Im lặng và đồng lõa phá rừng

Đức Huy
Đức Huy
02/05/2022 06:11 GMT+7

Trước khi phá rừng, Linh đã gặp gỡ, nhờ ông Định giúp cho việc khai thác gỗ lậu được an toàn. Thay vì lên tiếng răn đe hoặc có biện pháp ngăn chặn, ông Định lại im lặng nên Linh ngầm hiểu là được đồng ý.

Vụ mở đường phá rừng giáp ranh quy mô lớn ở Phú Yên xảy ra vào tháng 2.2020 vừa được TAND tỉnh Phú Yên đưa ra xét xử sơ thẩm với 34 bị cáo, gồm các tội: vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản; hủy hoại rừng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tòa tuyên các bị cáo từ 9 tháng - 9 năm tù.

Trong vụ án này, lâm tặc đã tự mở đường và san lấp hoàn toàn 2.070 m2 đất rừng tự nhiên do UBND xã Sơn Thành Tây, H.Tây Hòa quản lý và 2.100 m2 đất rừng tự nhiên do Ban Quản lý rừng phòng hộ H.Sông Hinh (Phú Yên) quản lý. Sau đó, các đối tượng phá rừng đã thuê thêm nhiều người khai thác trái phép 187,948 m3 gỗ đem đi tiêu thụ.

Hiện trường vụ phá rừng ở Tây Hòa

ĐỨC HUY

Vụ phá rừng với quy mô lớn này xuất phát từ sự im lặng của ông Dương Tấn Định, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm H.Tây Hòa. Chủ mưu vụ phá rừng là Nguyễn Hoài Linh cùng em ruột Nguyễn Hoài Hiếu. Trước khi phá rừng, Linh đã gặp gỡ, nhờ ông Định giúp cho việc khai thác gỗ lậu được an toàn. Thay vì lên tiếng răn đe hoặc có biện pháp ngăn chặn, ông Định lại im lặng nên Linh ngầm hiểu là được đồng ý. Rồi thêm sự tiếp tay của Phạm Văn Tâm, cán bộ lâm nghiệp của UBND Sơn Thành Tây.

Đáng chú ý, một số cán bộ, công an xã Sơn Thành Tây phát hiện vụ mở đường phá rừng nhưng đã không ngăn chặn. Khi cán bộ kiểm lâm biết và báo cáo Hạt Kiểm lâm H.Tây Hòa, ông Định lại tiếp tục không chỉ đạo ngăn chặn mà báo cáo với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên và UBND H.Tây Hòa rằng “không có hoạt động khai thác trái phép xảy ra trên địa bàn H.Tây Hòa”.

Sự im lặng của ông Định cộng với việc nhiều cán bộ xã, kiểm lâm viên thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong giữ rừng chính là hành vi đồng lõa, tiếp tay nên lâm tặc mới lộng hành, ngang nhiên đưa máy móc vào mở đường, phá rừng khai thác gỗ quy mô lớn. Tình trạng rừng dần biến mất trên khắp cả nước thời gian qua, có hay không sự đồng lõa tương tự như trên? Điều này cần sự vào cuộc của các cơ quan thanh kiểm tra và cả cơ quan tố tụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.