Hơn 8.000 công trình chưa nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn hoạt động

Lê Quân
Lê Quân
05/06/2023 15:54 GMT+7

Cả nước còn hơn 8.000 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn hoạt động, riêng Hà Nội có 1.545 công trình.

1.545 công trình tại thủ đô chưa nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy

Liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, mới đây, Bộ Xây dựng nhận được văn bản của Bộ Công an về giải pháp khắc phục các vi phạm đối với công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Số liệu do Bộ Công an rà soát cho thấy, đến nay toàn quốc vẫn còn 8.114 công trình tại 51 địa phương chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy nhưng đã đưa vào sử dụng, chưa khắc phục đầy đủ các yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo QCVN 06:2022/BXD của Bộ Xây dựng.

Hà Nội có 1.545 công trình chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn hoạt động - Ảnh 1.

Hà Nội có nhiều công trình tập trung đông người, chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn hoạt động

TRẦN NGỌC

Trong đó, riêng địa bàn TP.Hà Nội đã có 1.545 công trình, cơ sở, nhà xưởng hiện hữu chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn đưa vào sử dụng. Về loại hình công trình vi phạm rất đa dạng, tập trung đông người: siêu thị, trường học, khách sạn, trụ sở công ty, nhà xưởng, chung cư, tòa nhà văn phòng…

Đơn cử, tại Q.Đống Đa (Hà Nội) có: siêu thị Vinmart Trúc Khê của Công ty CP Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce; Bệnh viện Lão khoa T.Ư; tòa nhà Capital Garden của Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô; siêu thị Media Mart Việt Nam…

Tại Q.Ba Đình (Hà Nội) có các công trình: Kho bạc Nhà nước Ba Đình; chung cư 15 - 17 Ngọc Khánh; tòa nhà văn phòng Hà Nội Group của Công ty CP Phát triển nhà Hà Nội; khách sạn A25 của Công ty TNHH quốc tế Hương Anh; khách sạn Hồng Ngọc của Công ty TNHH Hồng Ngọc; Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc của Công ty TNHH BV Hồng Ngọc; Bệnh viện Medlatec của Công ty Công nghệ và xét nghiệm y học…

Tại Q.Cầu Giấy (Hà Nội) có các công trình: tòa nhà Discovery của Công ty CP Đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy; Công ty TNHH tập đoàn thang máy thiết bị Thăng Long; Trường liên cấp Dewey School của Công ty CP Diên Hồng; siêu thị nội thất Rico của Công ty CP thương mại Bình Phát; Viện KSND Q.Cầu Giấy; nhà điều trị khối ngoại (Bệnh viện 19-8)…

Tại Q.Hoàng Mai (Hà Nội) có các công trình: tòa nhà chung cư Rice City của Công ty CP BiC Việt Nam; siêu thị điện máy Trần Anh Giải Phóng của Công ty CP Thế giới di động; Công ty CP Ford Thủ Đô; bến xe Nước Ngầm; Trường ĐH Thăng Long; chợ Mai Động…

Tại H.Đan Phượng (Hà Nội) có các công trình: Trường mầm non Liên Trung, Trường THCS Liên Trung, Trường tiểu học Hồng Hà, Trường tiểu học Phương Đình, Trường THCS Phương Đình của UBND H.Đan Phượng; Trường tiểu học Liên Hồng, Trường THCS Liên Hồng, Trường tiểu học Thọ Xuân, Trường THCS Thọ Xuân, Trường THPT Hồng Thái của Sở GD-ĐT Hà Nội; Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tiến Thành; nhà xưởng sản xuất của Công ty CP XDTM sản xuất và dạy nghề Tân Tiến; nhà máy gạch Tuynel của Công ty CP Đầu tư và xây dựng Alpha; hộ kinh doanh Đào Văn Tiến…

Theo Bộ Công an, khó khăn, vướng mắc của các công trình tại Hà Nội và nhiều địa phương khác thuộc 8.114 trường hợp vi phạm chưa được khắc phục chủ yếu liên quan đến các vi phạm về kiến trúc, kết cấu xây dựng của công trình đã thi công.

Cụ thể, đường giao thông phục vụ chữa cháy, khả năng tiếp cận của xe thang, xe chữa cháy đến công trình, khoảng cách phòng cháy, chữa cháy của công trình đến đường ranh giới khu đất, đến các công trình lân cận không được đảm bảo; chưa đảm bảo số lượng, chủng loại buồng thang bộ thoát nạn, cầu thang trong nhà để hở…

Bộ Công an đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, nghiên cứu, thống nhất giải pháp, hướng dẫn áp dụng luận chứng theo các nhóm khó khăn, vướng mắc kể trên để xem xét theo từng công trình cụ thể để các cơ quan, tổ chức có cơ sở thực hiện thiết kế bổ sung, sau đó gửi hồ sơ đến cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thẩm duyệt thiết kế, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định.

Bộ Công an giao Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an là đầu mối phối hợp với các đơn vị của Bộ Xây dựng để nghiên cứu, thống nhất.

Tạo hành lang pháp lý đồng bộ quản lý phòng cháy, chữa cháy

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng nhận được yêu cầu của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phối hợp với Bộ Công an xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy.

Hà Nội có 1.545 công trình chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn hoạt động - Ảnh 2.

Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ cháy nhà xưởng Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) vào tháng 8.2019

TRẦN CƯỜNG

Phó thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu rà soát, sửa đổi QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình cho phù hợp với mục đích, loại hình, công năng của công trình, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, công nghệ để đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, an toàn tính mạng, tài sản, không gây lãng phí nguồn lực xã hội, có tính khả thi.

Phó thủ tướng cũng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất sửa đổi luật Phòng cháy, chữa cháy, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và các quy định pháp luật liên quan để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, tăng cường phân cấp trong thực hiện công tác quản lý nhà nước, thẩm duyệt, cấp phép phòng cháy, chữa cháy.

Sau đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã ký quyết định hỏa tốc giao nhiệm vụ đột xuất cho Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp với Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát toàn bộ các vướng mắc về an toàn cháy trong hoạt động xây dựng. Đồng thời, rà soát nội dung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình để xác định rõ các vướng mắc, nguyên nhân.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng giao nhiệm vụ biên soạn sửa đổi QCVN 06:2022/BXD đảm bảo các cơ sở khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.