Hồn xưa dấu phố - Kỳ 3: Sân vận động Septo

10/06/2015 06:35 GMT+7

Sân vận động Hàng Đẫy ở thế kỷ trước thường được người Hà Nội gọi bằng cái tên Sân vận động Septo, bởi trước kia ở đây là có bãi bóng của Hội Thể dục Bắc Kỳ (Société d’éducation physique du Tonkin), viết tắt là Septo.

Sân vận động Hàng Đẫy ở thế kỷ trước thường được người Hà Nội gọi bằng cái tên Sân vận động Septo, bởi trước kia ở đây là có bãi bóng của Hội Thể dục Bắc Kỳ (Société d’éducation physique du Tonkin), viết tắt là Septo.

>> Hồn xưa dấu phố - Kỳ 2: Nhạc viện đầu tiên tại Đông Dương

Sân vận động Hàng Đẫy trước đây là bãi bóng Septo - Ảnh: Ngọc ThắngSân vận động Hàng Đẫy trước đây là bãi bóng Septo - Ảnh: Ngọc Thắng
Vào những năm 30 của thế kỷ trước, ở Hà Nội có bốn bãi bóng đá “xịn” được dùng để thi đấu chính thức, đó là bãi Mangin dưới chân Cột Cờ, bãi Éclair ở phố Cầu Đất, bãi Stade ở chân cầu Long Biên và bãi Septo ở đường Cát Linh ngày nay.
Nói là “xịn” nhưng bãi bóng được nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn mô tả chỉ là một sân cỏ rộng, có đường kẻ vôi làm ranh giới, có cột gôn không mắc lưới, bãi có hàng rào nứa bên ngoài, người đi xem đứng trong hàng vây quanh vạch vôi.
Người Việt khởi xướng thành lập trường thể thao đầu tiên
Đầu thế kỷ 20, môn thể dục đã được đưa vào chương trình ở các trường tiểu học và trung học Pháp - Việt, nhưng không được chú trọng. Chỉ có hai trường là Trung học Bưởi và Xaro là có bãi tập trang bị dụng cụ thể thao. Năm 1919, ông Nguyễn Quý Toản, một nhà giáo Tây học, có đầu óc tân tiến, đã khởi xướng việc thành lập trường thể dục - thể thao đầu tiên gọi là Edep (École d’éducation physique), trường có bãi sân ở phía sau nhà diêm (nay là chỗ phố Hoa Lư).
Đến năm 1930, khi chính quyền thành phố quyết định mở rộng khu vực nhà diêm, bãi sân của Edep được chuyển về bãi đất trống ở phía bắc đường Cát Linh và phía sau đường Hàng Đẫy, Trường Edep được đổi thành Hội Thể dục Bắc Kỳ (Société d’éducation physique du Tonkin) - Septo. Trong tư liệu về Hội Thể dục Bắc Kỳ có ghi, bãi đất trống rộng vài héc ta, được xây dựng tường rào bao quanh, một khán đài bằng gỗ chứa khoảng 400 chỗ ngồi được dựng lên, mặt sân lồi lõm, mỗi khi mưa lại đọng nước.
Bãi bóng Septo tồn tại đến năm 1956 thì Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định xây dựng lại. Sau 18 tháng khởi công, Sân vận động Hàng Đẫy đã hoàn thành vào tháng 8.1958 với quy mô lớn và hiện đại nhất của thập niên 1950. Kiến trúc của sân vận động được giữ cho đến ngày nay, dù trong suốt thời gian qua đã nhiều lần được tu sửa, nâng cấp.
Người xưa chơi thể thao
Dù chỉ tồn tại trong khoảng thời gian 20 năm, nhưng bãi bóng Septo giống như một nhân chứng lịch sử, chứng kiến sự phát triển của phong trào thể dục - thể thao, nhất là môn bóng đá ở Hà Nội. Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn, những năm đầu thế kỷ 20, trong số các môn thể thao, bóng đá là môn được ưa chuộng và phổ biến nhất.
Trong khi môn xe đạp chỉ có cua rơ nhà nghề thì bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ chỉ ở mấy trường học của Hoa kiều mới có chỗ tập chơi. Quần vợt là môn thể thao giải trí của Tây và những thanh niên con em quan lại giàu có. Điền kinh thì rất ít người chơi vì thiếu sân bãi, dụng cụ và người huấn luyện.
Bóng đá được lính Tây chơi giải trí, trẻ con và người lớn thấy thích nên đá theo. Đến những năm 1920, chơi bóng đá phát triển thành một phong trào, thậm chí ở Hà Nội đã có những đội bóng được tổ chức bài bản. Chẳng hạn, người Pháp có đội Nhà binh, đội Câu lạc bộ bóng đá (Football Club) gồm chủ yếu là lính lê dương, đội bóng đá của người Việt có Eclair (Tia chớp), La Lance (Ngọn giáo), Stade Hanoien - cầu thủ đa số là nhân viên sở công, sở tư, học trò và công nhân. Khi đó, đã có một số người là công chức của Tây, bỏ tiền ra ủng hộ các đội bóng.
Đến năm 1936, đã có những hãng buôn lớn lập đội bóng riêng, một số nhân viên của hãng được nhận lương chỉ để tập đá bóng, còn đội bóng là phương tiện quảng cáo cho hãng, có thể kể đến như: Auto Hall Club (Câu lạc bộ ô tô phố Tràng Thi), Utaga (của Sở Hỏa xa), Racing Club (của Nhà Gô-đa Tràng Tiền) ở Hà Nội, La Flèche (Mũi tên), La Jeunesse Tonkinoise (Thanh Niên Bắc Kỳ) ở Hải Phòng, Contokin (đội bóng Nhà máy Sợi) ở Nam Định…
Cũng trong năm 1936, một giải đấu được tổ chức với sự tham gia của các đội bóng ở Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Việt Trì…, phần thưởng trao cho đội quán quân là một lá cờ thêu. Đội bóng của người Pháp và người Việt cũng đấu với nhau, các đội bóng của người Việt cũng thường xuyên đá giao hữu. Báo chí lúc đó đăng tên những cầu thủ xuất sắc ở Hà Nội như Văn Đức Vịnh làm nghề thầy thuốc, Nhuận làm nghề lái xe, Tâm A chơi trong đội Éclair; Viễn, Ba Già, Biềng chơi trong La Lance; Thi, Thông chơi trong Hà Nội Club…
Đến những năm 1950 môn bóng đá vẫn rất phát triển. Khoảng thời gian đó cụ Trần Thị Hợi mới hơn 20 tuổi, vừa lấy chồng và sống trong ngôi nhà biệt thự Pháp nằm trên phố Nam Ngư, gần khu vực Sân vận động Septo. Cụ kể: “Các trận đấu bóng đá diễn ra thường xuyên, nhưng chủ yếu là cánh nam giới rủ nhau đi xem chứ phụ nữ như chúng tôi chẳng mấy người dám đến sân vận động như bây giờ. Ông nhà tôi khi đó thường mua báo đọc, cứ có đội nào hay là lại dành tiền mua vé vào xem cùng các bạn. Xem xong các ông bàn luận với nhau rất rôm rả”. Cụ Hợi nói, chỉ có người nhiều tiền, gia đình thượng lưu mới thường xuyên đi xem hát và xem đá bóng. “Một vé vào xem đá bóng bằng mấy bát phở ấy chứ”, cụ nhớ lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.