Hùng Vương Nguyên Lưu Khảo: Hùng vương “phiên bản Trần”

12/04/2022 06:55 GMT+7

Học giả khuyết danh ở cuối thế kỷ 14 đã bổ sung sự thiếu sót của Đại Việt sử ký bằng một đoạn lịch sử nước ta trước thời nhà Triệu.

Phần Quốc sơ diên cách của sách Đại Việt sử lược cho biết:

“Ngày xưa Hoàng Đế đã dựng vạn nước, cho rằng Giao Chỉ ở ngoài cõi Bách Việt, chẳng ai có thể thống thuộc được, bèn lấy làm giới hạn ở góc tây nam. Đất đó có mười lăm bộ lạc là Giao Chỉ, Việt Thường Thị, Vũ Ninh, Quân Ninh, Gia Ninh, Ninh Hải, Lục Hải, Thang Tuyền, Tân Xương, Bình Văn, Văn Lang, Cửu Chân, Nhật Nam, Hoài Hoan, Cửu Đức, đều là những xứ mà Vũ cống không đề cập đến.

Đến thời Chu Thành vương, Việt Thường Thị mới bắt đầu hiến chim trĩ trắng. Xuân thu gọi là khuyết địa. Đái ký gọi là Điêu Đề.

Đoạn sử về Đối vương (Hùng vương) trong Đại Việt sử lược

Đến thời Chu Trang vương, bộ Gia Ninh có dị nhân có thể dùng ảo thuật thu phục các bộ lạc, tự xưng Đối vương 碓王, đóng đô ở Văn Lang, gọi là nước Văn Lang, lấy thuần hậu chất phác làm tục, chính sự dùng lối thắt nút dây, truyền mười tám đời, đều xưng là Đối vương. Việt Câu Tiễn từng sai sứ sang dụ, Đối vương chống cự. Cuối đời Chu, bị Thục vương tử là Phán đánh đuổi rồi thay thế”.

Bản Đại Việt sử lược cổ nhất mà ta còn giữ là bản in của Tứ khố toàn thư nhà Thanh cuối thế kỷ 18. Bởi vì chữ Đối vương rất giống chữ Hùng vương 雄王, các nhà nghiên cứu cho rằng đó chỉ là kết quả chép sai của Hùng vương. Điều cần chú ý là diễn ngôn lịch sử này mang nhiều quan điểm lịch sử đặc sắc. Lịch sử Việt Nam được ghi nhận từ thời vua Hoàng Đế của Trung Quốc, khi ấy bao gồm 15 bộ (tản quyền). Đến khoảng thế kỷ 7 trước Công nguyên, bộ Gia Ninh mới bắt đầu thống nhất được các bộ lạc, lập ra nước Văn Lang. Nước Văn Lang trong tâm thức sử gia khuyết danh nhà Trần không chỉ không có liên hệ gia phả với các triều đại Trung Quốc, mà còn tách biệt với nước Việt của Câu Tiễn. Điều này khác hẳn với xu hướng của các nhà nghiên cứu Đại Bách Việt hiện đại, vốn muốn kéo cả nước Việt của Câu Tiễn và các vương triều nước Sở vào chung gia phả.

Đại Việt sử lược còn khiến các nhà nghiên cứu hiện đại cảm thấy thú vị, vì niên đại lập quốc thế kỷ 7 trước Công nguyên (thời Chu Trang vương) là tương đương với thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Lần đầu tiên con số 18 đời Hùng vương được nghe nhắc đến.

Quan điểm đặc sắc của Đại Việt sử lược rõ ràng không phải là một sáng tạo cá nhân của tác giả, mà là một nhận thức đã phần nào phổ biến trong thời đại ấy. Hồ Tông Thốc (1324 - 1404) biên soạn 2 quyển Việt Nam thế chí, trong đó quyển đầu “chép thế phả 18 đời họ Hồng Bàng”. Hồ Tông Thốc thừa nhận rằng “những chuyện cóp nhặt được đều là lượm lặt ở tiếng vang chuyện đồn, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ phả ký từng đời mà thôi, còn những sự tích kỳ quái, lờ mờ khó xét, tạm giữ đó để chờ các bậc quân tử sau này, dám đâu xuyên tạc ra lời quái dị để mê hoặc người đời”. Nói cách khác, đó hoàn toàn là những chuyện bắt nguồn từ dân gian lưu truyền. Phan Huy Chú nhận xét rằng sách này “sự tích có phần rõ ràng, nhưng lời văn phần nhiều kỳ dị”.

Ngày nay chúng ta chỉ còn biết đại khái như thế về 18 đời Hùng vương. Nhưng nội dung truyện tích cụ thể thế nào hiện nay không còn giữ được. Nhận thức về lịch sử lập quốc và các triều đại Hùng vương được định hình ở cuối thời Trần đã không được lưu truyền trọn vẹn cho các thế hệ sau. Nguyên nhân là vì một tác động lịch sử có yếu tố ngoại lai đã làm đứt gãy sự truyền thừa đó. Chúng ta chỉ tái phát hiện những diễn ngôn này năm sáu thế kỷ sau đó - khi Đại Việt sử lược và Việt Nam thế chí được tái phát hiện và giới thiệu.

Hùng vương dưới thời thuộc Minh

Mặc dù đã được nhắc đến trong các tài liệu lịch sử do học giả thời Trần biên soạn, Hùng vương chỉ mới xuất hiện trong lĩnh vực tư sử. Sự sụp đổ của nhà Hồ khiến cho quá trình thu nhận Hùng vương vào chính sử bị gián đoạn. Sử sách bị nhà Minh thu thập và hủy diệt một cách có hệ thống, đã giáng một đòn nặng nề vào nhận thức lịch sử của người Việt Nam. Vào đầu thế kỷ 15, bộ Giao Chỉ tổng chí do người Minh biên soạn cho thấy ở nước ta lúc đó còn tồn tại đồng thời các truyện tích về Lạc vương cũng như Hùng vương.

Truyện tích về Lạc vương gắn liền với một di tích ở châu Tam Đái gọi là cung Lạc vương. Đó là một câu chuyện tương tự như lời kể trong Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viễn (trừ việc quân chủ ở đây gọi là Lạc vương, không phải Hùng vương), có thêm thông tin về quốc hiệu Văn Lang và việc Lạc vương truyền được 18 đời.

Truyện tích về Hùng vương liên quan tới thần Mị Nương ở núi Tản Viên, tức câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh. Câu chuyện này đã được ghi nhận chí ít là từ cuối thời nhà Đường.

Huyền sử Hùng vương vốn đã được tập đại thành nay lại bị tan vỡ. Khi người Minh bị đánh đuổi và quốc gia khôi phục lại độc lập, huyền sử Hùng vương sẽ được tái dựng từ đống hoang tàn.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.