Iran hoài nghi Nga giữa tranh chấp lãnh thổ với UAE

24/07/2023 11:57 GMT+7

Tranh chấp giữa Iran và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) về chủ quyền đối với 3 hòn đảo ở vịnh Ba Tư đang khiến các quan chức Iran nghi ngờ mối quan hệ với Moscow.

Iran hoài nghi Nga giữa tranh chấp lãnh thổ với UAE  - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong cuộc gặp ở Tehran, Iran, ngày 19.7.2022

REUTERS

Việc IranUAE tranh chấp các đảo này từ lâu đã được đưa vào các tuyên bố của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), liên minh chính trị và kinh tế gồm 6 quốc gia trên bán đảo Ả Rập. Song theo Nikkei Asia, một tuyên bố chung do GCC và Nga đưa ra ngày 11.7 nêu: "Các bộ trưởng khẳng định ủng hộ sáng kiến của UAE nhằm đạt được giải pháp hòa bình cho vấn đề 3 đảo Greater Tunb, Lesser Tunb và Abu Musa thông qua đàm phán song phương hoặc Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ)".

Tehran đã gặp vấn đề y hệt với Bắc Kinh vào tháng 12 năm ngoái khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo trong GCC đưa ra tuyên bố tương tự trong chuyến thăm Ả Rập Xê Út của ông Tập. Dù vậy, vấn đề đã được giải quyết sau đó khi Bắc Kinh đưa ra tuyên bố ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Iran và mời Tổng thống Iran Ebrahim Raisi sang thăm Trung Quốc.

Đối với Nga, Iran đã phản ứng mạnh mẽ. Tehran đã triệu tập đại sứ của Moscow và Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cũng điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Tuy nhiên, Tehran đã không thể khiến Moscow đưa ra tuyên bố về vấn đề này theo mong muốn của mình.

"Mọi người không nên nghĩ rằng Cộng hòa Hồi giáo Iran, với sự vĩ đại và sức mạnh của mình, muốn bán đất nước cho Nga, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh và Đức... Liên quan đến Trung Quốc và Nga, chúng tôi hành động trong khuôn khổ lợi ích của mình. Song chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép họ làm tổn hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi", Ngoại trưởng Amir-Abdollahian nói trên truyền hình quốc gia Iran vào ngày 18.7, theo Nikkei Asia.

Trong khi Iran thường chỉ trích phương Tây, hiếm khi một quan chức nước này trực tiếp công kích Nga. Nhà phân tích Gregory Brew tại Eurasia Group (tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách tại New York, Mỹ) nhận định rằng việc Moscow ký tuyên bố với GCC cho thấy quan hệ Nga - Iran đã xuất hiện sự nghi kị.

"Iran và Nga thỉnh thoảng đã đối đầu nhau ở Syria, nơi cả hai đều ủng hộ chính phủ của [Tổng thống Syria] Bashar al-Assad. Nga đang ngày càng thân thiết hơn với Iran nhưng thận trọng trong việc đưa mối quan hệ lên một tầm cao mới, vì họ cũng đang cố gắng cải thiện hoặc duy trì mối quan hệ của mình với GCC và Israel", ông Brew bình luận.

Nga đã gửi cho Iran số vũ khí do Mỹ cung cấp thu được ở Ukraine?

Cựu Ngoại trưởng Iran Javad Zarif gần đây tiết lộ rằng Moscow đã cản trở các cuộc đàm phán để có thể ký kết thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran với các cường quốc (bao gồm Nga) - tên chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) - vào năm 2015.

"Ngay từ ngày đầu tiên đàm phán JCPOA, Nga đã phản đối nhà máy làm giàu uranium của chúng tôi. Họ nói Nga sẽ không cho phép Iran sản xuất nhiên liệu cho Bushehr [nhà máy điện hạt nhân]. Tại sao? Bởi vì Nga đang tập trung vào cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng. Họ đã cố gắng ngăn chặn điều này xảy ra cho đến tận ngày cuối cùng", ông Zarif phát biểu tại một buổi lễ hôm 12.7.

"Chúng tôi nghĩ rằng Nga là người bạn chiến lược của chúng tôi, nhưng [định nghĩa] chiến lược này khác với chiến lược mà chúng tôi nghĩ", ông Zarif nói.

Những lời lẽ của ông Zarif cho thấy mặc dù nhiều người tin rằng Iran và Nga đang ở cùng một phía trong cuộc đối đầu với Mỹ và phương Tây, sự khác biệt vẫn luôn tồn tại giữa hai nước.

Phương Tây đã lên án Iran với cáo buộc bán máy bay không người lái cho Nga để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine. Các quan chức Iran ban đầu phủ nhận việc mua bán, nhưng sau đó nói rằng họ chưa bao giờ có ý định cho phép sử dụng các thiết bị này trong xung đột và việc mua bán diễn ra trước khi chiến sự bùng nổ.

Một cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Iran cho biết Nga là bên đã công bố thông tin mật về máy bay không người lái của Iran "chỉ để có một đồng minh trong cuộc chiến với Ukraine". "Những người theo đường lối cứng rắn của Iran đơn giản là đã rơi vào bẫy của Nga vì họ quá kiêu ngạo và muốn cho thế giới thấy rằng họ có thể sản xuất loại vũ khí tiên tiến mà ngay cả Nga cũng sẵn sàng mua", ông nói.

Nhiều người thuộc phe bảo thủ trong chính trường Iran tin rằng trong khi nước này không có quan hệ tốt với phương Tây, thì việc duy trì quan hệ với phương Đông là điều khôn ngoan. Song hiện tại, rõ ràng là mối quan hệ giữa Nga và Iran sẽ không trải đầy hoa hồng.

“Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục mối quan hệ quan trọng với tất cả các nước bao gồm cả Trung Quốc và Nga, nhưng lằn ranh đỏ của chúng tôi là chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi”, Ngoại trưởng Amir-Abdollahian nói trên truyền hình quốc gia Iran hôm 18.7.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.