Hụt hẫng với giảm giá xăng

22/03/2022 04:23 GMT+7

Xăng dầu đã có phiên giảm đầu tiên trong năm nay, cũng là phiên giảm sau 7 lần tăng liên tiếp, giảm trong bối cảnh giá cước vận tải và giá hàng hóa leo thang... Cho nên, sự chờ đợi vào kỳ điều chỉnh này từ người dân, doanh nghiệp là rất lớn.

Thế nhưng, mức giảm chưa tới 700 đồng/lít đối với xăng lại gây cảm giác hụt hẫng với hầu hết mọi người. Hụt hẫng là vì trước đó, nhiều tính toán cho thấy giá xăng trong nước có thể giảm tới 1.500 đồng/lít. Nếu nhà quản lý có cân nhắc việc quỹ bình ổn đang âm, thì chắc cũng giảm khoảng 1.000 đồng/lít bởi giá xăng đang ở mức cao nhất lịch sử nên giá cước, giá hàng hóa tiêu dùng cũng đã và đang leo thang.

Chúng ta cũng đang bàn tới việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, nhiều kiến nghị bỏ luôn thuế tiêu thụ đặc biệt, rồi có người lại đề xuất xếp mặt hàng này vào nhóm giảm thuế giá trị gia tăng... Nói chung là tìm mọi cách đưa giá xăng dầu xuống mức thấp nhất có thể để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua giai đoạn bão giá khó khăn hiện tại.

Chưa kể trước kỳ điều chỉnh này, giá dầu thế giới cũng đã giảm khá mạnh. Thế nhưng, trong bối cảnh đặc biệt, điều hành xăng dầu lại vẫn theo cách thông thường. Cụ thể, vào kỳ điều hành hôm qua (21.3), nếu liên bộ muốn giảm giá mạnh để hỗ trợ người tiêu dùng và quyết định vẫn tiếp tục chi quỹ bình ổn, xăng sẽ có cơ hội giảm giá mạnh, trên dưới 1.000 đồng/lít. Ngược lại, nếu chọn phương án trích quỹ bình ổn để bù lại số quỹ đang âm nặng giá xăng sẽ chỉ giảm nhẹ (giá dầu DO vẫn giảm mạnh). Và liên bộ đã chọn phương án thứ hai, trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng dầu (mỗi loại một mức) và ngừng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Kết quả là xăng đã có mức giảm khiêm tốn như nói trên. Đó chính là sự hụt hẫng lớn nhất, chứ chưa phải là con số giảm hơn 600 đồng/lít.

Xăng dầu tác động đến chi phí đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất cũng như đời sống người dân. Thế nên việc tăng hay giảm, tăng giảm bao nhiêu sẽ tác động trực tiếp đến mâm cơm của mỗi gia đình, đến quyết định ra khơi hay nằm bờ của rất nhiều tàu cá, mở rộng hay tiếp tục nằm im của không ít doanh nghiệp... Trong chu kỳ 10 ngày đợi giá xăng dầu trong nước điều chỉnh, rất nhiều hàng hóa, dịch vụ đã buộc phải tăng giá để cầm cự. Giỏ hàng đi chợ của các bà nội trợ từ chai nước mắm, lọ dầu ăn, gói mì cho đến mớ rau, con cá... đều đã tăng.

Tuần qua, nhiều hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp đã gửi đơn kiến nghị giảm thuế, phí, hỗ trợ lãi suất... để họ có thể vực dậy. Thế nhưng...

Thôi thì đành chờ đợi ngày mai, 23.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31.12.2022. Đây là chương trình dự kiến phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo dự thảo nghị quyết, Chính phủ đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít, thực hiện từ ngày 1.4 đến hết năm 2022.

Bối cảnh đặc biệt, cần những quyết sách đột phá mà mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ lợi ích người dân trước áp lực giá cả và phục hồi kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.