Hợp lực chống lừa đảo qua mạng

TS Huỳnh Văn Thông
TS Huỳnh Văn Thông
11/01/2023 04:08 GMT+7

Trừ những trường hợp tinh vi, còn những chiêu trò lừa đảo qua mạng hiện đang “thịnh hành” không quá khó để truy vết và truy quét.

Nhưng chẳng hiểu sao có những trò lừa đảo qua mạng khá “thô sơ” lại vẫn dễ dàng nằm ngoài vòng pháp luật. Có khi nào là vì chúng ta thiếu một phương án “hiệp đồng tác chiến”?

Đầu tiên phải nói đến việc thiết lập các kênh, công cụ để hỗ trợ người dân phản ánh, báo cáo ngay lập tức những trường hợp có dấu hiệu lừa đảo qua mạng. Đó không phải là việc khó trong bối cảnh công nghệ hiện nay. Nhà mạng phải là lực lượng tiên phong trong việc này nếu muốn tạo ra một môi trường dịch vụ thông tin “sạch”, an toàn cho người dùng. Nhà mạng không thể thực hiện việc này chỉ khi nào chính quyền yêu cầu, mà phải xem đó là ưu tiên hàng đầu về chất lượng dịch vụ và về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Thực tế thỉnh thoảng sau các tin nhắn rác hoặc cuộc gọi rác (thường là khởi đầu của trò lừa đảo) nhà mạng có phần để khách phản hồi báo cáo tin nhắn rác. Nhưng sau phản hồi đó là gì, người tiêu dùng cần được biết kết quả.

Cơ quan quản lý lĩnh vực thông tin - truyền thông cần quyết liệt hơn trong việc thiết lập các “tầng” kiểm soát và chế tài đối với những trường hợp liên quan đến hành vi lừa đảo qua mạng. Các “tầng” chế tài này nên bao gồm nhiều phản ứng từ mức khóa tài khoản, khóa giao dịch ngay lập tức đối với trường hợp xuất hiện dấu hiệu nghi vấn đến mức xóa tài khoản, cắt số nếu có đủ dấu hiệu phạm pháp.

Những kiểu thông báo có liên quan đến hệ thống dịch vụ ngân hàng đều phải được đăng ký thông qua một “luồng” kiểm soát chung để nhà mạng thuận tay trong việc đặt lưới ngăn chặn tất cả các tin nhắn “ngoài luồng”. Chẳng hạn, một tin nhắn lừa đảo kiểu “Tài khoản của quý khách đã bị khóa. Đăng nhập… để xác thực ngay hôm nay” không thể tiếp cận được người dùng vì bị hệ thống nhận diện là “ngoài luồng”. Việc truy vết máy chủ gửi tin nhắn lừa đảo có thể cần nhiều thời gian hơn, nhưng việc ngăn chặn một tin nhắn “ngoài luồng” thì sẽ kịp thời hơn để bảo vệ người dùng. Hiệu quả không dễ dàng để đạt 100%, nhưng tình trạng tin nhắn lừa đảo “thịnh hành” chắc chắn sẽ giảm đáng kể.

Cũng đừng quên đến việc quan trắc một nguồn dữ liệu hữu ích từ thống kê của ngành điện. Trong bối cảnh mà ngành điện đã thực hiện chiến lược chuyển đổi số rất nhanh và ấn tượng, thì việc thiết kế một mô hình dữ liệu sử dụng điện để quan trắc các dấu hiệu bất thường liên quan đến việc vận hành các hệ thống máy chủ bất hợp pháp có thể sẽ cung cấp thêm nhiều đầu mối thông tin quan trọng giúp cơ quan chức năng phát hiện các ổ tội phạm công nghệ cao.

Cuối cùng không thể không nhắc đến vai trò “hiệp đồng tác chiến” từ cộng đồng xã hội. Nhân viên ngân hàng trong vai trò một người dùng hệ thống hoàn toàn có thể có đóng góp quan trọng trong việc phát hiện các ca nghi vấn khi người bị lừa đảo đến giao dịch chuyển tiền có dấu hiệu bất thường. Chủ nhà cho thuê đừng thiếu trách nhiệm giám sát những kẻ thuê nhà gầy ổ phạm pháp. Người dân đừng xem nhẹ việc chủ động báo cáo, phản ánh dấu hiệu lừa đảo qua mạng. Đừng cứ nghĩ đơn giản kiểu mình không bị mắc lừa, còn ai dính bẫy lừa thì ráng chịu. Vì người tiếp theo dính bẫy lừa có thể là người thân của bạn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.