TNO

Chiếc áo Gho độc đáo ở Bhutan

07/12/2016 16:46 GMT+7

(iHay) Tôi đến Bhutan - quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới vào những ngày gió thu se lạnh.

(iHay) Tôi đến Bhutan - quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới vào những ngày gió thu se lạnh. Người ta nhớ đến mùa thu ở Thimphu với hình ảnh đầy sắc màu, những dây thường xuân đỏ thắm trên các dãy tường nhà, những rừng cây chuyển màu lá hay những đồi hoa cúc dại nở vàng trong nắng mới.

Và còn có sắc vàng của lúa ở những thửa ruộng bậc thang thoai thoải trên các con đồi và những cánh đồng ớt đỏ tươi trong gió thu.
Mỗi sáng khi bình minh vừa nhô lên trên các đỉnh đồi, tôi thích ngắm nhìn dòng sông Raidak xanh phớt màu ngọc lam trôi nhẹ qua phố Thimphu. Thỉnh thoảng ở một vài đoạn gềnh dốc, sông Raidak lại chuyển mình réo ầm vang tiếng sóng. Trên những con dốc nhỏ, những đứa trẻ trong bộ áo truyền thống Gho và Kira thong dong đến trường. Tôi yêu cầu anh Phuntsho, một hướng dẫn viên người bản địa cắt bớt một vài điểm tham quan trong lịch trình ở Thimphu mà hãy giúp tôi tìm hiểu công nghệ dệt vải của người Bhutan, những người dệt nên chiếc áo Gho đậm văn hóa Nam Á hòa quyện vào trong sắc màu tâm linh Phật Giáo Tiểu Thừa.
“Chiếc áo Gho được Ngài Lama đời thứ nhất Ngawang Namgyal giới thiệu đến tộc người Ngalop trên đường quảng bá Phật giáo từ Tây Tạng đến Bhutan vào thế kỷ 17 với tên gọi Driglam Namzha. Tộc người Ngalop là những người Tây Tạng xưa đến xứ sở Rồng Sấm định cư từ thế kỷ 9. Nhìn thấy chiếc áo khá đẹp với nhiều ý nghĩa tâm linh nên các vương triều Bhutan quyết định chọn Driglam Namzha làm quốc phục cho mình. Theo quy định chính phủ hiện nay, các nhân viên cơ quan chính phủ hay văn phòng phải mặc áo Gho khi làm việc. Ngoài ra, Gho còn được mặc trong những lễ hội đặc biệt khác được diễn ra trong năm. Đến Bhutan nhìn thấy một Tây Tạng vừa xa về khoảng cách nhưng vừa gần về văn hóa là vậy!”, anh Phuntsho giới thiệu với tôi trên đường lang thang đến những làng dệt truyền thống nằm không xa trung tâm thủ đô Thimphu.
Dù ở xứ sở Rồng Sấm không có sự phân biệt giàu nghèo, nhưng những người có tiền vẫn yêu thích những chiếc áo Gho được dệt bằng tơ lụa cao cấp. Một chiếc áo có thể từ 30 USD cho đến 3.000 USD tùy thuộc vào bao nhiêu lớp vải hay lụa được sắp xếp trong một chiếc áo và mẫu hoa văn được dệt trên mặt lụa. Có rất nhiều hoa văn được thịnh hành khi dệt những tấm lụa để may áo Gho, nhưng có bốn kiểu phổ biến nhất được sử dụng là sọc ca rô, sọc thẳng đứng, sọc ngang và sọc bắt chéo.
Gọi là đặc biệt bởi Gho được dệt bằng năm gam màu cơ bản tìm thấy từ các loài cỏ dại, cây rừng trong những thung lũng. Thân vải màu vàng tượng trưng cho ánh hào quang Đức Phật giúp con người đi qua bể khổ và đồng thời cũng tôn vinh sự thọ kính dành cho đức Vua, sọc cam tượng trưng cho giới tăng lữ, sọc đen tượng trưng cho địa ngục, sọc đỏ tượng trưng cho sức mạnh siêu nhiên và màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết trong suy nghĩ.
Đi kèm với bộ áo Gho truyền thống của người Bhutan là chiếc khăn Kabney. Nhìn chiếc khăn Kabney được choàng vắt chéo qua thân, có thể hiểu cấp bậc của người ấy trong xã hội. Chiếc khăn màu vàng nghệ chỉ dành cho đức Vua và Thầy tu đứng đầu của một điện thờ, chiếc khăn màu cam dành cho Bộ Trưởng hay thành viên chính phủ cấp cao, chiếc khăn màu đỏ dành cho các thành viên Hoàng Gia hoặc nhân viên cấp cao thuộc các Bộ, màu xanh lá dành cho hệ thống luật pháp, màu xanh da trời dành cho các thành viên quốc hội, màu trắng sọc đỏ dành cho trưởng các cấp tỉnh/huyện và màu trắng dành cho những thường dân. Anh Phuntsho giải thích thêm cho tôi hiểu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.