Huế sắp có bảo tàng gốm cổ từ đáy sông Hương

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
03/12/2021 07:00 GMT+7

GS-TS Thái Kim Lan (ở Đức) thời gian qua đã về nước, dành nhiều tâm huyết để xây dựng, hình thành Bảo tàng Gốm sông Hương tại không gian nhà vườn của mình ở số 120 Nguyễn Phúc Nguyên, TP.Huế.

Nhà thờ họ Thái ở số 120 Nguyễn Phúc Nguyên (xã Hương Long, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) là một trong những khu nhà vườn đặc sắc được xây dựng cách đây khoảng 200 năm với kiến trúc nhà rường truyền thống, trong đó có những cây cảnh quý hàng trăm năm.

GS Thái Kim Lan chia sẻ việc hình thành ý tưởng xây dựng địa chỉ văn hóa tại đây đã ấp ủ từ lâu, khi ngôi từ đường bị lấn chiếm, rơi vào tranh chấp và hoang phế đến đau lòng. “Sau khi lấy lại được một phần lớn đất của ngôi nhà vườn, tôi đã trở về và dành nhiều thời gian để chăm chút cho không gian này, mong muốn nơi đây trở thành một địa chỉ văn hóa cho Huế”, GS Thái Kim Lan chia sẻ.

Theo GS Thái Kim Lan, trong số các “dòng sông cổ vật” nổi tiếng ở VN, có lẽ sông Hương là một trường hợp độc đáo và hiếm thấy nhất.

GS-TS Thái Kim Lan (thứ 4 từ phải sang) tại không gian trưng bày của bảo tàng sắp hoàn thành

H.N.M

Độc đáo bởi lẽ với số lượng đồ sộ và phong phú lên đến hàng vạn cổ vật với đủ chất liệu (đá, đồng, gốm, sành, sứ…), trong đó có nhiều đồ gốm cổ thuộc văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa đã được cư dân vạn đò trục vớt từ lòng sông. Dòng sông Hương xứng đáng là “di tích khảo cổ” lớn nhất ở Huế, là pho sử sống của vùng đất cố đô xưa.

Từ gần 40 năm trước, gia đình GS-TS Thái Kim Lan ở TP.Huế đã tiến hành sưu tầm cổ vật dưới dòng sông Hương và các dòng sông khác ở Huế (sông Bồ, sông Ô Lâu...) như một cách thức để hiểu hơn về lịch sử hình thành và phát triển của Huế xưa. Đến nay, bộ sưu tập gốm cổ sông Hương của cố họa sĩ Thái Nguyên Bá và GS-TS Thái Kim Lan đã lên đến hàng ngàn hiện vật, trong đó có không ít tiêu bản quý hiếm và tiêu biểu của các nền văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa - Đại Việt. Trong khuôn viên của “Thái tộc từ đường”, hiện có hơn 2.500 cổ vật gốm sứ đủ chất liệu thuộc các giai đoạn lịch sử có nguồn gốc từ các dòng sông ở Huế như sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu… đang được trưng bày.

“Với việc xây dựng Bảo tàng Gốm sông Hương, xem như tôi đã thực hiện được tâm nguyện của hai người anh đi trước luôn ấp ủ mà chưa làm được, đó là người anh ruột của tôi, cố họa sĩ Thái Nguyên Bá, và nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan”, GS Thái Kim Lan chia sẻ.

Hiện tại, GS Thái Kim Lan đã có trong tay 4 bộ sưu tập quý gồm: bộ sưu tập gốm sông Hương (hơn 5.000 hiện vật), bộ sưu tập áo dài triều Nguyễn, bộ sưu tập đồ đồng, bộ sưu tập đồ gỗ. “Trước mắt, tại đây sẽ xây dựng Bảo tàng Gốm sông Hương, nhưng sau này sẽ phát triển thêm và mong muốn trở thành Bảo tàng sông Hương để mở rộng nội dung và quy mô hơn”, GS Thái Kim Lan cho biết.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết vừa qua Hội đồng chuyên môn của Sở có buổi làm việc thẩm định đề án thành lập Bảo tàng Gốm sông Hương của GS Thái Kim Lan. Tại cuộc họp, 100% thành viên hội đồng đã thống nhất thông qua đề án thành lập Bảo tàng Gốm sông Hương. Hiện thủ tục đang tiếp tục được hoàn tất để trình UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ra quyết định thành lập.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.