Israel - Ả Rập liên thủ đối phó Iran

Bảo Vinh
Bảo Vinh
07/07/2022 08:26 GMT+7

Israel và các nước Ả Rập tại vùng Vịnh đang xây dựng mạng lưới phòng không nhằm ngăn chặn mối đe dọa tên lửa ngày càng gia tăng từ Iran .

Lá chắn an ninh mới

Trong một cuộc báo cáo các nghị sĩ quốc hội Israel mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz thông báo nước này đang xây dựng “Liên minh phòng không Trung Đông” (MEAD) với các đối tác trong khu vực dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Báo The Economist dẫn lời Bộ trưởng Gantz cho biết MEAD được xây dựng nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công bằng rốc két, tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) của Iran đối với các nước trong khu vực. Đáng chú ý, ông Gantz nói rằng MEAD đã chính thức hoạt động và chặn đứng thành công các nỗ lực tấn công của Iran.

Tên lửa từ hệ thống Iron Dome của Israel (trái) ngăn chặn rốc két từ Gaza hồi tháng 5.2021

AFP

Bộ trưởng Gantz không nói rõ MEAD gồm những thành viên nào, nhưng tờ The Wall Street Journal gần đây đưa tin lần đầu tiên chỉ huy quân sự của Israel và các nước thuộc thế giới Ả Rập gồm Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Bahrain, Jordan, Qatar và UAE đã cùng gặp nhau dưới sự chủ trì của Mỹ để bàn bạc về việc phòng thủ trước mối đe dọa chung. Cuộc gặp diễn ra tại Ai Cập hồi tháng 3 với sự tham gia của tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ khi đó là tướng Frank McKenzie.

Tương tự, Israel và những đối tác mới không công bố nhiều thông tin về MEAD, nhưng giới chính trị gia nước này trong các cuộc trao đổi kín nói rằng lá chắn mới gồm một mạng lưới radar rộng khắp khu vực cộng với các giàn phóng tên lửa đánh chặn. Trong tương lai, mạng lưới có thể mở rộng ra ngoài không gian, sử dụng các vệ tinh giám sát và laser để phòng thủ.

Iran thử nghiệm tên lửa không gian, Mỹ nói gây bất ổn

Trong bài phỏng vấn đăng trên chuyên san The War Zone ngày 5.7, ông McKenzie - về hưu hồi tháng 4 và đang là Viện trưởng Viện An ninh quốc gia và toàn cầu thuộc Đại học Nam Florida (Mỹ), cho biết mục tiêu không phải là thiết lập những hệ thống radar mới mà là tạo ra những quy trình, kỹ thuật cho phép các bên chia sẻ thông tin tình báo về mối đe dọa nhanh chóng và tốt hơn. Ông McKenzie đánh giá Israel là nước có hệ thống phòng không đa tầng tiên tiến bậc nhất trong khu vực và việc đó thu hút các nước Ả Rập cũng đang đối diện với mối đe dọa tên lửa và UAV từ Iran.

Từ cựu thù thành đối tác

Các chuyên gia cho rằng có nhiều lý do để các bên thiết lập liên minh vào thời điểm này. Theo đó, mối đe dọa tên lửa và UAV của Iran đang trở nên cấp bách hơn bao giờ. “Trong 5 - 7 năm qua, Iran đã mạnh mẽ nâng cấp kho vũ khí này và sử dụng chúng chống lại các nước láng giềng”, ông McKenzie nói và nhắc đến vụ tấn công căn cứ không quân có lính Mỹ đồn trú al-Asad tại Iraq hồi năm 2020, cũng như các vụ tấn công bằng tên lửa, UAV từ lực lượng Houthi tại Yemen (được Iran hậu thuẫn) nhắm vào Ả Rập Xê Út.

Tổng thống Mỹ sắp thăm Trung Đông

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến thăm Israel, Bờ Tây, Ả Rập Xê Út từ ngày 13 - 16.7. Theo tờ The Guardian, Tổng thống Biden sẽ khuyến khích việc bình thường hóa quan hệ Israel - Ả Rập Xê Út, giảm căng thẳng Israel - Palestine và tái khẳng định sức ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực. Ngoài ra, với những ảnh hưởng từ xung đột tại Ukraine, ông Biden dự kiến hối thúc Ả Rập Xê Út và các nhà sản xuất khác tăng sản lượng dầu mỏ để hạ giá toàn cầu.

Israel sẽ hưởng lợi từ việc tiếp cận nhiều hơn với nguồn thông tin tình báo được chia sẻ từ các đồng minh của Mỹ trên khắp vùng Vịnh. Trong khi đó, các nước Ả Rập cũng mong muốn sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả của Israel như hệ thống Iron Dome để phòng vệ.

Mối quan hệ giữa Israel và các nước từng là đối thủ đã cải thiện trong vài năm gần đây. Hồi năm 2020, Israel đạt thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với UAE, Bahrain. Hiệp định thương mại tự do (FTA) được Israel và UAE ký hồi tháng 5 cũng là lần đầu tiên Tel Aviv làm điều này với một quốc gia Ả Rập, theo AFP.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những trở ngại cho sự hợp tác thêm giữa các bên, đặc biệt là xung đột Israel - Palestine và việc một số nước Ả Rập được cho là tham gia MEAD nhưng không có mối quan hệ chính thức với Israel. “Chúng ta không nên dùng từ liên minh. Một liên minh là mối quan hệ an ninh cấp cao nhất giữa các nước. Thứ chúng ta có là sự hợp tác phòng thủ tiềm tàng chống lại một mối đe dọa chung”, ông Tamir Hayman, lãnh đạo Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia Đại học Tel Aviv (Israel), nhận xét.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.