Hướng tới hệ thống an sinh bao phủ

01/05/2023 07:25 GMT+7

TP.HCM ngày càng khẳng định là "thành phố văn minh - hiện đại - nghĩa tình". Trong đó, sự "nghĩa tình" có thể minh chứng qua việc TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước khởi phát chương trình xóa đói giảm nghèo, nay là chương trình giảm nghèo bền vững, tập trung giúp người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Liên quan vấn đề này, bà Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, chia sẻ thêm: thời gian qua, các hoạt động giảm nghèo bền vững, chăm lo cho người lao động đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội.

Riêng Ủy ban MTTQ VN TP.HCM và tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) các cấp đã có nhiều hình thức vận động cá nhân, tổ chức để chung tay giúp đỡ người khó khăn, như đi bộ đồng hành vì người nghèo, bán đấu giá vật phẩm, người lao động ủng hộ một ngày lương...

Hướng tới hệ thống an sinh bao phủ - Ảnh 1.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy trao quà cho hộ lao động khó khăn dịp Tết Nguyên đán năm 2023

Từ nguồn Quỹ "Vì người nghèo", MTTQ các cấp hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà tình thương, trao phương tiện sinh kế cho hộ lao động nghèo, hỗ trợ con em hộ nghèo vượt khó học giỏi, hỗ trợ người bị bệnh hiểm nghèo và chăm lo tết... Nhiều hoàn cảnh được tiếp sức thông qua các chương trình "Đồng hành và chia sẻ", "Sinh kế trao tay - tương lai bền vững", "Phiên chợ 0 đồng"…

Thống kê trong năm 2022, Quỹ "Vì người nghèo" toàn TP vận động được gần 310 tỉ đồng. Từ nguồn này, hệ thống MTTQ các cấp chi chăm lo cho người dân toàn thành phố với tổng số tiền hơn 265 tỉ đồng…

Với các hoạt động đó, bà vui lòng điểm qua những sự chuyển biến nổi bật trong công tác an sinh xã hội của TP.HCM?

Bà Trần Kim Yến: Có thể thấy rõ nét, sự quan tâm thường xuyên cho công tác chăm lo hộ lao động nghèo, giảm nghèo bền vững của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với MTTQ và các tổ chức CT-XH trong nhiệm vụ thực hiện các chương trình an sinh xã hội ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ hơn...

Chính sự minh bạch, cụ thể và thiết thực trong các hoạt động an sinh xã hội và nhất là các nội dung hỗ trợ từ Quỹ "Vì người nghèo" TP.HCM đã tạo được niềm tin của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các tôn giáo trên địa bàn luôn đồng hành, ủng hộ cho các hoạt động an sinh xã hội của hệ thống MTTQ trong thời gian qua.

Hướng tới hệ thống an sinh bao phủ - Ảnh 2.

Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM

NHẬT THỊNH

Ngoài ra, có thể thấy rõ nét nhất ở việc thay đổi nhận thức hộ nghèo, từ xem việc "thụ hưởng chính sách" như là "chế độ đãi ngộ đương nhiên được hưởng" sang nhận thức mới là các chính sách hỗ trợ chỉ là phương tiện để hộ nghèo vươn lên, thoát nghèo bền vững.

Hiện nay công tác an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho các hộ lao động nghèo tại TP.HCM, gặp những thuận lợi và khó khăn gì khi triển khai?

Để đạt được những kết quả cụ thể trong thời gian qua, hoạt động của hệ thống MTTQ các cấp có nhiều thuận lợi cụ thể. Điển hình là luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, công tác thông tin truyền thông đa dạng hơn, ứng dụng công nghệ thông tin, các hộ nghèo, cận nghèo tham gia thực hiện các nội dung phong trào, cuộc vận động ở địa phương phát động ngày càng nhiều hơn.

Chúng tôi cũng luôn xác định những nội dung hỗ trợ, giúp đỡ cho hộ lao động nghèo phải được duy trì thường xuyên như: giới thiệu việc làm, hỗ trợ bảo hiểm y tế, tặng học bổng, hỗ trợ vay vốn làm ăn, sửa chữa nhà, chăm lo tết, trao tặng phương tiện sinh kế... Song song đó, kịp thời nhân rộng các mô hình hay để phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho công tác giảm nghèo bền vững.

Về mặt khó khăn, qua đợt dịch Covid-19 lần 4, ảnh hưởng tiêu cực của dịch đến hoạt động của toàn xã hội, đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nhất là những người yếu thế, lao động phổ thông, công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp… Điều này ảnh hưởng đến các chính sách của TP, đòi hỏi hệ thống MTTQ các cấp phải luôn nhạy bén, nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những khó khăn của người dân để kịp thời đề xuất các chính sách phù hợp.

Ủy ban MTTQ VN TP.HCM đang trình chủ trương xây dựng Trung tâm an sinh xã hội TP.HCM (gọi tắt Trung tâm). Xin bà thông tin về tiến độ thực hiện cũng như kỳ vọng của TP.HCM đối với Trung tâm này?

Trong thời gian cao điểm của dịch Covid-19, Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, lao động khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 ra đời, nhằm huy động, tập hợp mọi nguồn lực hỗ trợ, phục vụ cho người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch; hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch.

Với mong muốn duy trì và phát triển mô hình này để tiếp tục trở thành đơn vị đóng vai trò cầu nối các bên liên quan tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, tôi cho rằng việc thành lập Trung tâm (hoạt động với mô hình Quỹ An sinh xã hội theo Nghị định 93/2019 của Chính phủ) là thật sự cần thiết.

Mục tiêu là nhằm trở thành cầu nối các bên liên quan tham gia cung cấp, hỗ trợ các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản cho cá nhân và hộ gia đình lao động đến từ các tỉnh, thành khác và người yếu thế khó khăn tại TP.HCM mà chính sách an sinh xã hội hiện hành chưa bao phủ hết.

Đến nay, Trung tâm đang trong quá trình xin chủ trương của lãnh đạo TP.HCM để đi vào hoạt động chính thức. Tuy nhiên, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM cũng đã có những bước chuẩn bị như: đang thực hiện thiết kế, hoàn thiện đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử của Trung tâm nhằm qua đó tiếp tục xây dựng các chương trình, đề án hỗ trợ cho người lao động khó khăn.

Thời gian tới, chúng tôi cũng kỳ vọng Trung tâm sẽ triển khai đẩy mạnh việc phối hợp, liên kết với các cơ quan, tổ chức, các tổ chức CT-XH, cá nhân, nhà hảo tâm, các tổ chức làm thiện nguyện… cùng tham gia xây dựng các đề án, chương trình cụ thể, hướng dẫn từng nhóm người lao động khó khăn cần hỗ trợ cụ thể như: hỗ trợ đào tạo việc làm; nâng cao kỹ năng nghề nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi việc làm; hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm…

Như vậy, có thể thấy rằng Trung tâm khi đi vào hoạt động sẽ có sự phối hợp cùng các nguồn quỹ hiện nay mà Ủy ban MTTQ VN TP.HCM đang quản lý.

Thời gian tới, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM và quận, huyện, phường, xã sẽ triển khai các hoạt động nào cho công tác an sinh, hỗ trợ sinh kế tại TP.HCM?

Ủy ban MTTQ VN TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp các tổ chức CT-XH, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM để nâng cao hiệu quả chương trình ký kết phối hợp giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh các hoạt động chăm lo thường xuyên, nhân rộng các mô hình, sáng kiến hay, đơn vị cũng sẽ có giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền các chính sách an sinh xã hội để vận động mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động do hệ thống MTTQ phát động, triển khai.

Đồng thời, TP.HCM cũng sẽ tăng cường phối hợp giám sát của hệ thống MTTQ các cấp về công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực an sinh xã hội đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người thụ hưởng chính sách.

Xin cảm ơn bà!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.