Hư thực hầu đồng: Đằng sau vấn hầu

07/05/2021 06:39 GMT+7

Từ một tín ngưỡng dân gian, gắn với nông nghiệp, cầu mong sự sinh sôi đến tín ngưỡng thương nghiệp, mang lại lợi lộc trong buôn bán, hầu đồng đã thay đổi nhiều phương diện về hệ thống đền phủ, con nhang đệ tử - những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu.

Hầu đồng như một minh chứng cho sự phát triển thương nghiệp. Không khó để nhận ra sự phân bố các đền phủ của tín ngưỡng này dựa trên trục giao thương trọng yếu như Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Yên Bái, Lào Cai, Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hà Nội - Nghệ An… rồi theo con đường thiên lý vào nam.

Hầu đồng bạc tỉ

Ở thập niên 1930 - 1950, các vấn hầu thường dành cho nông dân ở nông thôn nặng về căn số. Trang phục trong vấn hầu hình thành rất giản đơn: một bộ áo nâu, các dải lụa thắt lưng, một tấm khăn phủ diện màu đỏ.
Hầu đồng nay chuyển sang lớp người kiếm ra tiền, họ phát lộc nhiều hơn, sắm lễ sang trọng hơn, đó là quyền và mong muốn của các đồng thầy cùng con nhang đệ tử. Trang phục cho đồng giờ rất đắt tiền. Bác sĩ - thanh đồng C.L (công tác ở một bệnh viện tại Hà Nội) tiết lộ về đồng thầy A.Hồng của mình: “Một bộ áo gấm thêu của thầy giá trên 200 triệu, vải được dệt riêng, đo may và thêu hoa văn theo lối cổ, tính đủ trang phục khăn áo, các trang sức, thẻ ngà, bội giắt của 36 giá phải hơn chục tỉ”.
Quả thật, nhìn các vấn hầu mỗi khi vị đồng thầy này ra giá khai hội ở Kiếp Bạc hay Tây Hồ, chỉ tính tiền hoa tươi trên bàn thờ đã từ 200 triệu đồng trở lên, chưa kể sắm lễ với trái cây, vàng mã...
Trong hệ thống đền phủ của tín ngưỡng thờ Mẫu, mỗi điện thờ, mỗi phủ, mỗi vùng miền... lại là những vị đồng thầy khác nhau trấn giữ, có con nhang đệ tử riêng. Cách nhận ra mức độ, quy mô, đẳng cấp cao thấp của đồng thầy, không gì khác hơn là phải... giàu.
Đồng thầy ấy phải có những giá hầu tiền tỉ, gần đây còn cộng thêm cả danh hiệu nghệ nhân dân gian, rồi có học hàm học vị xã hội, nhẹ thì trình đại học, cao hơn là tiến sĩ. Oách nhất là nhiều mối quan hệ mật thiết với quan chức từ T.Ư đến địa phương. Không khó để nhận diện tại các đền phủ, mỗi mùa trình đồng, những vòng hoa trang trí ở vấn hầu bạc tỉ có đầy tên, chức danh những vị đương quan gửi đến chúc mừng.
Hư thực hầu đồng: Đằng sau vấn hầu1

Tiền là một thước đo được giới đồng cốt lưu tâm khi trình đồng

ẢNH: LAM PHONG

Bây giờ, để được ra trình đồng cần nhất là tiền, sau mới bàn chuyện căn số. Không tiền không thể trình đồng. Tín ngưỡng hầu đồng thực tế là sinh hoạt thương mại, có sự kết nối giữa đồng thầy (thủ nhang đồng đền) - cung văn - thanh đồng. Muốn trình đồng, thanh đồng thuê đền phủ, rẻ nhất cũng từ 1 - 3 triệu (tiền giọt dầu), tiền thuê cung văn (chưa phải hàng ngôi sao đang nổi như tứ đại Long - Chung - Quỳnh - Mạnh) từ 15 - 20 triệu, tiền quà - tán lộc cho con nhang đệ tử đến dự, tiền trang trí cửa Mẫu cũng phải hơn chục triệu. Gom lại mỗi vấn hầu, bét nhất cũng trên 30 triệu đồng.
Một khi đã nảy sinh tính thương mại, tất yếu có cạnh tranh, hầu đồng cũng rơi vào vòng xoáy này. Đồng thầy muốn sang khăn, mở phủ cho đệ tử cũng ít nhiều nhìn vào năng lực tài chính, chọn người cùng hệ, cùng đẳng để lập cơ cánh riêng. Vị bác sĩ C.L kể trên tiết lộ anh tốn hết 250 triệu để đồng thầy mở phủ, anh mang căn ông Hoàng Mười, mỗi năm hành hương về Nghệ An trình đồng, đi theo là 3 xe tải đồ lễ.
Khắp các chiếu đồng, có vị con nhang đệ tử toàn quyền cao chức trọng, có vị là dân làm ăn lớn ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, tài chính... Và đồng thầy bây giờ, đều có điểm chung là rất giàu.
Việc cạnh tranh nhau xem giá đồng nào sang, quần áo đồng thầy nào đắt giá, tiền tán lộc nhiều - nội tệ hay ngoại tệ, trang trí điện thờ đẹp, cung văn nổi tiếng, đồ lễ ngoại nhập... là cuộc chạy đua ngầm của nhiều ông đồng bà cốt trong tín ngưỡng thờ Mẫu.

Thân sâu hồn bướm

Ngoài vấn đề tiền bạc, ẩn sau đền phủ của nhiều vị đồng thầy là thế giới đặc biệt dành riêng cho những người mang giới tính không rõ ràng. Dân gian gọi là đồng cô - thân xác đàn ông nhưng tâm tính, cử chỉ, giọng nói mang tính nữ.
Hư thực hầu đồng: Đằng sau vấn hầu2

Cô đồng trên tay mâm tiền tán lộc thánh ở đền Hai Cô, Yên Phụ

Lúc sinh thời, GS-TS Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam) lý giải: “Theo quan niệm dân gian, người có khả năng lên đồng là những người nhẹ vía nên rất ít bà cốt là ái nam, nhưng phần lớn ông đồng mang tính ái nữ. Những người giới tính không rõ ràng rất nhạy cảm, khả năng lên đồng dễ dàng hơn so với người thường”.
Trong các giá hầu thánh, hình ảnh hóa thân vào các nhân vật trong 36 giá đồng phần nhiều là nữ nên với những người “ái nam, ái nữ” trước đây, chiếu đồng là nơi đáp ứng, giải tỏa, giúp họ là chính mình mà không ngại thị phi của người đời.
Trong giới đồng thầy, người dám công bố là đồng cô không nhiều, hiếm hoi có thể kể đến đồng thầy Lưu Ngọc Đức, thủ nhang Lảnh Giang vọng từ (Hàng Hành, Hà Nội). Còn lại hầu hết vẫn âm thầm giấu kín giới tính thực của mình, chỉ những sinh hoạt sau chiếu đồng họ mới phát lộ.
Đến điện thờ Linh Vương Long của Đắc Trung, một đồng thầy trẻ tuổi trong giới đồng Hà Nội, khi chỉ mới đôi mươi đã lập điện, trình đồng, mở phủ, có con nhang đệ tử lo việc nhang đèn. Gặp cậu đệ tử dưới nhà đang mải tập các động tác múa khi lên đồng, với giọng nhỏ nhẹ như con gái, cậu bảo trước kia làm nghề cắm hoa, sau theo Mẫu về với thầy Trung giúp cậu nhang đèn, làm hầu dâng mỗi khi cậu trình đồng. Hỏi thẳng đồng Trung về chuyện đồng bóng, “bóng” ở đây có phải để ám chỉ những người mang giới tính thứ ba? Trung khéo léo đáp: “Đồng bóng có nhiều nghĩa, người phụng sự thánh như chúng em thì bóng ở đây là bóng thánh, chỉ thân xác là của đồng. Một khi đã bắc ghế hầu thánh, giới tính không quan trọng nữa”.
Ở đền Hai Cô (Yên Phụ), mỗi khi thanh đồng H.D trình đồng, cả đội quân 12 ái nam ái nữ tụ tập, mặc theo lối áo bà ba trắng, quần lưng thun, xưng là hội quần chun. Có dịp đến đền vào buổi tối trước ngày trình đồng, hội quần chun tụ tập, sắp lễ, chí chóe nhau như mổ bò. Gọi nhau toàn xưng con kia, đĩ nọ, đành hanh các kiểu. Ngày trình đồng, cả nhóm mang bộ mặt khác hẳn, ai nấy nghiêm trang, uốn đưa theo làn điệu chầu văn và bước chân sáo thanh đồng, mừng vui hoan hỉ.
Nói về chuyện giới tính trong lên đồng, con nhang Đức Hiệp (Hòa Bình) không ngần ngại: “Bọn em đủ kiểu, bóng lộ có, bóng kín có, gái thì ô môi, lét (lesbian - đồng tính nữ). Lắm đứa trong nhóm chay mặn đều dùng được (quan hệ cả hai giới), nhưng chỉ trong hội với nhau, ra ngoài kín tiếng lắm”. Thanh đồng không tìm được người thương đành tự an ủi: “Có duyên cô rẽ duyên ra, có con thì để cho bà nó nuôi”.
Lợi dụng danh tính, tiền tài, đẳng cấp các vị đồng thầy nơi cửa Mẫu, thiếu một vị minh chủ dẫn đầu, cùng những vấn nạn mượn tín ngưỡng dân gian làm nơi giải tỏa căng thẳng xã hội, khiến hầu đồng bên cạnh những cái hay, đẹp vẫn luôn tồn tại những hệ lụy. Việc chấn hưng tín ngưỡng hầu đồng, hạn chế biến tướng, đưa nét đẹp của hầu đồng thành quy chuẩn là câu chuyện dài tập. (còn tiếp)
Trình đồng bằng ngoại tệ
Đồng Hương (Hà Nội) cho biết mỗi lần trình đồng ở xứ người, chị không dùng tiền Việt, mà thay bằng USD hoặc euro. Bạn chị học Nga về, chồng xưa là “soái” bên đấy, vấn hầu tại điện thờ ở nhà chơi toàn tiền Nga, ăn đồ Nga, uống vodka Nga, “các ngài về nó cho hưởng đồ Nga toàn tập, vãi chưởng luôn”.
Trong khi đó, theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Ngày xưa, những người có căn số, nghèo quá không đủ tiền ra trình đồng vẫn có thể bắc ghế hầu thánh bằng lễ vật đơn sơ, phù hợp với khả năng của họ, và nghi lễ lên đồng vẫn diễn ra tốt đẹp. Người trong giới gọi họ là đồng tủi. Ngày nay không còn thấy đồng tủi nữa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.