Hơn 85.000 học sinh Hà Nội thi vào lớp 10, phụ huynh 'nín thở' dõi theo

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
02/06/2019 07:18 GMT+7

Sáng nay, 2.6, hơn 85.000 thí sinh Hà Nội chính thức bước vào kỳ thi tuyển vào lớp 10 THPT công lập, kỳ thi mà các bậc phụ huynh đều “nín thở” hồi hộp dõi theo bởi mức độ cạnh tranh "khốc liệt".

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập sẽ diễn ra trong 2 ngày 2 - 3.6 với 4 môn thi bắt buộc. Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, chia sẻ  với 169 trưởng điểm thi: “Với tính chất cạnh trạnh của kỳ thi này, với số lượng học sinh dự thi quá lớn, người dân thủ đô, đặc biệt là phụ huynh học sinh có con dự thi đang “nín thở” theo dõi chúng ta”. Do vậy, lãnh đạo Sở GD-ĐT nhấn mạnh yêu cầu không chỉ ở khâu tổ chức ra đề, coi thi thế nào mà việc chấm thi, xét tuyển, nhập học… ra sao cũng phải làm hết sức nghiêm túc, tuyệt đối tuân thủ quy chế, quy định.

Hồi hộp với những thay đổi về môn thi, cách thi

Sự căng thẳng của kỳ thi vốn đã đủ làm các ông bố bà mẹ “đứng ngồi không yên” thì năm nay càng hồi hộp hơn khi đây cũng là năm đầu tiên sau gần 20 năm, Hà Nội quay lại áp dụng duy nhất hình thức thi tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập (thay thế cho phương thức thi kết hợp với xét tuyển học lực 4 năm THCS đã quá quen thuộc).
Thay vì chỉ thi 2 môn ngữ văn và toán, kỳ thi năm nay có 4 môn thi, gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và lịch sử. Trong đó, lần đầu tiên có môn thi theo hình thức trắc nghiệm là lịch sử và một phần của môn ngoại ngữ.
Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết bài thi môn lịch sử có thời gian làm bài 60 phút và sẽ có nhiều mã đề thi trong một phòng thi đảm bảo nguyên tắc 2 thí sinh liền kề không trùng mã đề. Thí sinh làm bài thi môn lịch sử và một phần của môn ngoại ngữ trên phiếu trả lời trắc nghiệm và được chấm bằng phần mềm máy tính.
Ông Toản cũng đặc biệt lưu ý các cán bộ làm nhiệm vụ coi thi cần nhắc lại hướng dẫn thí sinh trước khi làm bài thi về quy định tô số báo danh, tô đáp án một cách rõ ràng trong bài thi trắc nghiệm, tránh tô quá mờ dẫn đến máy chấm không đọc được và gây nên những thiệt thòi về kết quả bài thi. “Điều này đặc biệt cần thiết và quan trọng với thí sinh mới vừa tốt nghiệp THCS, mọi thứ còn bỡ ngỡ hơn so với các anh chị dự thi THPT”, ông Toản nói.
Ông Lê Ngọc Quang nhắc lại một số sai sót trong khâu coi thi của kỳ thi năm 2018, đặc biệt là sự cố lọt đề và yêu cầu các đơn vị có giáo viên làm công tác coi thi quán triệt nghiêm túc về quy chế thi, tuân thủ các quy định của kỳ thi. “Trước mỗi buổi thi, các đơn vị cần nhắc nhở cả thí sinh và cán bộ coi thi lưu ý các vật dụng không được phép mang vào phòng thi. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với các trưởng điểm thi, tránh hiện tượng chính cán bộ coi thi mang thiết bị vào phòng thi để chụp đề thi và chuyển ra ngoài khu vực thi như ở kỳ thi năm trước”.

Trước "giờ G" vẫn băn khoăn về thi hay không thi môn lịch sử

Đêm qua, 1.6, ngay trước buổi thi, trên một số diễn đàn phụ huynh vẫn băn khoăn về các quy định lần đầu tiên áp dụng trong kỳ thi năm nay, trong đó nổi lên câu hỏi về việc học sinh thi chỉ đăng ký dự thi THPT chuyên thì có phải thi môn lịch sử hay không vì môn này không được tính điểm khi xác định điểm chuẩn vào trường chuyên?
Mặc dù văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội đã nêu: học sinh đăng ký dự thi vào THPT chuyên do sở GD-ĐT quản lý, phải tham gia dự thi các môn không chuyên (còn gọi là các môn điều kiện chuyên) là ngữ văn, toán, ngoại ngữ và môn chuyên, trong đó, 3 môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ cùng với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên. Riêng môn lịch sử không tính điểm.
Như vậy, theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội thì với những thí sinh chỉ thi chuyên, không thi vào các trường THPT công lập không chuyên sẽ không phải thi môn lịch sử.
Tuy nhiên, một số phụ huynh cho biết, sở dĩ họ băn khoăn vì mặc dù hướng dẫn của Sở như vậy, con chỉ đăng ký duy nhất nguyện vọng vào THPT chuyên, không có nguyện vọng vào THPT công lập bình thường nhưng phiếu báo dự thi cuả con vẫn có môn lịch sử.
Một phụ huynh viết: “Tôi lo quá vì con chỉ xác định thi chuyên nên không ôn tập gì môn lịch sử cả”. Người khác thì nói: "Phiếu báo dự thi có môn lịch sử mà không thi thì có tính là phạm quy và huỷ kết quả không?”…

Theo thống kê của  Sở GD-ĐT Hà Nội, tổng số thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 năm nay là hơn 85.870, mặc dù số lượng giảm so với năm 2018 gần 10.000 thí sinh, song so với năm 2017 vẫn nhiều hơn 10.000 em và đây là kỳ thi có quy mô lớn nhất trong năm 2019 của Hà Nội.  

Để tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020, Hà Nội đã thành lập 169 điểm thi với hơn 3.600 phòng thi; phân công 169 cán bộ làm trưởng điểm thi với yêu cầu chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tổ chức kỳ thi tại đơn vị mình. Thành phố huy động gần 11.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ kỳ thi tuyển sinh lớp 10, trong đó có hơn 7.600 giáo viên được điều động đi coi thi, trong đó 50% là giáo viên các trường trung học cơ sở, còn lại là giáo viên các trường trung học phổ thông.

  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.