'Hung thần' AC-130 của Mỹ được trang bị thêm tên lửa hành trình

30/10/2021 19:20 GMT+7

Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt Mỹ (SOCOM) muốn cải tiến những dòng máy bay quân sự lớn nhất của Mỹ, bao gồm AC-130, nhằm giành lợi thế trên không trước Nga và Trung Quốc .

Dòng máy bay AC-130 của Mỹ

Không quân Mỹ

Kế hoạch của SOCOM bao gồm tập trung nâng cấp tên lửa hành trình cho dòng máy bay cường kích AC-130, trong khi cải tiến dòng máy bay vận tải MC-130 thành một dạng “thủy phi cơ”, theo trang Business Insider.

Phiên bản AC-130 “chết chóc” hơn

Suốt 6 thập niên qua, các phiên bản khác nhau của dòng AC-130 được Mỹ triển khai trong các chiến dịch quân sự của lực lượng đặc biệt. Trong số này có thể kể đến AC-130J Ghostrider, đích thực là một cỗ máy chết chóc với kho vũ khí gồm pháo 30 ly, 105 ly, tên lửa Hellfire và Griffin, cũng như bom, đạn thông minh.

AC-130 được công nhận là nền tảng khí tài yểm trợ tầm gần lý tưởng, nhưng tốc độ bay chậm và dễ trúng đòn tấn công của các hệ thống phòng không đối phương. Đó cũng là lý do tại sao quân đội Mỹ lâu nay hầu như chỉ triển khai AC-130 vào ban đêm.

Giờ đây, SOCOM muốn phát triển một dòng tên lửa hành trình, cho phép AC-130 có thể khai hỏa tầm xa và phá hủy các mục tiêu, trong khi máy bay vẫn nằm ngoài tầm bắn của hỏa lực phòng không.

Theo đề xuất, SOCOM đang tìm kiếm dòng tên lửa tầm bắn từ 370 – 740 km, mang theo đầu đạn 6 kg nhưng có thể nâng cấp lên 17 kg. Vũ khí mới của Mỹ được dự kiến lắp đặt hệ thống điện tử, cho phép nó sau khi khai hỏa vẫn liên tục định vị được mục tiêu đang di chuyển và tấn công chính xác hơn.

MC-130 cất cánh từ mặt nước

Trong một dự án khác, SOCOM đặt mục tiêu cải tiến dòng máy bay vận tải MC-130J Commando II nhằm tăng cường năng lực hoạt động phù hợp tình hình mới.

Mô phỏng hệ thống đáp trên mặt nước của MC-130

socom

Bộ chỉ huy Chiến dịch Đặc biệt của Không quân Mỹ (AFSOC) đang sử dụng khoảng 60 chiếc MC-130, và đây là dòng máy bay đóng vai trò trụ cột của phi đội máy bay cánh cố định thuộc lực lượng này.

Phiên bản mới nhất MC-130J Commando II đặc biệt được triển khai cho các chiến dịch xâm nhập, vận tải, cung cấp hậu cần và tiếp liệu trên không cho các trực thăng.

MC-130 có thể đáp hầu như mọi địa hình trên thế giới, bao gồm bờ biển, sa mạc, đường cao tốc. Thế nhưng, chúng vẫn chưa đáp được trên mặt nước. Nhược điểm đó hứa hẹn sẽ được khắc phục trong năm 2023.

AFSOC đang hợp tác với Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Mỹ triển khai chương trình trang bị năng lực của thủy phi cơ cho MC-130. Hay nói cách khác, các kỹ sư không quân Mỹ đang tìm cách để dòng máy bay vận tải quân sự hoạt động trên mặt nước.

Chương trình đang phát triển hệ thống phao nổi có thể tháo rời, cho phép máy bay cất cánh hoặc đáp trên mặt nước nếu cần thiết.

SOCOM đang đẩy nhanh tiến độ chương trình, dự kiến có thể chuyển sang giai đoạn thử nghiệm trong vòng 17 tháng nữa.

“Đây quả là tin tức tốt lành. Trung Quốc là đối thủ chính của Mỹ hiện nay và trong tương lai. Nếu muốn triển khai hiệu quả các chiến dịch viễn chinh ở khu vực đó của thế giới (châu Á-Thái Bình Dương), chúng ta cần năng lực xuất kích và đổ bộ trên mặt nước”, Business Insider dẫn lời một cựu phi công lái máy bay MC-130 (không nêu tên).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.