In lại danh tác, đa dạng văn học

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
14/01/2022 06:27 GMT+7

Cùng lúc thúc đẩy văn học thiếu nhi và văn học trong nước nói chung là xu hướng của văn học 2021 - 2022. Các danh tác (tác phẩm nổi tiếng) cũng được in lại nhiều.

Tác phẩm nổi tiếng, bán lâu dài

Tháng 4.2021, bà Nguyễn Thị Hoàng có lịch giao lưu ở nhiều buổi giới thiệu cuốn best-seller Vòng tay học trò, cuốn sách trở lại sau 55 năm của nữ tác giả. Một số cuốn khác của bà cũng được in trở lại: Một ngày rồi thôi, Tiếng chuông gọi người tình trở về, Tuần trăng mật màu xanh và Cuộc tình trong ngục thất. Dự buổi giao lưu ra mắt sách tại Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, nhà văn Ngô Thảo khi ấy xúc động nói: “Sau 1975, chúng ta từng làm biến mất văn học đô thị miền Nam. Nhưng những năm gần đây, chúng ta thấy nhiều tác phẩm của nền văn học ấy bắt đầu được tiếp nhận trở lại”.

Không chỉ văn học đô thị miền Nam trở lại, các tác phẩm nổi tiếng cũng trở lại mạnh mẽ trong năm 2021. Biên tập viên của Nhã Nam - bà Nguyễn Hoàng Diệu Thủy còn đưa ra khái niệm sách “long-seller” - sách bán lâu dài, bền vững. Theo đó, công chúng vẫn tìm đọc các tác phẩm kinh điển và việc in lại các tác phẩm này cũng là một xu hướng của 2021, sẽ tiếp tục là xu hướng của 2022. Bà Thủy nói: “Ta thấy hiện tượng đặc biệt của xuất bản năm qua là in lại sách hay và in theo cách siêu sang. Cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, chúng ta thấy có tới 3 nhà xuất bản cùng in lại”.

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng (phải) giao lưu với bạn đọc

Nhã Nam

PGS-TS Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm Khoa Văn học (Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết cuốn Xóm cầu mới của nhà văn Nhất Linh cũng chuẩn bị được tái xuất. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cũng đã tập hợp khoảng 20 truyện ngắn chưa được biết tới của nhà văn Nam Cao để chuẩn bị xuất bản. TS Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học, cho hay đơn vị của ông đang chuẩn bị bản thảo để ra tập sách Nông dân với địa chủ. “Tập sách nằm trong tủ sách cải cách ruộng đất, có nhiều nhà văn nổi tiếng tham gia”, ông Vũ nói.

Điểm đứng cho văn học thiếu nhi

Văn học thiếu nhi dường như có nhiều chỗ hơn trong năm 2021 và sẽ được lưu tâm nhiều trong năm 2022. Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ, cho biết khoảng 3 năm trước, NXB Phụ nữ đã lập Phòng Biên tập sách thiếu nhi. Trước đó bộ phận này nằm ẩn trong Phòng Biên tập sách khoa học và đời sống. “Nhiều đơn vị xuất bản quan tâm đến dòng sách này. Nguồn thu từ sách thiếu nhi có đơn vị đạt hơn 30%”, bà Phượng nói.

Tuy nhiên, theo bà Phượng, việc đầu tư phát triển văn học thiếu nhi trong nước khá tốn kém. Trong khi đó, mua bản quyền sách nước ngoài lại thuận lợi hơn rất nhiều. “Đó là lý do văn học thiếu nhi trong nước phát triển không như kỳ vọng. Nếu chúng ta đầu tư thực sự cho văn học thiếu nhi, thì phải bài bản, phải chiến lược để có đội ngũ sáng tác thiếu nhi”, bà Phượng nói.

TS Nguyễn Anh Vũ cho biết với NXB Văn học thì sách thiếu nhi rất hạn chế. Trong khi đó, Công ty sách và truyền thông Nhã Nam năm qua lại “thắng” ở mảng này. Bà Diệu Thủy cho biết năm 2021 Nhã Nam có cuốn Đi trốn của nhà văn Bình Ca được giải văn học cho thiếu nhi Dế mèn. Ông Phạm Xuân Thạch đánh giá Đi trốn cao hơn một cuốn best-seller khác của ông Bình Ca là cuốn Quân khu Nam Đồng. Đi trốn hiện cũng có số lượng sách bán ra rất khả quan, cho thấy nhu cầu đọc cho thanh thiếu niên là có thật.

Sách mua đi, sách bán lại

Một xu hướng của năm 2021 có lẽ cũng sẽ tiếp tục trong năm 2022 là dòng luân chuyển sách văn học nước ngoài vào Việt Nam và văn học Việt Nam ra nước ngoài.

PGS-TS Phạm Xuân Thạch cho biết những năm gần đây độc giả Việt được tiếp cận nhiều với các tác phẩm hay dịch sang tiếng Việt. Ông Thạch nói: “Sách kinh điển được dịch không ít. Thú vị là có những đợt sóng. Cách đây mấy năm có một làn sóng dịch văn học tiếng Đức. Gần đây dòng văn học tiếng Nhật rất tốt. Đó là câu chuyện đáng suy nghĩ về văn học dịch”.

Vừa mang các tác phẩm văn học dịch đến với độc giả, nhà văn gốc Việt Ocean Vuong cũng đến với độc giả Việt. Bà Diệu Thủy cho biết đây là một trường hợp rất thú vị, một nhà văn gốc Việt là nhà văn best-seller trên thế giới. Ở tác phẩm của ông, người đọc có thể thấy khát vọng được tìm thấy, khát vọng được nhận ra.

Ở chiều văn học Việt ra nước ngoài, bà Diệu Thủy nói: “Chúng ta xuất khẩu còn ít. Tôi có khảo sát các nhà văn được giải thưởng quốc tế như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, họ cũng chỉ loanh quanh ở những nước mà mình có nhiều quan hệ như Hàn Quốc, Pháp…”.

Cũng theo bà Diệu Thủy, việc xuất khẩu văn học thông qua dịch giả nước ngoài có hạn chế là họ sẽ chọn dịch sách ngẫu nhiên, hoặc các NXB nhỏ nước ngoài có tiền quỹ để trao đổi văn hóa. Mặc dù vậy, nhiều đơn vị xuất bản đã chủ động dịch tác phẩm văn học Việt để chào bán trong các hội chợ xuất bản. Trong số đó có Nhã Nam, Alpha Book và Nhà xuất bản Trẻ. “Nhã Nam đã bán được bản quyền sách Trần Dần tại Anh, Hàn Quốc. Sách sau này sẽ đi vào kênh đại chúng, thương mại”, bà Diệu Thủy nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.