Hợp tác giữa Alibaba và The CrownX: không chỉ là 400 triệu USD

21/05/2021 08:01 GMT+7

Số tiền 400 triệu USD mới chỉ là số vốn ban đầu trong kế hoạch hiện đại hóa chuỗi bán lẻ trong mô hình tiêu dùng - bán lẻ của Tập đoàn Masan.

Mạnh tay gọi vốn, tạo kết nối

Mới đây, nhóm nhà đầu tư do Tập đoàn Alibaba cùng Baring Private Equity Asia (BPEA) khởi xướng, đã rót 400 triệu USD vào The CrownX, công ty quản lý phần vốn góp của Tập đoàn Masan Group tại Công ty Masan Consumer Holdings (MCH, sở hữu 85,71%), Công ty dịch vụ thương mại VinCommerce (VCM, sở hữu 92,8%).
Trong thương vụ này, The CrownX được định giá 6,9 tỉ USD (pre-money), tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (xấp xỉ 2.150.000 đồng/cổ phiếu). Sau đợt rót vốn, tỷ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX là 80,2%, còn nhóm nhà đầu tư sở hữu 5,5%.
Số tiền 400 triệu USD và 5,5% cổ phần là con số đáng kể, nhưng con số giá trị cộng hưởng tiềm năng từ việc mở rộng kết nối mà hai bên mang lại có lẽ còn vượt xa hơn nhiều. Theo đó, các khoản thỏa thuận hợp tác thúc đẩy kinh doanh giữa hai bên cũng được chú ý không kém, khi nhóm nhà đầu tư mới có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ và công nghệ, còn Masan đang sở hữu các công ty sản xuất hàng đầu trong ngành hàng tiêu dùng cũng như có hệ thống bán lẻ dẫn đầu thị phần tại Việt Nam.
Ở nhóm nhà đầu tư, tên tuổi đầu tiên đã quá nổi tiếng là tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới Alibaba. Trên thực tế, tập đoàn này đã khởi động kế hoạch đầu tư ra toàn cầu từ 10 năm trước đây, với kỳ vọng vào tiềm năng thị trường bán lẻ ở địa phương. Có thể kể đến các thương vụ rót vốn 200 triệu USD vào Ấn Độ, đầu tư 2 tỉ USD vào trang thương mại điện tử Lazada (ở khu vực Đông Nam Á), 1,1 tỉ USD vào Tokopedia (Indonesia) và nhiều khoản đầu tư lớn vào các công ty bán lẻ khác nhau.
Nhà đầu tư thứ hai là Baring Private Equity Asia (BPEA) có lịch sử hoạt động 24 năm, hiện đang quản lý danh mục tài sản trị giá 23 tỉ USD và là một trong những quỹ đầu tư thay thế lớn nhất ở châu Á. Danh mục chủ yếu của nhóm này hướng đến việc tạo ra giá trị cho tất cả các bên liên quan thông qua cách tiếp cận đầu tư bền vững.
Ở phía Masan, sau khi mua lại hệ thống chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi VinMart (sẽ đổi tên thành WinMart trong năm nay), thành quả tái cấu trúc hệ thống đang dần hiện rõ hơn khi biên lợi nhuận trở lại mức dương trong hai quý liên tiếp gần đây.
Do đó, đây cũng là thời điểm phù hợp để phát triển thêm mảng ghép quan trọng là thương mại điện tử cho chuỗi bán lẻ offline. Trong hai năm gần đây, Masan không chỉ tích cực mở rộng ngành hàng, tái cấu trúc hệ thống để tăng tính hiệu quả, mà còn chủ động gọi vốn đầu tư theo định hướng chung là trở thành nền tảng bán lẻ - công nghệ hiện đại để “phụng sự người Việt”.
Trước thương vụ mới công bố này, vào tháng 4.2021, SK Group (Hàn Quốc) là cổ đông lớn của Masan đã mua lại 16,26% cổ phần VCM với tổng giá trị khoảng 410 triệu USD. Chưa hết, trong thông cáo của mình, Masan cho biết còn đang trong quá trình đàm phán một giao dịch đầu tư chiến lược khác trị giá từ 300 - 400 triệu USD vào The CrownX. Giao dịch dự kiến hoàn tất trong năm 2021. Trong các giao dịch này, Masan vẫn hoàn toàn nắm cổ phần chi phối.
The CrownX hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings & VinCommerce

The CrownX hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings & VinCommerce

“Thay da đổi thịt” cho bán lẻ

Các thỏa thuận với nhóm nhà đầu tư mới có năng lực trong lĩnh vực chuyển đổi số bán lẻ trong thương vụ gần đây, được kỳ vọng sẽ giúp phát huy sức mạnh cốt lõi của các bên.
Dễ thấy nhất là việc bắt tay với Alibaba sẽ giúp VinCommerce (sở hữu hơn 2.500 điểm bán) dễ dàng tiếp cận 20 triệu người dùng trên Lazada, trang thương mại điện tử có thị phần đáng kể ở khu vực Đông Nam Á chứ không chỉ riêng Việt Nam. Bên cạnh việc tăng doanh thu, lợi ích đáng kể thu về còn là mức độ hiểu biết khách hàng.
Một lợi thế khác là các sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng của Masan sẽ có cơ hội “lên kệ” trực tuyến nhiều hơn, đem lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng về sản phẩm và giúp tiết kiệm đáng kể một khoản chi tiêu.
Các sản phẩm hàng tiêu dùng phổ biến hơn trên kênh trực tuyến cũng sẽ mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho người tiêu dùng. Trên thực tế, dù có tốc độ thương mại điện tử tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian qua, nhưng nhu yếu phẩm (như đồ uống, thực phẩm…), lĩnh vực chiếm 50% thị trường bán lẻ và 25% chi tiêu của người dùng Việt, lại chưa được phục vụ đúng cách trên kênh này.
Trên thực tế, khách hàng có xu hướng tăng tiêu dùng các sản phẩm nhu yếu phẩm trên nền tảng thương mại điện tử đang có xu hướng tăng lên, và được hỗ trợ thêm kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện. Theo báo cáo nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á của Google, Bain và Temasek, người mua hàng đang ngày càng mua nhu yếu phẩm online nhiều hơn. Tỷ trọng của nhóm ngành hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm trong tổng giá trị hàng hóa (GMV) đã tăng từ mức 4% trong năm 2015 lên 11% trong năm 2020, dự kiến sẽ lên 15% vào năm 2025.
Nhìn ở góc độ xa hơn, việc phát triển các kênh trực tuyến dựa trên “những người khổng lồ” sẽ giúp Masan đi nhanh hơn trong mục tiêu kết nối trực tiếp với từng hộ gia đình. Việc kết nối trực tiếp có hai ưu điểm, một là giúp các hộ giảm chi tiêu nhờ giảm bớt các khâu trung gian trong mua sắm nhu yếu phẩm, hai là việc sở hữu các dữ liệu chi tiêu nhu yếu phẩm của hộ gia đình sẽ giúp Masan hiểu khách hàng nhiều hơn, từ đó dễ dàng đáp ứng thêm các nhu cầu khác về dịch vụ tài chính, thậm chí là giải trí. Mô hình kết hợp bán lẻ - tài chính cũng là mô hình mà Alibaba thành công rực rỡ ở thị trường quê nhà.
Nhìn ở góc độ này, còn rất nhiều “đất” để ngành bán lẻ chuyển mình từ mô hình truyền thống sang hiện đại và Masan đang có sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để khởi đầu xu hướng thay đổi này. Sức mạnh hiệp lực giữa điểm bán hiện hữu của VinCommerce (với 2.500 điểm bán), sức mạnh sản xuất của ngành hàng tiêu dùng và nền tảng trực tuyến hàng đầu của Lazada, còn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa ngành bán lẻ của Việt Nam sẽ diễn ra nhanh chóng hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.