Hụt hẫng thiết chế văn hóa ở Đà Nẵng: Nỗi lo ở bảo tàng 100 tuổi

04/03/2014 10:06 GMT+7

Là nơi mà bất kỳ du khách quốc tế nào đến Đà Nẵng tham quan cũng đều muốn đến, nhưng sau 100 năm tồn tại, Bảo tàng điêu khắc Chăm đang để lại nhiều nỗi lo xuống cấp.

Hụt hẫng thiết chế văn hóa ở Đà Nẵng: Nỗi lo ở bảo tàng 100 tuổi

Du khách rất thích thú khi đến tham quan Bảo tàng Chăm - Ảnh: Diệu Hiền

Bảo tàng 100 năm tuổi

 

Theo ông Võ Văn Thắng, việc nâng cấp bảo tàng cần sự đồng bộ, đòi hỏi phải có những giải pháp về khoa học, kỹ thuật đi kèm chứ không chỉ đơn thuần là kiến trúc nghệ thuật. “Muốn cải tạo phải hết sức thận trọng bởi tòa nhà của bảo tàng có vẻ đẹp quen thuộc, lại tạo nên cảnh quan đô thị độc đáo. TP có thể lập quỹ đầu tư từ nguồn thu của bảo tàng, hoặc vận động các quỹ văn hóa trong và ngoài nước giúp đỡ, bởi các tổ chức văn hóa thế giới có thể tài trợ kinh phí cho những dự án có giá trị về văn hóa!”, ông Thắng góp ý.

Bảo tàng điêu khắc Chăm nằm ở trung tâm của Đà Nẵng, năm 2015, sẽ là năm mà bảo tàng chính thức được 100 tuổi. Không chỉ bởi sự tồn tại lâu đời thu hút du khách, mà Bảo tàng điêu khắc Chăm là nơi trưng bày rất nhiều bộ sưu tập, với những tác phẩm nghệ thuật quý giá của nền văn hóa có bề dày lịch sử 1.000 năm trước.

Các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại đây là công trình sưu tập dày công của rất nhiều cá nhân, tập thể. Những bộ sưu tập đến từ nhiều vùng miền, mỗi cổ vật đều có những niên đại riêng. Tại bảo tàng này, có 3 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2013, gồm: Đài thờ Mỹ Sơn, Đài thờ Trà Kiệu, Tượng phật Tara (Đồng Dương).

Chính bởi sự quý hiếm và độc đáo, nên mỗi năm, bảo tàng đón gần 200.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng những tác phẩm. Nhiều du khách quốc tế đã không khỏi ngỡ ngàng trước những cổ vật độc đáo khi đặt chân đến nơi này.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng tự hào nhìn nhận tại cuộc họp về thiết chế văn hóa Đà Nẵng: “Bảo tàng điêu khắc Chăm là bảo tàng độc đáo nhất của TP.Đà Nẵng, có rất nhiều hiện vật quý hiếm. Các du khách đến Đà Nẵng đều rất mê, nhất là du khách quốc tế!”. Không chỉ độc đáo, nơi đây được xem là bảo tàng duy nhất trong cả nước tự thu, chi trả lương cho cán bộ công nhân viên và nộp ngân sách cho TP mỗi năm 2 tỉ đồng.

Sớm tu bổ

Mặc dù là bảo tàng quý, nhưng trên thực tế, rất nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu về văn hóa, lẫn lãnh đạo ngành văn hóa đều có chung nhìn nhận, bảo tàng chưa được đầu tư cho tương xứng, nếu không nói là còn quá thấp. Rất nhiều ý kiến tại cuộc họp về thiết chế văn hóa TP.Đà Nẵng cho rằng, Bảo tàng điêu khắc Chăm hiện có rất nhiều khu trưng bày đã xuống cấp, chưa thể đáp ứng được việc bảo quản, trưng bày những hiện vật quý hiếm.

Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc bảo tàng sẻ: “Nếu nói bảo tàng xuống cấp nghiêm trọng thì thực sự chưa đến mức ấy. Nhưng, những tòa nhà xây dựng cách đây 100 năm, thì không thể nói là còn có thể đủ an toàn để phục vụ việc trưng bày những cổ vật quý! Nên hiện tại, để vậy vẫn có thể phục vụ được du khách, nhưng rất cần tu bổ để phục vụ du khách trong những năm tiếp sau!”. Không chỉ xuống cấp, bảo tàng còn gặp khó khăn trong việc trưng bày.

Việc xây dựng thêm một số hạng mục không nằm trong kiến trúc ban đầu, đã phá vỡ kiến trúc của bảo tàng. Vì vậy, khi du khách tham quan, sẽ không có sự liền mạch bởi cấu trúc trúc trắc này. Bên cạnh đó, những hiện vật trưng bày tại tòa nhà là rất quý, nhưng kỹ thuật trưng bày, kỹ thuật bảo quản những hiện vật chưa thực sự hấp dẫn như những bảo tàng hiện đại hiện nay.

Việc bài trí ánh sáng, bục bệ, phương tiện... còn lạc hậu, nên chưa tôn vinh được những tác phẩm nghệ thuật quý. Ông Vũ Hùng, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.Đà Nẵng cho rằng: “Rất cần nâng mức đầu tư cho Bảo tàng điêu khắc Chăm, nếu như chúng ta quan tâm đến việc gìn giữ một thiết chế văn hóa quý. Việc đầu tư như hiện tại là chưa xứng tầm!”.

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.