Hồn Trương Ba da hàng thịt phiên bản đương đại

15/01/2024 07:25 GMT+7

Bản dựng Hồn Trương Ba da hàng thịt của đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama và nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp biểu diễn ở rạp Công Nhân (Hà Nội) từ đêm 12 - 14.1 có sự cách biệt hoàn toàn về khung cảnh so với các bản Hồn Trương Ba da hàng thịt ăm ắp yếm thắm, áo nâu, vườn cau, gốc mít... trước đó.

Sân khấu của bản diễn lần này rất kiệm màu, kiệm đạo cụ. Bù lại, tác phẩm có những khung cảnh đáng nhớ.

Một trong những dàn cảnh đó là đám tang ở nhà anh hàng thịt. Sân khấu chỉ có chiếc bục trắng, trên đó đặt quan tài màu trắng. Vợ anh hàng thịt ngồi trên ghế trắng bên cạnh, cô độc. Chiếc quan tài này rất vuông vắn, không có chi tiết, chỉ có hình khối vững chãi ngay chính giữa sân khấu.

Hồn Trương Ba da hàng thịt phiên bản đương đại- Ảnh 1.

Sự phàm phu của thân xác hàng thịt "thắt cổ" hồn Trương Ba hiền hậu

MAI THƯƠNG

Màu trắng của quan tài hoàn toàn không giống như quan tài thường thấy trong văn hóa Việt, và những màu sắc khác trong vở diễn cũng vậy. Bà vợ Trương Ba (NSƯT Chiều Xuân thủ vai) mặc váy vàng, có thiết kế rất phương Tây. Nam Tào, Bắc Đẩu cũng không đội mũ đi hia kiểu truyền thống. Ở bản diễn này, qua trang phục cho thấy đạo diễn muốn mô tả câu chuyện Hồn Trương Ba da hàng thịt ở một không gian đa văn hóa, toàn cầu hơn. Trang phục thú vị nhất của các nhân vật có lẽ là của con trai ông Trương Ba - một người đi buôn xảo trá, biết lựa thời. Nhân vật này mặc chiếc áo vàng ánh kim rất sáng, ẩn dụ của sức mạnh đồng tiền.

Hồn Trương Ba da hàng thịt phiên bản đương đại- Ảnh 2.

Con trai ông Trương Ba mặc áo mang ẩn dụ về tiền, bà vợ của Trương Ba lại mặc váy thắt eo

MAI THƯƠNG

Dù sử dụng ngôn ngữ sân khấu đương đại, bản Hồn Trương Ba da hàng thịt này vẫn giữ nguyên đường dây kịch bản của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Ông Trương Ba chết vì bị gạch nhầm tên, được nhập hồn vào anh hàng thịt, cùng lúc được hai người phụ nữ yêu thương và bị giằng xé vì các mối quan hệ đổ vỡ. Đỉnh cao của bi kịch khi ông Trương Ba quyết định chết lại để được sống đúng là mình, không mượn thân xác người khác.

Mâu thuẫn đỉnh điểm này được thể hiện bằng màn tương tác giữa hồn Trương Ba và da hàng thịt. Ở đó, mối dây liên kết "hồn là quan trọng nhất, trú nhờ trong thân thể" được mô tả bằng chiếc dây thắt vào cổ hồn Trương Ba. Sợi dây này được thể hiện rất to với tông đỏ đậm. Sau cùng, cả hồn, cả xác làm lành với nhau. Đây là một cảnh diễn đáng nhớ trong vở.

Hồn Trương Ba da hàng thịt phiên bản đương đại- Ảnh 3.

Cái chết của ông Trương Ba là mở đầu cho tự vấn về hồn - xác

MAI THƯƠNG

Nhưng đã không có cảnh "nóng" đẹp đẽ như kỳ vọng giữa ông Trương Ba có hồn Trương Ba da hàng thịt với vợ anh hàng thịt. Ở bản diễn "hay nhất mọi thời đại" của Nhà hát Kịch VN, nữ nghệ sĩ Lan Hương đã khoe tấm lưng ong khi âu yếm ông chồng mang hồn người khác. Cảnh "nóng" trong bản diễn mới này chỉ đơn giản là cái ôm cuống cuồng, sau đó tắt đèn. Điều này, với nhiều khán giả, là một sự đáng tiếc.

Hồn Trương Ba da hàng thịt phiên bản 2024 một lần nữa tôn vinh khả năng vào vai những người phụ nữ mạnh mẽ nhưng dung dị của NSƯT Chiều Xuân, khả năng diễn phi thoại của Hoàng Tùng (thủ vai ông Trương Ba). Vở diễn cũng được xây dựng theo cách xóa nhòa không gian văn hóa khi không dùng các ấn định trang phục, không gian thường thấy. Nó còn xóa định kiến giới khi để tiên cờ Đế Thích là phụ nữ. Bên cạnh ánh sáng, mỹ thuật, âm nhạc cũng là điều đáng nói khi chỉ sử dụng một guitar điện. Bản diễn này cho thấy giá trị cốt lõi tác phẩm có thể giao hòa với nhiều không gian văn hóa khác nhau. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.