Hư cấu và thông điệp đúng

Ngọc An
Ngọc An
26/06/2022 06:09 GMT+7

Cách đây hơn 10 năm, người dân làng Kim Văn (Hà Nội) đã phản ứng gay gắt việc nhà làm phim Huyền sử thiên đô làm sai lệch lịch sử qua hình ảnh công chúa Cúc Phương được xây dựng trong phim.

Khi đó, những tranh cãi về việc có thể hư cấu nhân vật lịch sử đến đâu một lần nữa lại nổ ra.

Bên cạnh Huyền sử thiên đô (bộ phim khắc họa hình tượng vua Lý Công Uẩn), nhiều phim lịch sử Việt mang hơi hướng phim tiểu sử về những vị vua, chúa, anh hùng dân tộc... đã được thực hiện và không phải lần nào cũng trơn tru mà thường dễ gây phản ứng vì bị cho rằng hư cấu không đúng với lịch sử. Và những ngày qua, một bộ phim “thuần chất” phim tiểu sử là Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh lại “nóng” lên với những phản ứng trái chiều về cách hư cấu của nhà làm phim và sự thật được phát ngôn từ người trong cuộc.

Thể loại phim tiểu sử đã xuất hiện trong lịch sử điện ảnh thế giới từ cuối thế kỷ 19, nhưng có lẽ phải đến phim Em và Trịnh, công chúng trong nước mới có dịp hiểu rõ hơn về thể loại này. Đây là thể loại phim nói về cuộc đời của một nhân vật hoặc những nhân vật có thật hoặc dựa trên lịch sử. Thực tế, trên thế giới, khi làm phim tiểu sử về nghệ sĩ hay nhân vật nổi tiếng, nhà làm phim cũng như người diễn viên tham gia chịu nhiều sức ép từ công chúng bởi đó là những người thường đòi hỏi hoặc mong chờ hình tượng nhân vật phải giống với nguyên mẫu. Bởi vậy, dễ hiểu, ngay khi công bố tạo hình Trịnh Công Sơn lúc trẻ (do Avin Lu đóng) và lúc già (do NSƯT Trần Lực đóng), nhà làm phim Em và Trịnh đã phải chịu nhiều ý kiến khen chê trái chiều. Cần nói thêm là ở thể loại tiểu sử, nhà làm phim gần như có thể hư cấu hoàn toàn, chỉ sử dụng những sự kiện có thật để tạo dựng nên câu chuyện. Vậy nên, nhà làm phim Em và Trịnh không sai khi hư cấu nhiều tình tiết trong phim như dòng dẫn trước khi bộ phim được chiếu trước khán giả tại rạp.

Tuy nhiên, nhiều khán giả có thể chấp nhận một Avin Lu hay một Trần Lực trong hình ảnh Trịnh Công Sơn, dù với họ, diễn viên chưa hoàn toàn thể hiện được hết thần thái của nguyên mẫu, nhưng lại khó chấp nhận được nhiều chi tiết hư cấu trong phim. Chính danh ca Khánh Ly, người được đưa vào làm một trong những nhân vật trong phim, đã lên tiếng trước truyền thông về nhiều tình tiết trong phim (mà bà được nghe nói lại) đã làm sai lệch và ảnh hưởng đến hình ảnh của bà và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thậm chí, bà cho rằng, việc đó đã “hạ thấp” hình ảnh người nhạc sĩ - tượng đài của nhạc Việt. Chưa kể đến khi Khánh Ly nổi giận, nhiều khán giả khi xem xong đặt câu hỏi: Rốt cuộc, bộ phim muốn nói điều gì về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn? Đáng tiếc, câu trả lời lại không phải là những đóng góp của ông với nhạc Việt, hay tâm thế của người nhạc sĩ lớn trước thời cuộc... Trong khi, đó mới là những điều mà nhiều người chờ đợi ở một phim tiểu sử về nhạc sĩ họ Trịnh.

Làm phim lịch sử, hay phim tiểu sử về nhân vật luôn là điều không dễ, nguyên nhân có thể do thiếu tư liệu lịch sử về nhân vật, hoặc nhân vật còn nhiều góc khuất, ngoài ra, phải “vượt qua” những định hình hình tượng nhân vật có sẵn trong công chúng. Tranh luận về việc hư cấu (vốn là quyền của nhà làm phim) là khó tránh, nhưng cái tầm và cái tâm của nhà làm phim nằm ở việc bộ phim cần truyền tải bức thông điệp đúng về nhân vật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.