Huawei bị tố nghe trộm cuộc trò chuyện trên mạng di động Hà Lan

Thành Luân
Thành Luân
20/04/2021 15:29 GMT+7

Huawei được cho là có thể giám sát tất cả cuộc gọi được thực hiện trên một trong những mạng điện thoại di động lớn nhất của Hà Lan.

Theo DailyMail, một báo cáo của tờ báo Hà Lan De Volkskrant được nêu ra bởi hãng tư vấn Capgemini cho nhà mạng KPN của Hà Lan vào năm 2010 kết luận Huawei có thể đã theo dõi các cuộc gọi của 6,5 triệu người dùng của nhà cung cấp mà công ty Hà Lan không hề hay biết. Báo cáo cho biết các cuộc trò chuyện mà nhân viên Huawei ở Hà Lan và Trung Quốc có thể đã theo dõi bao gồm các cuộc gọi của thủ tướng lúc đó, Jan Peter Balkenende, và những người bất đồng chính kiến Trung Quốc.
Mặc dù KPN thừa nhận sự tồn tại của báo cáo, nhưng họ cho biết hôm 19.4 rằng họ “chưa bao giờ quan sát thấy Huawei lấy thông tin khách hàng”, đồng thời nói thêm không nhà cung cấp nào của họ được phép “truy cập trái phép, không kiểm soát hoặc không giới hạn vào mạng và hệ thống của chúng tôi”.
Huawei cũng đã bác bỏ mọi tuyên bố nói rằng họ có thể đã nghe trộm cuộc gọi của người dùng KPN. Công ty cho biết, “Chúng tôi chưa bao giờ bị các cơ quan chính phủ buộc tội hành động theo cách trái phép”.

Nằm trong danh sách đen, Huawei phải cải tổ để giảm phụ thuộc công nghệ Mỹ

KPN bắt đầu sử dụng công nghệ của Huawei vào năm 2009 và thực hiện báo cáo sau khi cơ quan tình báo nội địa Hà Lan AIVD cảnh báo về khả năng gián điệp. Báo cáo cũng cho thấy Huawei có thể truy cập các số đang bị các dịch vụ an ninh của Hà Lan khai thác. Theo báo cáo, sự tồn tại của lỗ hổng của KPN sẽ khiến người dùng mất niềm tin nếu chính phủ Trung Quốc có thể giám sát số điện thoại di động nhà mạng này.
Bất chấp đã nhận được báo cáo của Capgemini (chưa bao giờ được công khai), KPN tiếp tục trao cho Huawei một số hợp đồng liên quan đến các bộ phận mạng 3G và 4G cốt lõi của mình.
Tháng 7.2019, một lực lượng đặc nhiệm của chính phủ Hà Lan đã khuyến nghị kiểm tra mạnh mẽ hơn các nhà cung cấp thiết bị viễn thông, nhưng bất chấp những cảnh báo từ chính phủ Mỹ và những đơn vị an ninh mạng khác về sự nguy hiểm của gián điệp Trung Quốc, KPN đã không cấm Huawei.
Tuy nhiên vào năm ngoái, KPN đã trở thành một trong những nhà mạng châu Âu đầu tiên loại trừ Huawei khỏi mạng 5G cốt lõi của mình, thay vào đó chọn Ericsson của Thụy Điển, trong khi chính phủ Hà Lan đã công bố các hạn chế chặt chẽ hơn đối với các nhà cung cấp thiết bị, bao gồm kiểm tra lý lịch đối với nhân viên có quyền truy cập vào mạng.
Bất chấp sự vận động hành lang mạnh mẽ của Mỹ và thông báo về lệnh cấm ở các nước như Anh (từ tháng 9.2021) và Thụy Điển, các nước châu Âu vẫn chia rẽ về thái độ của họ với Huawei - công ty vốn đã nhiều lần phủ nhận việc làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Được biết, châu Âu vẫn là chiến trường quan trọng đối với Huawei khi công ty đã nhận 47 hợp đồng từ châu Âu trong số 91 hợp đồng 5G thương mại được đảm bảo vào năm ngoái.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.