Huyền thoại Hang Tám Cô: 45 năm khắc khoải và cái kết có hậu

14/12/2017 08:59 GMT+7

Cung đường huyết mạch 20 Quyết Thắng trong chiến tranh thống nhất đất nước (1954 - 1975) không chỉ được mở bằng xương máu và nước mắt, mà còn là sự hy sinh thầm lặng của tuổi thanh xuân.

Sau một thời gian cẩn trọng đối chứng các mẫu sinh phẩm, xác minh ADN bằng phương pháp khoa học với sự phối hợp chuyên môn từ Viện Pháp y Quân đội (Bộ Quốc phòng), Bộ LĐ-TB-XH vừa chính thức công bố danh tính 3 trong số nhiều liệt sĩ thanh niên xung phong (TNXP) và bộ đội pháo binh hy sinh tại Hang Tám Cô huyền thoại (km16 đường 20 Quyết Thắng; bây giờ đã được nâng cấp thành tỉnh lộ, nối di sản Phong Nha - Kẻ Bàng, H.Bố Trạch (Quảng Bình) sang tận biên giới nước bạn Lào).

Có quá nhiều chuyện may mắn trong những ngày đi tìm sự thật về huyền thoại Hang Tám Cô mà tôi không thể kể hết trong bài viết này. Cho đến giờ, tôi vẫn tin, hương linh các liệt sĩ “không muốn mình bị lãng quên” nên đã phù hộ cho chúng tôi suôn sẻ mọi việc. Và trong quá trình đó, tôi rất tin, rằng việc chúng tôi làm sẽ có kết quả, dẫu trước đó đã có hàng trăm bài báo, phóng sự trên nhiều cơ quan báo, đài đề cập đến bao nỗi khắc khoải của thân nhân các liệt sĩ về việc xác định danh tính con em mình.



Tôi nghĩ đây là một cái kết có hậu sau quãng thời gian đằng đẵng 45 năm với nhiều khắc khoải.
1. Đầu năm 2017, khi công tác chuẩn bị kỷ niệm cấp nhà nước 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017) khởi động, tòa soạn Thanh Niên tiếp nhận thông tin bạn đọc phản ánh việc khai quật hài cốt liệt sĩ hy sinh vào ngày 14.11.1972 ở Hang Tám Cô mà tỉnh Quảng Bình thực hiện vào năm 1996 chưa xác định đúng phần mộ của các liệt sĩ. Tôi được Ban Biên tập giao nhiệm vụ phối hợp anh em phóng viên các văn phòng đại diện trực tiếp đi tìm hiểu vụ việc.
Hành trình phá thế độc đạo, mở và giữ cho bằng được đường 20 Quyết Thắng - cung đường huyết mạch dài 125km, nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn chi viện từ hậu phương ra tiền tuyến trong kháng chiến chống Mỹ, có sự tham gia lao động quên mình và chiến đấu anh dũng, kiên cường của hàng ngàn, hàng vạn cán bộ, bộ đội, TNXP, công nhân, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc... Rất nhiều người đã hy sinh. Trong đó, có sự hy sinh của những anh chị TNXP, chiến sĩ pháo binh tuổi còn đôi mươi.
Thông tin có được qua tìm hiểu bước đầu sau phản ánh của bạn đọc có nhiều chi tiết rất mâu thuẫn.
Một số nhân chứng cho rằng ở Hang Tám Cô chỉ có 8 TNXP cùng quê H.Hoằng Hóa (Thanh Hóa) hy sinh, gồm các liệt sĩ: Trần Thị Tơ, Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Văn Phương, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Mậu Kỷ, Lê Thị Lương, Đỗ Thị Loan, Lê Thị Mai.
Cùng lúc đó, một số nhân chứng khác khẳng định ngoài 8 liệt sĩ TNXP này, còn có 5 liệt sĩ pháo binh, gồm: Mai Đức Hùng, Đinh Công Đính, Nguyễn Văn Quận, Sầm Văn Mắc và Nguyễn Văn Thủy.
Cụm di tích Hang Tám Cô thường xuyên có nhiều du khách trong và ngoài nước viếng thăm Ảnh: Đình Phú

Trong khi trên thực tế, đợt khai quật năm 1996 chỉ “xác định” 8 liệt sĩ TNXP, được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ H.Hoằng Hóa. Tiếp đó, trong quá trình xây dựng bia tưởng niệm liệt sĩ Hang Tám Cô (tên gọi mặc định sau khi các liệt sĩ anh dũng hy sinh) vào năm 1998, các thợ xây phát hiện thêm 6 hài cốt nữa, cũng chính trong hang. Những hài cốt này được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ TNXP Thọ Lộc, xã Vạn Trạch (H.Bố Trạch).
Ông Hoàng Văn Hoằng (trái), nguyên Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, trước thời điểm quy tập hài cốt liệt sĩ Hang Tám Cô về H.Hoằng Hóa là Chủ tịch UBND huyện, rồi tiếp đó làm Bí thư Huyện ủy Hoằng Hóa. Ông Hoằng nói: “Câu chuyện hy sinh và quy tập hài cốt liệt sĩ Hang Tám Cô cứ theo suốt quá trình công tác của tôi” Ảnh: Đình Phú
Suốt 45 năm tính từ ngày các liệt sĩ hy sinh, 21 năm tính từ đợt khai quật đầu tiên, thân nhân các liệt sĩ vẫn canh cánh nỗi lòng, không biết chính xác con em mình đang “nằm” ở nghĩa trang Thọ Lộc hay nghĩa trang H.Hoằng Hóa, hay vẫn còn “ở lại” Hang Tám Cô; bởi kết quả quy tập công bố chỉ liên quan đến hài cốt liệt sĩ TNXP, không đề cập gì đến hài cốt liệt sĩ pháo binh cả... Chưa kể, nếu như đúng là liệt sĩ TNXP thì vì sao chỉ 8 liệt sĩ TNXP mà lại có đến 14 phần mộ ở 2 nghĩa trang liệt sĩ khác khác nhau!?...
 2. Khi “bắt tay” vào việc với mong muốn tìm “lời giải” của câu chuyện này, thâm tâm tôi nghĩ cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn lắm đây! Thế nhưng lúc đi thực tế, mọi việc liên quan đến liệt sĩ Hang Tám Cô đều hết sức thuận lợi, có thể nói là ngoài dự liệu của tôi.
Liệt sĩ Lê Thị Lương là trường hợp duy nhất trong số 8 liệt sĩ TNXP có mẹ vẫn còn sống, là cụ bà Lê Thị Ngoạn (86 tuổi). Bà Ngoạn có 6 người con, 4 trai, 2 gái; chị Lương là con thứ 3 Ảnh: Đình Phú

Về quá trình khai quật hài cốt liệt sĩ Hang Tám Cô, nhà văn Nguyễn Thế Tường (người Quảng Bình, hiện sống ở TP.Đồng Hới), nhà báo Nguyễn Thế Thịnh, nguyên Trưởng văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung (cũng là người Quảng Bình) - 2 người tiếp cận vụ việc từ năm 1996, vẫn còn lưu giữ đầy đủ tư liệu, đã giúp tái hiện huyền thoại về chiến công và sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ.
Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết Thắng tại Cụm di tích Hang Tám Cô Ảnh: Đình Phú

Trong khi đó, chỉ trong 1 ngày ở Thanh Hóa - quê hương các liệt sĩ TNXP, tôi và 2 nhà báo Ngọc Minh, Minh Hải (Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên khu vực Bắc Trung bộ) đi đến đâu đều dễ dàng gặp được người cần gặp ở đó, kể cả lãnh đạo chính quyền địa phương, dẫu không hẹn trước.
Chuyện gặp may đến mức, khi chúng tôi tình cờ gặp 1 người đàn ông đang đi xe máy trên đường quê giữa cánh đồng lúa mênh mông của H.Hoằng Hóa, hỏi thăm nhà chị Nguyễn Thị Thanh (người con gái duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Mậu Kỷ; trong số 8 liệt sĩ TNXP chỉ có anh Nguyễn Mậu Kỷ có con trước khi tình nguyện ra chiến trường), thì không ngờ người đàn ông đó chính là anh Lê Quang Châu, chồng chị Thanh...
Có quá nhiều chuyện may mắn trong những ngày đi tìm sự thật về huyền thoại Hang Tám Cô mà tôi không thể kể hết trong bài viết này. 
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh và anh Lê Quang Châu (phải). Trước khi ra chiến trường, anh Nguyễn Mậu Kỷ đã lập gia đình với chị Nguyễn Thị Chờ và có người con gái Nguyễn Thị Thanh. Chị Thanh cưới chồng năm 1990, nay có 2 người con. Hoàn cảnh kinh tế của gia đình chị còn rất khó khăn, từng là hộ cận nghèo, vẫn đang ở nhờ nhà bố mẹ chồng Ảnh: CTV

***
Ngày 8.8.2017, Thanh Niên khởi đăng loạt bài Hang Tám Cô: Huyền thoại và sự thật. Ngay thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung trực tiếp chỉ đạo xử lý làm rõ thông tin các liệt sĩ hy sinh tại Hang Tám Cô.
Trong quá trình Bộ LĐ-TB-XH, Viện Pháp y Quân đội và các cơ quan tiến hành khai quật các phần mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Thọ Lộc, nghĩa trang H.Hoằng Hóa để lấy mẫu sinh phẩm xét nghiệm ADN theo nguyện vọng khẩn thiết của thân nhân liệt sĩ mà Báo Thanh Niên làm cầu nối chuyển tải, nhiều lần Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gọi điện, hỏi: “Khi viết loạt bài, em có tin là việc xét nghiệm ADN sẽ có kết quả để giải tỏa được những nghi vấn kéo dài hàng chục năm qua?”. Tôi thưa: “Em rất tin, bởi sự thật vẫn còn đó. Quan trọng là có người dám nói lên sự thật”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.