Huawei có nhiều smartphone đang hoạt động nhất thế giới

30/08/2022 11:02 GMT+7

Dù chịu lệnh cấm thương mại từ Mỹ 3 năm qua, số lượng smartphone đang hoạt động của Huawei trên thị trường vẫn cao hơn các hãng khác.

Huawei thời gian qua ít được nhắc đến với vai trò là nhà sản xuất smartphone, nhưng một báo cáo gần đây cho thấy rất nhiều trong số điện thoại thông minh đang hoạt động trên thế giới do hãng công nghệ Trung Quốc đứng tên.

Mảng smartphone của Huawei đi xuống sau lệnh cấm của Mỹ

chụp màn hình china daily

Huawei "biến mất" trên danh sách nhà sản xuất smartphone

Trước thời điểm có lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ, Huawei từng là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới và trên đà nắm vị trí số 1. Thực tế, đã có một quý hãng lên thứ hạng cao nhất nhưng không thể duy trì sau đó vì Mỹ cấm vận. Sau 3 năm, các smartphone của Huawei không thể hỗ trợ 5G vì thiếu nhiều thành phần cần thiết liên quan tới sở hữu trí tuệ của Mỹ. Sản lượng máy ra thị trường giảm mạnh. Hãng cũng giảm tần suất cập nhật smartphone xuống còn một lần mỗi năm.

Theo báo cáo của Counterpoint Research (CR), thị phần tại Trung Quốc của Huawei trong 3 quý đầu năm 2019 lần lượt là 34%, 35% và 40%. Riêng quý 3/2019, tổng thị phần của 2 hãng xếp thứ 2 và 3 là Vivo, Oppo vẫn thua "người đồng hương". Điều này chứng tỏ Huawei là thương hiệu số một ở thị trường quê nhà tại thời điểm đó.

Tuy nhiên, lệnh trừng phạt thương mại từ Mỹ đã thay đổi "miếng bánh thị phần". Theo báo cáo từ hãng Omdia, lượng smartphone bán ra của Huawei rớt tới 81,6% trong năm 2021, chỉ đạt 35 triệu máy. Tới quý 2 năm nay, dữ liệu phân tích của Canalys cho thấy Vivo đã trở thành thương hiệu số một tại Trung Quốc với 13,2 triệu máy bán ra. Kế sau đó là Honor, Oppo, Xiaomi và Apple của Mỹ đứng thứ 5. Huawei vắng bóng trên bảng xếp hạng và được đưa vào danh mục Others (Các hãng khác) với thị phần không đáng kể.

Nhưng vẫn có nhiều smartphone đang hoạt động nhất

3 năm sau lệnh trừng phạt thương mại, số lượng smartphone đang hoạt động (active) của Huawei vẫn đứng đầu thế giới khiến không ít người ngạc nhiên. Theo GizChina, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến chính là tình hình kinh tế chung hiện nay không mấy lạc quan.

Người dùng ngại thay máy vì lý do kinh tế giúp Huawei duy trì lượng khách cũ

chụp màn hình

Trong vài năm qua, cơn đại dịch đã gây ảnh hưởng lớn tới bức tranh chung của xã hội. Tình trạng kiểm soát, giãn cách liên tục khiến tiêu dùng thực dụng đã trở thành xu hướng chủ đạo mới. Nửa đầu năm 2022, nhu cầu đối với sản phẩm điện tử của người tiêu dùng có dấu hiệu chững lại.

Theo Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, 6 tháng đầu năm tổng lượng điện thoại di động bán ra tại thị trường nước này là 136 triệu máy, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 1 tới tháng 6.2022, có 134 triệu smartphone ra thị trường, cũng giảm 21,7%. Tình cảnh của các thương hiệu Trung Quốc còn nghiêm trọng hơn khi nhà sản xuất nội địa chỉ xuất 115 triệu máy, giảm 25,9% so với cùng kỳ 2021.

Chu kỳ thay máy của người dùng tại đây cũng tăng từ 24,3 tháng (đầu năm 2019) lên 31 tháng, theo CR. Nhiều người trẻ tuổi không còn khả năng thay điện thoại mới. Đây là một trong những lý do khiến họ giữ lại các smartphone đang dùng và phần lớn đó là điện thoại Huawei vẫn còn hoạt động. Mặt khác, xu hướng giảm doanh số điện thoại 2 năm qua đang có lợi cho Huawei bởi nếu người dùng không thay máy, hãng vẫn dẫn đầu về số thiết bị đang hoạt động trên thị trường.

Một lý do khác đã đề cập trên, vào quý 3/2019, smartphone Huawei chiếm tới 40% thị phần ở Trung Quốc và vượt xa các đối thủ. Nền tảng này giúp hãng tiếp tục duy trì lượng máy đang sử dụng hằng ngày. Nhà sản xuất này cũng sở hữu mức gắn bó của người dùng với thương hiệu cao thông qua nhiều yếu tố như lượng ứng dụng có sẵn, chất lượng sản phẩm...

Báo cáo của Questmobile chỉ ra ứng dụng mặc định trên smartphone Huawei, Vivo, Oppo nằm trong Top 5 trình duyệt phổ biến nhất ở Trung Quốc. Trong số phần mềm về thanh toán, ví điện tử Huawei có trên 100 triệu người dùng và hãng vẫn đang đẩy mạnh ứng dụng video tổng hợp để gia tăng trải nghiệm cho người dùng.

Cuối cùng, dù không còn là nhà sản xuất smartphone mạnh, hãng lại sở hữu hệ sinh thái thiết bị công nghệ sử dụng hệ điều hành HarmonyOS mà ở đó, điện thoại thông minh trở thành một mắt xích để kết nối. Điều này tiếp tục giữ chân người dùng của họ ở lại.

Apple vẫn "đơn thương độc mã" ở phân khúc cao cấp

Apple bỏ xa các thương hiệu nội địa tại Trung Quốc

CR

Có một điều chắc chắn rằng ngay tại Trung Quốc, Apple vẫn đang "chơi một mình" ở phân khúc smartphone cao cấp. Dữ liệu của CR chỉ ra trong quý 2 năm nay, Apple giữ vị trí số 1 ở Trung Quốc tại phân khúc smartphone cao cấp với 46% thị phần trong tay. Vị trí thứ 2 của Vivo nhưng chỉ 13%, dù đã tăng tới 91% so với cùng kỳ năm ngoái, lần đầu tiên thay thế Huawei ở mảng này.

Huawei trong khi đó rơi xuống thứ 3 với 11% thị phần. Các chuyên gia phân tích chỉ ra Apple vẫn đang làm tốt ở phân khúc giá trên 1.000 USD. Thực tế, 46% không phải là kết quả tốt nhất mà "táo khuyết" từng đạt được. Vào quý 1/2021, thị phần Apple tại Trung Quốc chạm 57% và ở quý 1/2022, hãng chiếm tới 62%. Cùng thời điểm, Huawei lần lượt chiếm 9% và 3%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.