ông chính là người hiểu nhất về thương hiệu. Đâu là thế mạnh riêng biệt và độc đáo của Jollibee Việt Nam?

Tôi đã nắm giữ nhiều vai trò trong hệ thống vận hành của Jollibee Việt Nam. Thời điểm năm 2005-2006, chuỗi cung ứng của Việt Nam còn yếu, manh mún và thiếu năng lực trong khi Philippines sở hữu nền công nghiệp ẩm thực rất phát triển. Từ những kinh nghiệm phát triển hơn 40 năm mà thương hiệu gà rán đến từ Philippines mang sang đã giúp Jollibee Việt Nam xây dựng được một hệ thống cung ứng vững chắc.

Tại Việt Nam, Jollibee tuy đến sau nhưng lại là thương hiệu khai phá và phát triển các thị trường mới - các tỉnh thành nhỏ trong cả nước. Chinh phục thị trường tỉnh luôn rất thử thách khi thiếu thốn từ cơ sở vật chất, kinh tế đến sự khác biệt trong thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng. Đến nay, Jollibee đã mở rộng được hệ thống cửa hàng trên 50 tỉnh thành mang sứ mệnh đem hạnh phúc và niềm vui ẩm thực đến mỗi gia đình Việt qua những bữa ăn ngon, giá hợp lý.

Tất nhiên, việc phát triển số lượng cửa hàng tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Jollibee nhưng đồng thời tạo ra áp lực ngược lại cho hệ thống nhân sự và bộ máy. Tuy vậy chúng tôi xem áp lực là động lực để đạt tới những mục tiêu đã đặt ra và trên thực tế hệ thống hiện tại của Jollibee Việt Nam đã đủ năng lực và sẵn sàng ngay tại thời điểm này.

Xin cám ơn ông!

Báo Thanh Niên
27.04.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.