“Hốt hoảng” vì 15 triệu USD giá bản quyền World Cup 2022 ở Việt Nam

28/07/2022 06:30 GMT+7

Các đơn vị truyền thông tại VN đang kết hợp với nhau để cùng mua gói bản quyền truyền thông World Cup 2022 . Tuy nhiên, quan điểm chung của các đơn vị là nhất quyết không mua bằng mọi giá, để tránh thua thiệt cho phía VN.

Đối tác hét giá gây sốc

Bản quyền phát sóng các giải đấu lớn trên thế giới luôn là vấn đề được khán giả đặc biệt quan tâm và World Cup cũng không phải ngoại lệ. Gói bản quyền World Cup trên toàn thế giới thuộc quyền sở hữu Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và ở mỗi khu vực, FIFA lại có một đại lý khác nhau để thay mặt rao bán cho các nước của khu vực đó. Mới đây, đại lý sở hữu bản quyền World Cup 2022 của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã sang Việt Nam và có cuộc làm việc với một số đài cũng như đơn vị truyền thông trong nước. Trước đó, đại lý này đã đưa ra giá bán ở thị trường Việt Nam với con số gây sốc: 15 triệu USD (hơn 350 tỉ đồng).

Khán giả Việt Nam được xem truyền hình trực tiếp World Cup 2018, nhưng World Cup 2022 vẫn chưa có câu trả lời

AFP

Nếu bỏ ra 15 triệu USD, đơn vị mua bản quyền truyền thông World Cup 2022 trên lãnh thổ Việt Nam, sẽ được những quyền lợi, trong đó có quyền truyền hình và radio: độc quyền truyền hình (mặt đất, cáp, vệ tinh, IVTV) và không độc quyền phát thanh trên lãnh thổ Việt Nam. Quyền truyền phát trên di động và internet (bao gồm OTT): độc quyền trên lãnh thổ Việt Nam...

Trong gói này, FIFA cũng yêu cầu các đài bắt buộc phải phát trên kênh quảng bá một số trận đấu nhất định, như trận khai mạc, bế mạc…; để đạt tối thiểu bao nhiêu phần trăm dân số của nước (đã mua thành công bản quyền) được xem những trận này. Các điều khoản nói trên đều được đưa vào hợp đồng.

Chung vốn mua “bánh” nhưng...

World Cup 2022 diễn ra tại Qatar từ ngày 21.11 - 18.12 và đến thời điểm này, chưa đơn vị nào tại Việt Nam mua được bản quyền. Vì giá được hét quá cao, một số đài do tiềm lực tài chính không còn dồi dào như trước nên không còn mặn mà với thương vụ này và đã quyết định đứng sang một bên. Một số đơn vị khác vẫn muốn mua nhưng không thể cáng đáng nổi một cách độc lập. Do đó, các đơn vị đã thảo luận và quyết định cùng chung vốn để mua “miếng bánh” bản quyền. Sau đó sẽ cùng khai thác thương mại, quyền lợi của mỗi đơn vị sẽ tùy thuộc vào số tiền mà đơn vị đó bỏ ra. Nếu số tiền như nhau thì được quyền khai thác như nhau. Còn nếu đơn vị nào bỏ nhiều tiền hơn, sẽ được hưởng quyền lợi nhiều hơn. Nhưng dù số tiền mỗi đơn vị là bao nhiêu thì chủ trương chung được các bên nhất quán sẽ không mua với giá như đối tác tuyên bố.

Việc đàm phán đang được tiến hành mà theo như tiết lộ của một người trong cuộc: “Mẫu số chung của nhiều nước trên thế giới là các đơn vị truyền thông của nước đó cùng bắt tay nhau để mua bản quyền, ví dụ như Thái Lan cách đây 4 năm, True Vision và Amarin TV đồng sở hữu bản quyền phát sóng World Cup 2018 với sự tài trợ của 9 doanh nghiệp Thái Lan. Hay Singapore, cùng lúc có 3 tập đoàn viễn thông gồm Singtel, StarHub, Mediacorp chung tay mua bản quyền phát sóng World Cup 2018, thay vì lao vào cuộc đua độc quyền như trước. Việt Nam cũng đang áp dụng cách thức này vì biết rằng nếu đua độc quyền sẽ thất bại. Thú thật là khi đối tác phát giá, chúng tôi ngỡ ngàng và có phần “hốt hoảng”. Tuy nhiên, khi gặp gỡ đại lý của FIFA, chúng tôi đã rất nghiêm túc đặt vấn đề là có thiện chí muốn mua bản quyền với cái giá khác, thấp hơn giá chào hàng. Nhưng đối tác tỏ ra khá cương quyết, chưa có ý định giảm giá”.

Không mua bằng mọi giá

Quay trở lại 4 năm trước, câu chuyện bản quyền truyền thông World Cup 2018 trở thành đề tài thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Đại lý của FIFA cũng hét giá rất cao, hành trình đàm phán giữa Đài truyền hình Việt Nam (VTV) với đại lý này diễn ra khá căng thẳng trong một khoảng thời gian khá dài (gần 2 năm). Chỉ ít ngày trước khi World Cup 2018 khởi tranh, VTV mới tuyên bố trở thành đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng giải đấu này, nhưng với sự hỗ trợ cực lớn của 2 doanh nghiệp lớn trong nước. Nếu không có sự chia lửa của 2 doanh nghiệp này, chắc chắn, VTV không thể kham nổi. Thời điểm đó, lãnh đạo VTV cho hay việc mua bản quyền truyền thông những giải đấu như World Cup, VTV thường lỗ khoảng 90%.

Bản quyền World Cup nữ 2023 tại Úc và New Zealand có chi phí rẻ hơn và hiện tại, một đơn vị truyền thông trong nước đã sở hữu được gói bản quyền phát sóng giải đấu có sự tham dự của đội tuyển nữ Việt Nam.

Chia sẻ với Báo Thanh Niên ngày 27.7, một thành viên của ban đàm phán gói bản quyền phát sóng World Cup 2022 cho hay: “Rất khó hay nói chính xác là không thể thu hồi vốn ở những lần mua bản quyền như thế này nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì việc đàm phán với đối tác trên tinh thần quyết tâm mua bản quyền truyền hình World Cup để phục vụ khán giả, tất nhiên không mua bằng mọi giá. Dù đứng trước nguy cơ là bị lỗ nhưng chúng tôi vẫn cố gắng phục vụ, với điều kiện đại lý của FIFA phải giảm giá ở ngưỡng mà Việt Nam có thể chịu được. Còn nếu giá cả được giữ nguyên như lúc họ phát ra thì các bên khó có thể tiếp tục thương thảo”.

Theo một chuyên gia về bản quyền, khán giả Việt Nam cũng sẽ phải làm quen với thực tế có thể xảy ra là không đài nào mua được bản quyền phát sóng World Cup 2022 và việc đàm phán sẽ bị dừng lại mà không đạt được kết quả có hậu. Năm 2018, VTV may mắn có sự đồng hành của 2 doanh nghiệp như vừa nói ở trên nhưng bối cảnh hiện tại rất khác. Hai năm qua, các doanh nghiệp của Việt Nam gặp khó khăn lớn về tài chính do ảnh hưởng của Covid-19, nên khó đòi hỏi doanh nghiệp trong nước chịu chi một khoản lớn để hỗ trợ các đài mua bản quyền truyền thông World Cup 2022. Khi các đơn vị truyền thông phải tự “bơi”, họ sẽ chỉ mua nếu phía đối tác đồng ý bán với giá hợp lý, phù hợp với sức chịu đựng tài chính của các đơn vị này.

Lý do cầu thủ gay mơ ước lên tuyển Mỹ dự World Cup 2022 ở Qatar

Ai đang sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022 khu vực châu Á ?

Theo trang SportsMint Media, Công ty Infront Sports & Media có trụ sở tại Thụy Sĩ đang sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022 ở Indonesia và 25 quốc gia khác tại khu vực châu Á.

Infront Sports & Media hiện đạt thỏa thuận bán bản quyền truyền hình World Cup 2022 cho Tập đoàn truyền thông Emtek của Indonesia, nhưng với chi phí không được tiết lộ.

Tại Indonesia, Tập đoàn Emtek sẽ cung cấp sóng cho các kênh truyền hình miễn phí mặt đất như SCTV, Indosiar, O Channel và Mentari TV, cũng như các kênh truyền hình trả tiền Champions TV và nền tảng phát trực tuyến Vidio.

Trang SportsMint Media cũng cho biết, Infront Sports & Media đang xử lý việc phân phối bản quyền World Cup 2022 không chỉ ở Indonesia mà còn tại 25 quốc gia châu Á khác. Công ty có trụ sở ở Thụy Sĩ này đã mua lại bản quyền vào cuối năm 2011, trong một thỏa thuận bao gồm tất cả các sự kiện của FIFA từ năm 2015 đến 2022 trong đó có cả các kỳ World Cup 2018 và 2022.

Ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Indonesia thì Brunei, Campuchia, Malaysia và Philippines cũng đã có bản quyền truyền hình World Cup 2022.

Giang Lao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.