Hồn cốt đô thị trong không gian công cộng

14/08/2022 07:30 GMT+7

Vấn đề tổ chức không gian công cộng tại các đô thị đang ngày càng được quan tâm, bởi như một chuyên gia nhận định, những không gian công cộng là nơi thể hiện bản sắc văn hóa cũng như điểm nhấn của một thành phố.

Khoảng cách trong nhận thức

Theo đánh giá của các chuyên gia kiến trúc quy hoạch, tại Hà Nội, Q.Hoàn Kiếm hiện là nơi có nhiều không gian công cộng với các hoạt động cộng đồng tốt. Một trong số đó là không gian tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Thế Sơn cho biết Hàng Buồm là một trong những con phố tiêu biểu nhất cho một đô thị nằm bên sông. Phố xưa chuyên bán những mảnh buồm và cả những vật tư liên quan đến thuyền bè. Nay cánh buồm nâu chỉ còn là những ký ức. Chính vì thế, việc tổ chức không gian 22 Hàng Buồm với những trưng bày kể câu chuyện thời gian của cộng đồng dân cư phố này là ghép lại những mảnh lịch sử đầy ngụ ý, dung dị mà sâu lắng.

Đưa bất cứ cái gì ra không gian công cộng cũng phải tính đến vòng đời của nó, nó ảnh hưởng thế nào, thúc đẩy cái gì với sự tiến bộ.

Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn

Thêm vào đó, Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm cũng trở thành nơi tổ chức các hoạt động nghệ thuật cho các nghệ sĩ trẻ. Chẳng hạn, nghệ sĩ Hà Nguyên Long, một người đắm đuối với sân khấu truyền thống, đã tổ chức diễn những trích đoạn tuồng xưa, hoặc vở dựa trên cảm hứng về sân khấu xưa nhưng dựng theo cách mới ở đây. Đêm diễn đầy kín khán giả đã khiến những nghệ sĩ tuồng tài hoa cũng xúc động.

Vỉa hè được cho là không gian công cộng đặc sắc của TP.HCM

Nhật Thịnh

TS-KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm, cũng cho biết tới đây các dự án sẽ tiếp tục được thực hiện để kết nối các không gian công cộng lại với nhau. Chẳng hạn, sẽ có kết nối giữa 22 Hàng Buồm và không gian nghệ thuật ở bãi Phúc Tân, với không gian công cộng xanh đầy cây thuốc và cây cổ thụ - vườn rừng ở Bờ vở sông Hồng.

Tuy nhiên, ngoài một số ít không gian công cộng được đánh giá là thành công, vấn đề không gian công cộng ở VN hiện vẫn còn nhiều vấn đề ngổn ngang. Trong đó, Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn, thành viên ban tổ chức cuộc thi thiết kế không gian công cộng Hà Nội, đánh giá vấn đề lớn nhất là quy định về không gian công cộng còn có khoảng cách rất lớn với nhận thức của người dân. “Mọi người không ý thức được thế nào là không gian công cộng và quyền của mình ở các không gian công cộng là cái gì. Thì chính điều đó làm không gian công cộng của mình bị thay đổi, chiếm dụng, sử dụng sai mục đích rất nhiều”, ông Tuấn nói.

Người dân vui chơi tại phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội)

ngọc thắng

Cũng theo ông Tuấn, chính vì nhận thức như vậy nên nhiều khu tập thể xưa đã mất đi sân chơi công cộng. “Các khu tập thể xưa cũng đều có sân chơi công cộng, nhưng sau đó mất dần vì ý thức người dân. Từ một cái sân chung, nhà này kinh doanh gửi xe, nhà kia bán quán, chia năm xẻ bảy như thế, ai cũng ngấm ngầm thì những không gian công cộng dần dần sẽ không còn”, ông Tuấn nói.

Cũng theo chuyên gia này, khi thay đổi không gian công cộng ở Hà Nội nên chú ý các xu hướng tiến bộ, chẳng hạn, ưu tiên các thiết kế giảm phát thải. “Đưa bất cứ cái gì ra không gian công cộng cũng phải tính đến vòng đời của nó, nó ảnh hưởng thế nào, thúc đẩy cái gì với sự tiến bộ. Thậm chí, nhiều ý tưởng có hiệu ứng thị giác nhưng lại có tác hại, chẳng hạn hoạt động chiếu sáng mapping rất hay nhưng tiêu tốn năng lượng khủng khiếp, thải ra khí thải carbon khủng khiếp”, ông nói.

Không gian công cộng là điểm nhấn thể hiện bản sắc văn hóa của đô thị

nhật thịnh

Ông Tuấn còn nhận định chúng ta đang thiếu những không gian công cộng cho người yếu thế, không gian chuyển tải các thông điệp xã hội. Chẳng hạn, có những nước có không gian công cộng, ở đó bậc cầu thang sơn nhiều màu cầu vồng và chuyển đi thông điệp ủng hộ những người đồng tính. Bản thân quyền tiếp cận không gian công cộng của mình cũng còn hạn chế. Ở nước ngoài, khi muốn tác động vào quảng trường như thế thì họ biết là phải xin phép ai, thủ tục thế nào. Ở chúng ta, không gian công cộng vẫn bị coi là không gian chủ yếu cho các hoạt động vận động ngoài trời. Trong khi đó, không gian công cộng có thể là không gian trong nhà trong một tòa nhà chung cư, công ty chẳng hạn.

Hồn đô thị ở… vỉa hè

Trong cuốn sách Đời sống vỉa hè Sài Gòn (do Nhã Nam hợp tác cùng Công ty tư vấn quốc tế enCity phát hành tháng 7 vừa qua), tác giả - GS Annette M. Kim và nhóm nghiên cứu không gian đô thị (SLAB) của bà, nhờ sống ở Sài Gòn - TP.HCM nhiều năm, đã cho thấy để kiến tạo và phát triển một đô thị hài hòa và bền vững, bắt buộc phải nắm được cái hồn cốt của nó. Theo bà (giáo sư ngành chính sách công, cũng là Giám đốc sáng lập SLAB - phòng phân tích không gian đô thị của University of Southern California), với Sài Gòn - TP.HCM, giá trị tinh túy của đời sống nơi đây được thể hiện ở một không gian công cộng, không gian văn hóa - xã hội độc đáo và không hề xa lạ: trên vỉa hè.

GS Kim cho rằng TP dù đang phải đối mặt với thách thức của đô thị hóa nhưng người dân nơi đây vẫn luôn hào hiệp và sẵn sàng chia sẻ khoảng không gian này với nhau. Bà nhận ra rằng, khoảng không gian nhỏ nơi đây khác biệt và đáng nhớ bởi nó truyền tải những câu chuyện vừa gai góc vừa nhân ái về thân phận con người. Và bà cũng chỉ ra ở TP.HCM, thiết kế đô thị quy chuẩn chưa phù hợp với thực tiễn đô thị. Bà Kim cho rằng nếu TP muốn tăng cường phát triển du lịch thì vỉa hè là một trong những khía cạnh nên được chú ý nhất. Chuyên gia này đã khảo sát khách du lịch để trả lời cho câu hỏi tại sao họ lại chọn đến VN, kết quả cho thấy phần đông du khách cảm nhận TP.HCM sôi động, thú vị và khác biệt với những TP khác không chỉ bởi những địa điểm tham quan mang tính lịch sử mà còn bởi chính những món ăn đường phố, sự tương tác thân tình và nhộn nhịp trên vỉa hè. Cuộc sống trong không gian này cần được giữ lại để phát huy hết sức hấp dẫn của nó chứ không phải phá bỏ hoàn toàn, chỉ cần ta quản lý tốt hơn.

Vỉa hè cũng là vấn đề được TS Nguyễn Thị Hậu đề cập tại tọa đàm “Không gian văn hóa công cộng tại TP.HCM: thực trạng, nhu cầu và giải pháp” (do Hội đồng Lý luận, phê bình, nghệ thuật TP.HCM - Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp Hội Kiến trúc sư TP.HCM tổ chức hồi tháng 12.2020). TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng xóa lấn chiếm vỉa hè không phải là thực hiện trật tự đô thị một cách lạnh lùng, mà là quy hoạch lại cho hợp lý, bởi không gian công cộng này cũng là một nét đặc sắc thu hút du khách. Theo bà, những không gian công cộng là nơi thể hiện bản sắc văn hóa cũng như trình độ văn minh của một TP, khi chính quyền có những giải pháp để sử dụng những không gian này hướng đến lợi ích của cộng đồng một cách khoa học, nhân văn. Cũng tại tọa đàm, theo các chuyên gia, không chỉ vỉa hè, mà các không gian công cộng ở TP.HCM cần phải được quy hoạch, cải tạo, thiết kế sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế của cộng đồng và điều kiện xã hội.

Dành nguồn lực cho không gian công cộng

Tại TP.Đà Nẵng, theo báo cáo của UBND TP, hiện nay TP đang nỗ lực chú trọng công tác lập các dự án phục vụ công cộng tại khu vực trung tâm TP, như: quảng trường trung tâm; cảnh quan hai bên sông Hàn; quy hoạch các tuyến phố đi bộ… Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị đang tổng hợp báo cáo UBND TP kết quả cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch quảng trường - bảo tàng dọc Trung tâm hành chính TP - Bạch Đằng - Trần Phú và một số trụ sở liên quan. Về quy hoạch các tuyến phố đi bộ, UBND TP đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo. Cũng theo UBND TP.Đà Nẵng, liên quan đến cảnh quan hai bên sông Hàn, hiện ngành chức năng đã lấy ý kiến về phương án; dự kiến họp Hội đồng tư vấn kiến trúc TP để hoàn chỉnh phương án, báo cáo UBND TP.

Liên quan đến không gian công cộng cho người dân, mới đây tại kỳ họp HĐND TP.Đà Nẵng vào giữa tháng 7 vừa qua, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, cho hay hiện TP đang có chủ trương cải tạo cây xanh trên một số tuyến đường du lịch chính theo chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng. Theo đó, TP thống nhất cải tạo cảnh quan hai bờ sông Hàn để phục vụ du lịch và cải tạo khu vực trung tâm. Về dự án cải tạo cảnh quan cây xanh trên hai tuyến đường Bạch Đằng và Trần Phú, hiện TP đã giao Ban Quản lý dự án công trình NN-PTNT làm chủ đầu tư. Dự án này đã được lập với kinh phí 45 tỉ đồng. Dự án tuyến phố đi bộ Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo giai đoạn 2 khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi với quy mô 4 ha, kinh phí 80 tỉ đồng do Ban Quản lý công trình giao thông triển khai. Công trình thứ 3 là cảnh quan hai bờ sông Hàn với kinh phí 562 tỉ đồng do Ban Công trình dân dụng công nghiệp.

“Đối với những dự án này đã có chủ trương của TP. Tuy nhiên, vấn đề chính là cân đối nguồn vốn. Khi kinh tế, du lịch phục hồi, đòi hỏi phải cải tạo cảnh quan nên mong HĐND TP quan tâm để sớm bố trí nguồn vốn để triển khai các dự án này”, ông Phong nói và thông tin thêm TP có chủ trương xây dựng đề án lớn về cây xanh. Trong đề án này cũng tính đến cây xanh cảnh quan của TP, trong đó có những trục cảnh quan sẽ có những cây xanh đặc biệt, những cây xanh sẽ cho màu hoa theo mùa trong năm để làm đẹp TP, góp phần thu hút du khách. Sở Xây dựng TP đang phối hợp với các cơ quan để xây dựng đề án này.

Nha Trang xây dựng ven biển phục vụ cộng đồng

Cuối tháng 7 vừa qua, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có chỉ đạo đồng ý việc đề xuất lập đồ án thiết kế đô thị đối với khu vực phía đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng theo định hướng phục vụ mục đích công cộng kết hợp với dịch vụ, nhưng ưu tiên phục vụ công cộng là chính. Trong thời gian qua, do quy hoạch chưa bài bản, cùng với việc ồ ạt cấp phép nhiều dự án nên dọc công viên biển Nha Trang mọc lên nhiều công trình che chắn nhiều khoảng không gian khiến bãi biển bí bách.

Để trả lại không gian biển cho người dân, tháng 6.2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có yêu cầu dừng hoạt động lưu trú tại Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Nha Trang (dọc bãi biển Nha Trang, rộng gần 2 ha); đồng thời tháo bỏ hàng rào, tạo thông thoáng và mỹ quan khu vực. Sau đó, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có động thái để thu hồi phần diện tích 21.722 m2 tại dự án công viên Phù Đổng do Công ty TNHH Invest Park Nha Trang làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm này chủ dự án Ana Mandara Nha Trang lại xin giữ lại một phần kiến trúc dự án để tiếp tục kinh doanh. Riêng dự án công viên Phù Đổng do Công ty TNHH Invest Park Nha Trang làm chủ đầu tư, hiện họ cầu cứu tỉnh Khánh Hòa về việc xử lý khối tài sản trên đất công viên sau khi dự án bị thu hồi giao cho chính quyền quản lý. Do đó, việc trả lại công viên công cộng cho người dân vẫn chưa có hồi kết.

Mới đây, trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết quan điểm của tỉnh không phải là xóa trắng các dự án dọc công viên bờ biển mà sẽ cho xây dựng lại thân thiện với môi trường, mật độ xây dựng tại khu vực này không quá 5% để làm nơi dừng chân cho người dân, du khách. Chia sẻ vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Lộc, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, đối với công viên dọc bờ biển Nha Trang cũng nên có một vài công trình dịch vụ làm điểm nhấn để phục vụ nhu cầu của người dân, du khách đến nghỉ ngơi, ăn uống nhẹ và ngắm biển. Tuy nhiên, các công trình được cho phép hoạt động tại đây phải là không gian mở, phù hợp với không gian bờ biển.

Hiền Lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.