TNO

Nên thơ phiên chợ nón lá đêm Gò Găng

06/03/2014 15:14 GMT+7

(iHay) Đến Gò Găng, bạn sẽ không thể quên được những phiên chợ nón lá, họp vào sớm hôm đẹp như một bài thơ.

(iHay) Từ bao đời nay, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tảo tần luôn gắn liền với chiếc nón lá nhẹ nhàng  nhưng thiết thực khi dãi dầu nắng mưa. Lẽ đương nhiên nghề làm nón cũng vì vậy mà lưu truyền qua bao thế hệ.

>> Về làng Thổ Hà ngắm nhà cổ và thưởng thức bánh đa nướng

 

Từ chợ quê đến tỉnh, đâu đâu cũng tràn ngập những chiếc nón lá thân quen. Nhưng chợ nón thì lại không nhiều bởi tính đặc thù của nó, chỉ bán một mặt hàng duy nhất: nón lá.

Nếu chợ nón làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội) chỉ họp vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 mỗi tháng Âm lịch (từ 6 - 9 giờ sáng) thì ngược lại, chợ nón Gò Găng họp hàng đêm (từ 3 - 5 giờ sáng).

Cách thành phố Quy Nhơn khoảng 26km, huyện An Nhơn và huyện Phù Cát là nơi tập trung nhiều làng nón truyền thống của tỉnh Bình Định như: Bình Đức, Châu Thành, Kiều Đông, Kiều Nguyên, Phú Gia…

Men theo con đường phủ đầy cát trắng, tôi vào ngôi làng nhỏ rợp bóng cây. Đâu đó trước hiên nhà luôn có từng nhóm các cô, các chị và cả những cô bé đang thoăn thoắt đường kim.

Thông thường, mỗi người phụ trách một công đoạn, nhưng quan trọng nhất là tạo sườn mê nón. Đan nang theo kiểu đan giỏ, các lỗ nang có hình lục giác tạo thành một miếng mê lớn và thắt nang sườn. Đặt miếng mê lên khuôn nón mẫu, khâu vành để tạo sườn hình nón. Những khâu này thường do những người có kinh nghiệm thực hiện. Cuối cùng là lợp lá chằm chỉ.


Như một tổ ong thợ, những câu chuyện phiếm đan xen tiếng lá xào xạc
 

Trời về chiều, chồng nón mỗi lúc một cao dần. Thành quả của một ngày làm việc dù ít hay nhiều cũng sẽ được mang đến chợ nón Gò Găng ngay khi rạng sáng.

Gọi là chợ, nhưng thật ra đó chỉ là con hẻm nhỏ ven quốc lộ 1A (xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn). Đến từ lúc 1 giờ đêm, tôi được đón tiếp bằng một trận mưa tầm tả, mưa trắng trời. Mưa càng lớn thì nỗi lo của tôi càng nhiều. Chợ lộ thiên mà mưa như trút nước thì sẽ không ai họp. May mắn là sau cùng cơn mưa cũng dứt, để lại con hẻm tràn ngập nước.

3 giờ sáng, không thể kiên nhẫn hơn nữa, tôi rảo bước ra hướng quốc lộ rồi ngỡ ngàng nhận ra chợ đã bắt đầu họp phía bên kia đường. Thì ra, vì địa điểm quen thuộc đã ngập nước nên chợ “linh động” di dời vào hàng hiên.


"Gò Găng có nón chung tình. Ở đây có thiếp một dạ với mình, mình ơi!"

Không sạp, không mái, vài chiếc ghế đẩu, vài ngọn đèn dầu, vậy là… thành chợ! Ban đầu, chỉ dăm ba ngọn đèn lẻ loi hắt bóng người mua bó gối đợi chờ. Rồi những người bán đầu tiên bắt đầu xuất hiện. Đôi khi chỉ vài chục nón được chở trên chiếc xe đạp xiêu vẹo, nhưng cũng có lúc là từng chồng hàng trăm nón được xếp cùng trên xe máy…

Cũng mặc cả, cũng kỳ kèo thêm bớt, nhưng chợ lại không xô bồ nhộn nhịp như những phiên chợ khác. Có lẽ do kẻ mua người bán đều là chỗ thân quen. Cứ thế, những ngọn đèn dầu nhân ra mỗi lúc một nhiều.

Khi bình minh ló dạng cũng là lúc chợ tan. Từ đây, những chồng nón được đóng gói cẩn thận để chuyển đi đến mọi miền đất nước. Với tôi, vẻ đẹp của chiếc nón lá Gò Găng không chỉ ở sự khéo léo, cần cù của người Bình Định mà còn ở những phiên chợ sớm hôm hiền hòa, bình dị, đẹp như một bài thơ.

Nhiếp ảnh Lý Hoàng Long

>> Lang thang xuyên Hội An - thành phố lãng mạn nhất thế giới
>> Làng cổ Phước Tích thơ mộng bên dòng Ô Lâu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.