Hôn nhân đồng tính: Và tình yêu đã chiến thắng

27/06/2015 14:33 GMT+7

Sự kiện Tòa án Tối cao Mỹ phán quyết hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới khẳng định tình yêu đã chiến thắng! Tình yêu, chứ không phải sự ghét bỏ, thái độ thù hằn hay định kiến xã hội.

Sự kiện Tòa án Tối cao Mỹ phán quyết hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới khẳng định tình yêu đã chiến thắng! Tình yêu, chứ không phải sự ghét bỏ, thái độ thù hằn hay định kiến xã hội. 

Mỹ cho phép hôn nhân đồng tính trên cả nước - ảnh 1Những người ủng hộ quyền đồng giới vui mừng sau khi Tòa án tối cao Mỹ phán quyết tu chỉnh Hiến pháp cho phép các cặp đồng tính có quyền kết hôn - Ảnh: Reuters
Bầu chọn
Bạn có ủng hộ hôn nhân đồng tính?
Khoảng 12 giờ khuya ngày 26.6 (giờ Việt Nam), tôi thấy nhà báo Phạm Thu Nga của
Thanh Niên chia sẻ tin tức về việc Tòa án Tối cao Mỹ phán quyết hôn nhân đồng giới là quyền hợp pháp trên toàn nước Mỹ. Theo bài báo trên BBC, đây là một quyết định lịch sử. Tính lịch sử ở đây chính là điều mà anh Andrew Riplinger, nhân viên Tổng Lãnh Sự Mỹ, đã tha thiết muốn trở thành hiện thực trong buổi diễn thuyết về chủ đề đấu tranh cho quyền của người đồng tính và phiên tòa lịch sử của Tòa án Tối Cao Mỹ mà tôi đã tham dự vào ngày 24.4 tại lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Hôm đó, Andrew Riplinger trong buổi diễn thuyết đầy nhiệt huyết trước khoảng 80 thính giả, phần đông là các bạn trẻ Việt Nam, đã tràn trề hy vọng rằng lịch sử đấu tranh cho quyền lợi của người đồng tính sẽ sang trang nếu Tòa tối cao Mỹ có quyết định hợp với thời cuộc. Riplinger trong buổi tối hôm đó cũng thẳng thắn chia sẻ rằng anh là gay và cũng là một nhà hoạt động bảo vệ cho quyền lợi của cộng đồng LGBT (bao gồm những người đồng tính nam nữ và chuyển đổi giới tính).
Vào năm 2008, tôi chính thức công khai giới tính của mình, trước hết là với em gái duy nhất của tôi. Em tôi khóc rất nhiều. Tôi cũng khóc nhưng sau đó tôi mỉm cười trong nước mắt vì đã trút bỏ được gánh nặng tâm lý
Giờ đây, tin tức gây chấn động về việc kết hôn đồng giới không còn bị gán nhãn "bất hợp pháp" ở 14 bang bảo thủ còn lại ở Mỹ đã lan đi khắp toàn cầu thông qua các phương tiện truyền thông. Đặc biệt, trên các trang mạng xã hội, những hình ảnh cộng đồng LGBT và những người ủng hộ quyền của người LGBT nức nở trong niềm vui sướng đã lay động bao trái tim. Tôi chú ý đến dòng trạng thái ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa của chuyên gia thiết kế mỹ thuật Patti McCracken, một đồng nghiệp người Mỹ trước đây làm chung với tôi ở tờ Thanh Niên Daily. Status của bà Patti chỉ vỏn vẹn 2 chữ: Love wins! (Tình yêu chiến thắng!)
Vâng, cuối cùng tình yêu đã chiến thắng! Tình yêu, chứ không phải sự ghét bỏ, thái độ thù hằn hay định kiến xã hội đã được những con người có tư tưởng tiến bộ chọn lựa để chấp nhận sự khác biệt của những người khác và cũng để vinh danh quyền con người.
Đây cũng được xem là chiến thắng của những nhà hoạt động cho quyền LGBT. Như Andrew Riplinger đã nói, cách đây 20 năm khái niệm LGBT thậm chí còn chưa xuất hiện. Nhờ sự nỗ lực của những nhà hoạt động xã hội tháo vát, phong trào đấu tranh LGBT đã đi theo đường lối của một cuộc đấu tranh vì nhân quyền. Tôn chỉ đấu tranh cũng nêu rõ xu hướng tính dục khác biệt không thể tước bỏ quyền làm người trong một xã hội dân sự văn minh.
Hôm nay, trước tin vui từ Tòa án Tối cao ở Washington D.C, tôi thấy mình có bổn phận phải bày tỏ lòng biết ơn những anh em, bạn bè mà tôi biết, những người ủng hộ cộng đồng LGBT ở Việt Nam nói riêng và những nhà hoạt động người nước ngoài, những nhà báo đồng nghiệp đã chung tay lan truyền thông điệp đến xã hội: Hãy chấp nhận sự khác biệt và hãy yêu thương những người đồng tính, song tính và chuyển đổi giới tính như những người khác. Nhưng với tư cách là một người đồng tính công khai với gia đình và xã hội, tôi dám khẳng định rằng kêu gọi tình thương hay thậm chí lòng trắc ẩn thôi chưa đủ để giải quyết tận gốc rễ vấn đề bị kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng LGBT Việt Nam hôm nay.
Ê! đồng tính kìa… - Ảnh: Như LịchNgười đồng tính ở Việt Nam vẫn còn chịu nhiều kì thị, thành kiến của xã hội - Ảnh: Như Lịch
Vào năm 2008, tôi chính thức công khai giới tính của mình, trước hết là với em gái duy nhất của tôi. Em tôi khóc rất nhiều. Tôi cũng khóc nhưng sau đó tôi mỉm cười trong nước mắt vì đã trút bỏ được gánh nặng tâm lý. Một thứ gánh nặng không cần thiết, đã níu chân tôi, giam hãm tôi trong sự hoang mang và ngờ vực chính bản thân mình.
Tìm được chỗ dựa từ gia đình vẫn chưa đủ cho tôi cảm thấy tự tin sống thoải mái với con người thật của mình vì xã hội ngoài kia còn lắm trở ngại đầy chông gai. Tôi tìm đến sự cảm thông bên trong vòng tròn đồng nghiệp. Và người đầu tiên tôi kể giới tính thật của mình là chị Phạm Thu Nga, một nhà báo tiên phong về đấu tranh cho cộng đồng LGBT ở Việt Nam. Rất may cho tôi, tại Báo Thanh Niên lúc ấy, cũng có những người bạn đồng nghiệp khác đã ủng hộ quyết định của tôi. Tôi không đơn độc.
Nhớ lại ngày ấy, tôi không hiểu tại sao mình lại có quyết định dũng cảm nói ra tất cả với một bậc tiền bối trong nghề. Đơn giản, có lẽ tôi đã được khai sáng về quyền tự do trong lựa chọn xu hướng tính dục từ nhiều phim ảnh, sách báo của Mỹ và châu Âu.

Ngọn cờ LGBT giương cao với ngọn cờ Mỹ trong niềm hân hoan của những trái tim tan chảy vì hạnh phúc. Tôi mường tượng ra ngày tôi cùng với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp có thể nâng ly chúc mừng ngày hôn nhân đồng giới được hợp pháp hóa tại Việt Nam

Tôi như được tiếp theo sức mạnh khi xem bộ phim truyền hình Mỹ "The L Word", với ngôi sao Jennifer Beals là một trong những diễn viên thủ vai chính. Beals là một diễn viên có xuất thân từ Đại học Yale danh giá. Ngoài đời, cô cũng là một diễn giả đầy thuyết phục trong những sự kiện tôn vinh cộng đồng LGBT. Tôi như nuốt từng lời trong các bài diễn văn của Beals trên YouTube. Không thuộc về giới tính thứ 3, nhưng Beals thấu hiểu và kêu gọi cộng đồng LGBT hãy dám sống thật và bước ra ánh sáng để xã hội có thể nghe được những câu chuyện của họ.
Văn hóa quần chúng đương đại và những thông điệp nhăn văn của nó chính là một thứ vũ khí mà giới văn nghệ sĩ có thể dùng để thay đổi nhận thức của xã hội. Nhìn lại lịch sử đấu tranh cho quyền của người LGBT tại Mỹ và nhiều nước tiên tiến khác ở châu Âu, chúng ta thấy được tầm quan trọng của phim ảnh, văn học, âm nhạc, kịch nghệ, mỹ thuật, nghệ thuật múa đã lan tỏa mạnh mẽ thông điệp đấu tranh để tự do giới tính được tôn trong trong một xã hội văn minh và dân chủ.
Khi một nền văn hóa có sức ảnh hưởng mãnh liệt ra toàn cầu như văn hóa Mỹ chuyển tải thông điệp đó thì hiệu ứng càng trở nên mạnh mẽ. Khi nghiên cứu lịch sử đấu tranh cho quyền của cộng đồng LGBT, tôi thán phục tầm nhìn của những nhà hoạt động xã hội Mỹ. Họ hoạt động tổng lực trên khắp các mặt trận truyền thông, chính trị, nghệ thuật và kể cả trên mặt trận tôn giáo. Chính điều này khiến tôi ngẫm lại những thành tựu của phong trào tranh đấu cho quyền LGBT ở Việt Nam vốn được quốc tế đánh giá là có những nỗ lực vượt bậc trong những năm qua. Tôi nhận ra Việt Nam cần sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế để điều chỉnh một chút hướng đi để có thể là một trong những quốc gia tới đích sớm nhất trong việc công nhận hôn nhân đồng giới.
Khi tôi viết ra những dòng này cũng là lúc news feed trên facebook của Patti McCracken hiện lên đoạn video những người LGBT Mỹ hát quốc ca trước Tòa án Tối cao ở Washington D.C để ăn mừng chiến thắng. Ngọn cờ LGBT giương cao với ngọn cờ Mỹ trong niềm hân hoan của những trái tim tan chảy vì hạnh phúc. Tôi mường tượng ra ngày tôi cùng với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp có thể nâng ly chúc mừng ngày hôn nhân đồng giới được hợp pháp hóa tại Việt Nam.
Hy vọng ngày ấy sẽ không quá xa xôi! Đó sẽ là ngày tôi được cưới người mình yêu...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.