'Huyền thoại bay' thầm lặng

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
22/09/2018 10:00 GMT+7

Tôi gọi điện thoại liên hệ, ông nghiêm nghị: 'Tớ nghỉ hưu rồi, đừng gọi là thủ trưởng. Tớ đang nghỉ hưu ở quê Hội An, cậu rảnh thì ghé nhà chơi'.

Hôm sau, tôi bay từ TP.HCM ra Đà Nẵng, vào Hội An gặp ông - đại tá Nguyễn Duy Lê, huyền thoại thầm lặng của Không quân VN. Người phi công thương binh bay nhiều loại máy bay nhất.
Ông không phải anh hùng, không bắn rơi nhiều máy bay đối phương, không là tướng lĩnh cao cấp… nhưng nhắc đến tên ông, mọi người “lính bay” đều kính trọng và căn nhà ông ở tại TP.Hội An, liên tục đón tướng lĩnh - anh hùng, đồng đội phi công trong Nam ngoài Bắc ghé thăm…
Phi công 15 tuổi
Sinh năm 1950 ở Hội An (Quảng Nam), mới 4 tuổi Nguyễn Duy Lê đã theo cha mẹ ra Bắc tập kết. Nói đến cha ông, những lão thành cách mạng ở Quảng Nam ai cũng biết cụ Nguyễn Duy Đề, hồi những năm 1941 - 1942 đã là Bí thư chi bộ Cẩm Hà của phố Hội. Ra Bắc, cha ông làm Chủ nhiệm chính trị Quân khu 4, sau đó được phong hàm đại tá và đi học ở Liên Xô. Khi về nước, được giao nhiệm vụ Phó chính ủy Trường sĩ quan Lục quân VN (nay là Trường sĩ quan Lục quân 1 - Đại học Trần Quốc Tuấn) và năm 1963 mất ngay trong nhà trường.
Ba mất, mẹ chỉ làm nhân viên công đoàn trong trường nên anh cả Nguyễn Duy Lê phải chuyển sang hệ phổ thông nông nghiệp cấp 2 để tranh thủ đi làm thuê phụ mẹ nuôi em. Một ngày đầu tháng 9.1965, cậu học sinh Nguyễn Duy Lê (lớp 7, Trường cấp 2 Cổ Đông, Tùng Thiện, Sơn Tây) đang được thuê đi làm cỏ ngoài đồng, thì được một chú trong Trường sĩ quan Lục quân đạp xe ra gọi hớt hải: “Bác Đồng gọi vào khám phi công”. “Mãi về sau tôi mới biết hôm ấy Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) triển khai đợt khám tuyển phi công trong các trường quân đội. Bác Lê Tự Đồng, Chính ủy (sau là trung tướng, Phó giám đốc về chính trị Học viện Quân sự cấp cao - nay là Học viện Quốc phòng) luôn để ý đến hoàn cảnh gia đình, cho gọi tôi vào khám và bảo: Nếu đi được phi công, mẹ nó đỡ vất vả và gia đình đỡ một miệng ăn”, đại tá Nguyễn Duy Lê nhớ lại và cười: “Cứ qua hết vòng nọ đến vòng kia, cuối cùng mình lại có tên trong danh sách trúng tuyển”. Năm đó, Nguyễn Duy Lê mới 15 tuổi.
Bị thôi bay vì...ông cậu đằng trong

Thực ra đã bay được phản lực thì loại nào cũng bay được. Tuy nhiên, muốn bay tốt thì phải thực sự yêu thích nghề bay và có chút năng khiếu. Hồi ấy tôi rất háo hức khám phá xem máy bay Mỹ khác Liên Xô thế nào. Có lẽ thấy mình chỉ học hết lớp 7 mà ham học, lại là người gốc miền Trung nên 2 ông thầy tận tình truyền hết nghề

Đại tá Nguyễn Duy Lê

Ngày 14.9.1965, đoàn học viên bay của Không quân VN gồm 80 người đi tàu hỏa sang Trường Hàng không Cẩm Châu (Trung Quốc) học tập. Đầu tiên là học tiếng và lý thuyết bay. Những ngày đầu tiên ở Cẩm Châu lạnh thấu xương, anh em vừa lên lớp vừa run cầm cập. Mãi đến khi học bay sơ cấp mới được chuyển về trường 12 ở miền trung Trung Quốc, đỡ lạnh và đỡ vất vả hơn, nhưng số người theo học cũng rơi rụng chỉ còn 60. Loanh quanh hết trường này đến trường khác, đầu tháng 2.1966, binh nhất Nguyễn Duy Lê mới được thả đơn máy bay cánh quạt, sau đó là phản lực Mig-15, 17 và tháng 3.1967, ông Lê nhận bằng tốt nghiệp trường không quân Trung Quốc. “Hồi ấy cả bên Liên Xô và Trung Quốc thi đua đẩy nhanh tiến độ đào tạo phi công quân sự cho VN. Đoàn Trung Quốc được đào tạo nhanh hơn, nhưng để chiến đấu được ngay phải là các phi công được đào tạo ở Liên Xô”, đại tá Lê nhớ lại và trầm ngâm: “Chúng tôi về nước thực hành bay. Thời điểm này Mig-17 không phát huy được tác dụng, vào chiến đấu đã không tiêu diệt được đối phương mà ngược lại, bị bắn rất nhiều... Thế là chúng tôi lại hành quân sang sân bay Lạc Dương (Trung Quốc) bay phức tạp - đề cao. Bay đi bay lại đến trình độ xuyên mây 4 chiếc, lại về trường không quân Trung Quốc nằm chờ. Tháng 2.1969, sau khi chúng tôi hoàn thành bay đề cao, Trung Quốc viện trợ cho 1 trung đoàn Mig-19. Quân chủng PK-KQ cử 5 phi công Mig-17 đã tham gia chiến đấu sang phụ trách đơn vị chuyển loại bay Mig-19. Trước Tết âm lịch 1969 chúng tôi về nước, chính thức gia nhập đội hình bay chiến đấu Mig-19 Trung đoàn 925, Sư đoàn 371 ở sân bay Kép”.
Có một chuyện mà đến giờ các phi công giai đoạn ấy gặp nhau vẫn thường kể lại: Tốt nghiệp sĩ quan, được phong cấp hàm thiếu úy nhưng tất cả đều bị cấp trên giữ lại, đợi “đánh thắng trận đầu” mới trao đồng loạt như hình thức chào mừng. Chính vì vậy, các phi công về nước đều đeo quân hàm binh nhất, trong khi họ đều mặc áo 4 túi sĩ quan. Với ông Lê, kỷ niệm về giai đoạn này còn buồn hơn, đó là đầu năm 1971, ông đang bay chiến đấu thì bị cho... thôi bay. Hỏi một số đồng đội đồng cảnh ngộ mới biết “cấp trên siết lại, lai lịch gia đình ai có vướng mắc thì thanh lý dần”. “Mãi sau này mới biết là hồi ấy 2 bà dì ruột lấy 2 ông cậu làm quận trưởng ở trong Quảng Nam”, đại tá Lê cười và bảo: “Vì lý do này mà đến năm 1973 tôi mới được vào Đảng. Từ 1971 - 1975, tôi đi học tham mưu và về làm trợ lý tác chiến sư đoàn”.
Chuyển loại trong 1 tháng
'Huyền thoại bay' thầm lăng1
Ông Nguyễn Duy Lê (trái) làm vườn tại quê nhà Hội An, Quảng Nam
Ngày 17.4.1975, khi đang là trực ban trưởng của Sở Chỉ huy Sư đoàn 371, trung úy Nguyễn Duy Lê nhận nhiệm vụ vào tiếp quản khu giải phóng miền Nam. Tàu thủy chở quân ghé TP.Nha Trang để cả đoàn lên xe tải nhằm hướng Sài Gòn. Sáng 30.4.1975, ông Lê cùng đoàn vào tiếp quản sân bay Biên Hòa đang ngổn ngang các loại máy bay, xe cộ và nhận nhiệm vụ trợ lý tác chiến của trung đoàn căn cứ Biên Hòa. Tháng 7.1975, cấp trên của ông gọi lên hỏi: “Giờ nhiều máy bay chiến lợi phẩm mà thiếu người lái, cậu có muốn bay lại không?”, khiến ông Lê cười: “Tôi là phi công, lúc nào chả muốn bay. Các anh bắt tôi dừng đấy chứ” và ngay hôm sau được lệnh chuyển công tác xuống Trung đoàn Không quân trực thăng 917 mới thành lập, đứng chân ở Tân Sơn Nhất.
“Đơn vị thu hồi gần 100 máy bay, trong đó 57 chiếc thẩm định lý lịch và bay được nhưng chỉ có 12 phi công nên phải tạm tuyển 4 phi công và một số nhân viên kỹ thuật máy bay, xe máy của chế độ cũ vào làm giáo viên huấn luyện, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu”, ông Lê nhớ lại và tỉ mẩn: Hai “ông thầy” đầu tiên dạy bay máy bay trinh sát U-17 là đại úy Nghiên và Sơn, đều người Sài Gòn. Sau khi giới thiệu về tính năng hoạt động, ông Lê được đưa ra đường băng, lên từng chiếc U-17 đang đậu ngổn ngang để… kiểm tra xem có hoạt động được không, vừa kiểm tra vừa nghe giảng lý thuyết. Sau hơn 1 tháng, ông Lê đã tự bay đơn trong ánh mắt ngạc nhiên đến cực độ của 2 “ông thầy”. “Thực ra đã bay được phản lực thì loại nào cũng bay được. Tuy nhiên, muốn bay tốt thì phải thực sự yêu thích nghề bay và có chút năng khiếu. Hồi ấy tôi rất háo hức khám phá xem máy bay Mỹ khác Liên Xô thế nào. Có lẽ thấy mình chỉ học hết lớp 7 mà ham học, lại là người gốc miền Trung nên 2 ông thầy tận tình truyền hết nghề”, đại tá Nguyễn Duy Lê cười. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.