Iraq đầy bất ổn sau một năm IS trỗi dậy

08/06/2015 15:27 GMT+7

(TNO) Một năm sau khi bắt đầu trỗi dậy, tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu; trong khi đó chính phủ Iraq đang phải vật lộn nhằm giữ vững đất nước.

(TNO) Một năm sau khi bắt đầu trỗi dậy, tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu; trong khi đó chính phủ Iraq đang phải vật lộn nhằm giữ vững đất nước vốn chìm trong bạo lực dai dẳng, chia rẽ tôn giáo, sắc tộc và khủng hoảng nhân đạo.

IS đã chiếm được nhiều vùng lãnh thổ tại Iraq và Syria - Ảnh: AFP
Vốn là một nhánh của tổ chức khủng bố khét tiếng al-Qaeda, IS trỗi dậy mạnh mẽ từ tháng 6.2014 và hiện chiếm giữ 1/3 lãnh thổ Iraq. Tổ chức cực đoan này thiết lập trên những vùng đất chiếm được tại Iraq và Syria một "đế chế Hồi giáo" tự xưng và liên tiếp thực hiện những vụ hành quyết man rợ, theo hãng tin ABC News (Úc) ngày 7.6. 
Mặc dù vấp phải sự kháng cự của các lực lượng chính phủ Iraq cùng hơn 4.000 cuộc không kích của Mỹ và các nước, IS vẫn đang kiểm soát nhiều vùng phía tây Iraq và vẫn có khả năng đánh bại lực lượng chính phủ để giành thêm nhiều phần lãnh thổ.
Năm 2014, IS chiếm được thành phố Mosul chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ và sau đó tiến về các vùng ở phía nam cùng với các nhóm vũ trang khác, và nỗi lo giờ đây là thủ đô Baghdad cũng có thể sụp đổ dưới tay IS.
Bất ổn tại Syria được cho đã nuôi dưỡng và huấn luyện các tay súng IS. Cùng với đó, mâu thuẫn tại Iraq giữa cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni và chính phủ do người Hồi giáo dòng Shiite kiểm soát, đang đóng góp cho thành công của IS.
Cùng với chia rẽ nội bộ, Iraq hiện đối mặt với sự thiếu năng lực và tham nhũng trong chính lực lượng an ninh, bằng chứng là việc IS chiếm được hàng ngàn xe bọc thép, vũ khí và các thiết bị khác từ tay lực lượng an ninh Iraq. Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Ashton Carter đã chỉ trích rằng sự yếu kém của quân đội Iraq là nguyên nhân khiến cho thành phố chiến lược Ramadi rơi vào tay IS.
Lực lượng an ninh Iraq bị cho là thiếu ý chí chiến đấu và yếu kém - Ảnh: AFP
ABC News cho biết khoảng 10.000 người đã tình nguyện tham gia chiến đấu chống IS sau lời kêu gọi của giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite, Ali al-Sistani. Hiện nay, nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shiite do Iran ủng hộ đang giữ vai trò chính trong lực lượng huy động từ nhân dân. Lực lượng này được lòng nhiều người Shiite tại Iraq vì góp công lớn trong việc giành lại nhiều vùng lãnh thổ từ tay IS. Tuy nhiên, nhóm này đang là mối đe dọa cho nhà nước Iraq, vì không nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ Iraq, theo ABC News.
Mỹ cũng đang sa lầy trong cuộc chiến chống IS. Washington tiến hành nhiều cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của IS, gửi hàng ngàn binh lính đến huấn luyện cho quân đội Iraq ,và liên minh quốc tế cũng tham gia vào chiến dịch đó. Tuy nhiên IS vẫn chiếm được thành phố Ramadi vào tháng trước. Đây là thành phố chiến lược mà quân đội Iraq đã bảo vệ trong hơn một năm trước đó.
Trong khi đó, lãnh thổ và dân số của Iraq đã thay đổi nhiều trong một năm qua. Trong khi IS vẫn tiến công và lực lượng an ninh thì rút lui, điều này giúp IS thực hiện những mục tiêu kiểm soát các vùng lãnh thổ về lâu dài của mình và chính phủ Iraq sẽ khó mà đảo ngược tình thế.
Gần 3 triệu người đã mất chỗ ở kể từ đầu năm 2014, và những người Sunni phải chạy sang các vùng có đa số người Shiite và người Kurd để sinh sống.
Patrick Skinner, một nhà phân tích thuộc tập đoàn Soufan, một tổ chức cố vấn tình báo, cho rằng những yếu tố giúp IS tồn tại và trỗi dậy vẫn còn đó. Chính vì vậy, tổ chức cực đoan này sẽ tiếp tục tồn tại, dù cho có thể bị đánh đuổi khỏi một vài nơi nhưng vẫn là một mối đe dọa đối với Iraq.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.