‘Huyền sử vua Đinh’ chỉ thu hơn 40 triệu đồng: Khán giả thờ ơ phim lịch sử?

26/11/2022 17:30 GMT+7

Từ doanh thu ảm đạm của Huyền sử vua Đinh , khán giả đưa ra hàng loạt ý kiến đa chiều xoay quanh tác phẩm cũng như bàn luận về chất lượng, sức hút của dòng phim lịch sử Việt Nam nói chung.

Khán giả nói gì?

Huyền sử vua Đinh chỉ thu hơn 42 triệu đồng sau 1 tuần chiếu ngoài rạp, phim cũng bị khán giả chỉ ra hàng loạt lỗ hổng, thiếu sót về mặt hình ảnh, nội dung

Cắt từ trailer

Huyền sử vua Đinhphim điện ảnh lịch sử hiếm hoi ra mắt phòng vé Việt trong những năm trở lại đây. Một tuần kể từ khi ra rạp, tác phẩm của đạo diễn Anthony Võ chỉ thu về hơn 42 triệu đồng, trở thành một trong những bộ phim có doanh thu thấp nhất lịch sử điện ảnh Việt.

Chia sẻ với Thanh Niên hôm 24.11, Anthony Võ cho biết khi đưa tác phẩm ra rạp, ông cùng đoàn phim đã lường trước kết quả này và không đặt nặng vấn đề doanh thu. Ông bày tỏ tiếc nuối khi các rạp phim sắp xếp quá ít suất chiếu, lại rơi vào khung giờ sáng sớm hoặc tối muộn khiến khán giả khó ra rạp ủng hộ. Nhà làm phim chia sẻ có theo dõi những bình luận của khán giả về Huyền sử vua Đinh, tất nhiên có khen, có chê, có săm soi, có những phản biện rất hay. Điều đó chứng tỏ nhiều người vẫn quan tâm với tác phẩm, đó đã là một sự thành công với đoàn phim. Ngoài ra, Anthony Võ cho rằng phim còn nhiều điểm chưa hoàn thiện vì kinh phí sản xuất hạn hẹp.

Chia sẻ của đạo diễn Anthony Võ về bộ phim thu hút ý kiến trái chiều

ĐPCC

Những chia sẻ kể trên của đạo diễn phim Huyền sử vua Đinh nhận được nhiều sự quan tâm. Một số độc giả của Thanh Niên cũng đưa ra nhận định riêng bên dưới mục bình luận. Ngoài sự khích lệ dành cho tâm huyết của đoàn làm phim cũng như đóng góp mang tính xây dựng, đa phần ý kiến cho rằng khán giả không thể ủng hộ một bộ phim dở. Một số khán giả chia sẻ: “Phim không đủ tiền đầu tư thì chắc chắn không đạt yêu cầu về kỹ thuật dàn dựng, kỹ xảo hóa trang... vậy thì chiếu rạp sẽ thua thảm. Còn nếu cho là cứ làm phim cổ trang để rút kinh nghiệm thì lại càng sai lầm vì rất khó có nhà đầu tư nào chịu bỏ tiền ra làm phim. Xem qua trailer phim này thì thấy quá sơ sài, giả trân, không đáng phim chiếu rạp”, “Cái mà dư luận phản ứng không phải là hoành tráng mà là sự chỉn chu nhân vật, thoại phim cho phù hợp… Sự cẩu thả tùy tiện khi để nhân vật nhuộm tóc hay râu ria dán cho có không thể biện minh bằng 2 chữ kinh phí”, “Đừng vội trách khán giả không ủng hộ phim lịch sử Việt Nam, bởi phần lớn các tác phẩm đều không đạt”, "Nhiều người nói không nên khắt khe về vẻ bề ngoài của phim. Ngộ thật, bỏ tiền ra rạp là để coi một bộ phim xứng đáng tiền mình bỏ ra và vì phim kể về lịch sử thì càng phải làm chỉn chu!"...

Khán giả Việt đang 'khát' phim lịch sử, nhưng...

Từ khi ra mắt trailer cho đến lúc chính thức phát hành, Huyền sử vua Đinh liên tục thu hút những bình luận, đánh giá từ khán giả qua các bài đăng trên những diễn đàn mạng xã hội

Cắt từ trailer

Câu chuyện chất lượng của Huyền sử vua Đinh và thực trạng làm phim lịch sử Việt Nam cũng nhận được sự chú ý của đông đảo khán giả thông qua các diễn đàn trên mạng xã hội.

Nhiều người ủng hộ ý tưởng thực hiện một bộ phim lịch sử tâm huyết về anh hùng cờ lau Đinh Bộ Lĩnh cũng như việc đoàn phim muốn lan tỏa tình yêu lịch sử nước nhà và khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Tuy nhiên, chất lượng của bộ phim mới là vấn đề gây bàn cãi. Từ khi trailer được giới thiệu, tác phẩm đã bị dân mạng “soi” ra nhiều điểm hạn chế về mặt hình ảnh: bối cảnh sơ sài, phục trang diễn viên nghèo nàn, hóa trang thiếu chân thực, để những chi tiết hiện đại (như nhà xây cấp 4, cột điện, diễn viên nhuộm tóc màu nổi) lọt vào khung hình, các cảnh chiến đấu thiếu sự đầu tư… Nhiều khán giả đã xem phim ngoài rạp còn chỉ ra thêm những lỗ hổng về mặt nội dung. Đáng chú ý là việc đạo diễn Anthony Võ tập trung tô đậm những cột mốc lịch sử (từ lúc Đinh Bộ Lĩnh ổn định gia tộc, dẹp loạn 12 sứ quân đến khi lên ngôi) mà quên khai thác sâu hình tượng nhân vật, làm nổi bật mối liên kết, xung đột giữa các nhân tố trong phim từ đó khiến tác phẩm điện ảnh này giống với một thước phim tài liệu minh họa lịch sử. Việc cài cắm yếu tố huyền huyễn vào phim cũng không đủ sức hấp dẫn, thuyết phục người xem.

Chỉ trong một phân cảnh ngắn của phim, khán giả đã 'soi' ra nhiều 'sạn' như: nhà cấp 4, cột điện, thích khách để tóc ngắn, nhuộm màu nổi bật...

Cắt từ trailer

Hóa trang thiếu chân thực, thành lũy dựng sơ sài, cảnh chiến đấu kém đầu tư... là những điểm bị khán giả chỉ ra từ khi trailer phim được phát hành

Cắt từ trailer

Trên các diễn đàn, phần lớn khán giả chia sẻ họ sẵn sàng ủng hộ phim lịch sử nước nhà nhưng nói không với những tác phẩm kém chất lượng, thiếu chỉn chu. Huyền sử vua Đinh được nhiều người xem là một bộ phim như vậy: “Người Việt rất thích xem phim sử Việt nhưng riêng phim này có nhiều hạn chế, muốn ủng hộ nhưng không ủng hộ nổi”, “Rất yêu sử Việt và trân trọng những người cống hiến tâm sức để quảng bá, làm sâu sắc hơn cho văn hóa dân tộc nhưng làm kiểu này thì thôi ạ. Không thấy sự đầu tư nghiêm túc gì”, “Nói thật đây không phải quảng bá lịch sử dân tộc mà càng khiến khán giả thất vọng về dòng phim này với những bộ phim hời hợt”… Tuy nhiên, một số khán giả chia sẻ vẫn sẽ ủng hộ những tác phẩm còn nhiều hạn chế bởi tình yêu dành cho lịch sử dân tộc. “Thôi thì họ cũng cố gắng làm phim về lịch sử, vào xem để khích lệ tinh thần thôi. Sử ta thì hùng tráng, vĩ đại mà phim ta thì chán quá”, một khán giả trong số đó bày tỏ.

Cùng với những ý kiến góp ý thẳng thắn, nhiều người bày tỏ sự quan ngại khi phim lịch sử Việt không thu hút được nhiều sự đầu tư từ đó có nhiều tác phẩm không đảm bảo chất lượng. “Đây là một vòng tuần hoàn ác tính: Không kêu gọi được nhà đầu tư dẫn đến chất lượng phim có hạn từ đó gây nên sự thất vọng. Phim sau không còn hy vọng nên không có nhà đầu tư nào dám đổ tiền vào thế là phim chất lượng kém rồi mọi người tiếp tục thất vọng. Chỉ khâm phục những nhà làm phim và các nhà đầu tư dám bỏ tiền ra ủng hộ. Đáng tiếc là hữu tâm vô lực”, một độc giả chia sẻ. Trong khi đó, nhiều khán giả mong mỏi sẽ được thưởng thức những bộ phim lịch sử đích thực, được tạo ra với sự góp sức của đội ngũ làm phim có tâm, có tầm.

Sau nhiều bộ phim gây thất vọng, khán giả Việt vẫn mong mỏi được đón xem những bộ phim tương xứng với lịch sử hào hùng của dân tộc

Cắt từ trailer

‘Khán giả được quyền chọn phim họ muốn’

Chia sẻ với Thanh Niên, nhà bình luận điện ảnh Tuấn Lalarme cho rằng khán giả vẫn rất quan tâm đến những bộ phim lịch sử Việt Nam và họ sẽ ra rạp ủng hộ những bộ phim chất lượng. “Khán giả Việt đang quá khát đề tài lịch sử, vì đó là đề tài khơi gợi được lòng tự hào dân tộc, mà khi người ta có thể chạm được vào lòng tự hào dân tộc thì hẳn nhiên người ta sẽ kéo nhau ra rạp như cách mà những bộ phim lịch sử tuyên truyền của Trung Quốc, Hàn Quốc làm được. Còn nói khán giả thờ ơ với thể loại lịch sử thì tôi nghĩ đó là một đánh giá sai lầm. Mà nếu cứ hiểu theo cách như vậy, thì điện ảnh Việt còn lâu mới có một tác phẩm điện ảnh sử thi lịch sử đúng nghĩa”, vị này bộc bạch.

Nhà bình luận trên cũng không đồng tình với lý do phim có kinh phí hạn chế nên chất lượng không đảm bảo: “Đó là một tư duy sai ngay từ khi dự án thành hình, vì nó mặc nhiên giết chết phim từ trứng nước”. Anh tiếp tục: “Khán giả chỉ ủng hộ phim họ thấy có cảm xúc. Bảo chứng là rất nhiều phim làm về chiến tranh, cũng bi hùng lắm, đều 'đắp chiếu' hoặc ra rạp không có người xem. Nên khán giả ủng hộ phim khơi được lòng tự hào lắm, nhưng mà phim có đủ yếu tố khơi được sự tự hào chưa? Hay tất cả chỉ là những điều đạo diễn nói và muốn. Điện ảnh Việt không còn ở thuở ‘khan hiếm’ phim nên khán giả được quyền chọn phim họ muốn và có sự đánh giá nhất định với phim nước ngoài. Nên nếu phim đã kinh phí thấp thì phải chỉn chu, phải giàu cảm xúc. Phải biết mình đang ở đâu để làm được những điều đẹp đẽ và lôi cuốn”.

Một số khán giả cho rằng chúng ta nên vì lòng tự hào dân tộc và vì tâm huyết của những nhà làm phim mà bớt khắt khe lại, bỏ qua những điểm thiếu sót, hạn chế để ủng hộ những bộ phim lịch sử. Trước ý kiến này, Tuấn Lalarme nêu quan điểm: “Thiếu sót và hạn chế đến một mức độ nào đó thôi. Ai cũng có thiếu sót. Chúng ta luôn dễ dàng bỏ qua thiếu sót nếu nó không đáng kể. Hãy thử tìm trên Google, ai cũng chê bộ râu giả trân của Trấn Thành trong Bố già. Nhưng câu chuyện giàu cảm xúc và chạm được trái tim nhiều người đã khiến cho những thiếu sót đó thật không đáng kể. Còn sai sót như ‘ổ voi’, ‘ổ khủng long’ thì tâm huyết cách mấy cũng tan thành mây”.

Các nhà bình luận phim cho rằng làm phim lịch sử cần phải đầu tư nghiêm túc và khán giả chỉ ra rạp ủng hộ phim sử Việt khi tác phẩm đó thực sự chất lượng

Cắt từ trailer

Theo cây viết phê bình phim Lucas Luân Nguyễn, vấn đề một bộ phim lịch sử không thu hút được khán giả ra rạp thì chắc chắn do chất lượng phim chứ không phải do khán giả thờ ơ với phim lịch sử. “Chất liệu lịch sử của chúng ta rất dày và các bộ phim lịch sử chắc chắn sẽ gây được sức hút ít nhiều nếu chúng ta biết cách để làm tốt khâu sản xuất cho đến quảng bá từ sớm khiến khán giả chú ý đến phim. Đối với tôi, một bộ phim thành công không chỉ ở bản chất của bộ phim đó mà còn nằm ở khâu quảng bá và marketing nữa”, anh chia sẻ. Lucas Luân Nguyễn nhấn mạnh anh tin rằng khán giả Việt vẫn luôn có sự quan tâm đặc biệt với dòng phim này. “Khán giả Việt Nam vẫn rất thích có những bộ phim lịch sử, miễn là tác phẩm đó phải thuyết phục được họ, tác phẩm đó phải được làm thật tốt, chỉn chu, nghiêm túc và miễn là tác phẩm đó có cách khai thác, kể chuyện thật sự hay”, anh cho hay.

Trước quan điểm nên ủng hộ phim lịch sử Việt dù còn hạn chế về chất lượng, Lucas Luân Nguyễn không đồng tình bởi khi những bộ phim đã ra rạp thì đều được xếp ngang nhau và nhà làm phim phải ý thức được đây là một thị trường rất cạnh tranh. “Tôi nghĩ không có thể loại phim nào có đặc quyền để được khán giả ủng hộ hơn. Suy cho cùng, mọi thứ đều quy về vấn đề chất lượng mà thôi. Chúng ta không thể vin vào việc đó là phim lịch sử mà dễ dãi được”. Nhà bình luận trẻ tiếp tục: “Đối với tôi khi đã làm phim rồi thì phải nghiêm túc và làm phim lịch sử lại càng phải nghiêm túc hơn. Chúng ta không thể nào làm ra một bộ phim mà có vô vàn lỗi sạn trong đó và nói rằng đây là tôn vinh lịch sử được, đó là đang giết chết lịch sử”. Lucas Luân Nguyễn nhận định dòng phim lịch sử Việt Nam vẫn còn non trẻ vì chúng ta chưa đủ nguồn lực, kinh nghiệm và chưa có bộ phim nào thực sự tốt để làm thang đo cho những bộ phim sau. Anh hoan nghênh những dự án lịch sử, hướng về cội nguồn dân tộc song vẫn đề cao chất lượng của một tác phẩm hơn cả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.