Hơn 8 tháng trình báo, ngư dân được trả lại vỏ ốc bẫy mực bị mất trộm

Gia Bách
Gia Bách
04/07/2021 18:39 GMT+7

Từng bác đơn khiếu nại, không khởi tố vụ án nhưng mới đây khi Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) có kết luận thì công an nhanh chóng trả số vỏ ốc bẫy mực cho người trình báo mất trộm.

Liên quan thông tin ngư dân kêu cứu vì nạn trộm vỏ ốc bẫy mực (loại vỏ ốc được kết lại dùng để bẫy mực), ngày 4.7 chị Lư Thị Kiên (47 tuổi, ngụ khóm 3, xã Khánh Hội, H.U Minh, Cà Mau), người từng tìm bằng chứng báo công an việc mình bị mất trộm xác nhận, Công an H.U Minh đã trả lại vỏ ốc cho chị sau hơn 8 tháng chị trình báo và nhiều lần khiếu nại.
"Công an H.U Minh đã trả lại cho tôi 5.237 vỏ ốc. Còn lại hơn 1.200 vỏ ốc, công an nói tôi không chứng minh được số vỏ ốc đó là của tôi nên họ chưa trả lại. Mặc dù trước đó, khi trình báo tôi có nói rõ việc có mất vỏ ốc không có sơn màu làm dấu", chị Lư Thị Kiên nói.
Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, sau khi Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) có kết luận giám định là mẫu nước sơn trên vỏ ốc giám định, trùng với mẫu nước sơn trên mẫu ốc của chị Kiên, thì Công an H.U Minh tiến hành trả vỏ ốc cho chị Kiên.
Như Thanh Niên thông tin, từ tháng 4 - 10.2020, có 3 chiếc ghe chứa vỏ ốc của chị Lư Thị Kiên (47 tuổi, ngụ khóm 3, xã Khánh Hội) bị mất trộm 25.000 vỏ ốc trị giá hơn 1 tỉ đồng. Dù chị Kiên sơn vỏ ốc để làm dấu nhưng vẫn bị mất trộm. Trong khi đó, việc mất trộm không được cơ quan chức năng giải quyết nên chị Kiên tự thu thập chứng cứ để cung cấp cho công an xử lý.
Theo chị Kiên, tháng 10.2020, chị bị mất vỏ ốc hai lần với khoảng 7.800 vỏ ốc. “Do lượng vỏ ốc mất quá lớn, nên tôi đóng giả người mua vỏ ốc bẫy mực, tìm đến các đầu mối chuyên mua bán ốc, thì người tên T. gửi ảnh vỏ ốc cho tôi để chào hàng. Ông T. giới thiệu vỏ ốc ông mua của người khác bán lại với giá 22.000 đồng/vỏ ốc (giá thị trường từ 34.000 - 41.000 đồng/ vỏ ốc). Khi nhận được hình ảnh vỏ ốc, tôi nhận ra ngay vì vỏ ốc trên 3 ghe của tôi được đánh dấu 4 màu sơn, thì lô hàng ông T. cung cấp có đủ 4 màu sơn mà tôi đánh dấu nên tôi đặt mua trước 2.000 vỏ ốc để làm chứng cứ”, chị Kiên nói.
Ngày 22.10.2020, ông T. giao cho chị Kiên 2.000 vỏ ốc. Ngày 24.10.2020, chị Kiên mua thêm 5.000 vỏ ốc của ông T., rồi chị báo Công an H.U Minh ập đến bắt quả tang và lập biên bản tạm giữ 5.000 vỏ ốc để phục vụ điều tra.
Đến ngày 24.2.2021, Cơ quan CSĐT Công an H.U Minh ra quyết định không khởi tố vụ án “trộm cắp tài sản”. Không đồng ý, chị Kiên khiếu nại. Công an H.U Minh bác khiếu nại với lý do Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự H.U Minh (hội đồng) từ chối định giá tài sản trên. Do tài sản yêu cầu định giá là “tài sản không giao dịch phổ biến trên thị trường hoạt động mua, bán tài sản được tiến hành hợp pháp và công khai trên thị trường” nên hội đồng không có cơ sở để xác định, định giá tài sản.
Không đồng tình với giải quyết khiếu nại trên, chị Kiên tiếp tục khiếu nại đến Công an tỉnh Cà Mau. Đến ngày 12.4.2021, Cơ quan CSĐT Công an H.U Minh ra quyết định khởi tố vụ án “trộm cắp tài sản” với định giá tài sản là 108 triệu đồng.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều nay 4.7, thượng tá Nguyễn Chí Dũng, Trưởng Công an H.U Minh cho biết hiện vụ việc mất trộm ốc bẫy mực của chị Kiên đang trong quá trình điều tra, chưa có kết luận.
Ốc bẫy mực là người dân dùng vỏ con ốc giác kết lại thành chuỗi để đánh bắt mực tua.
Theo ngư dân địa phương, mực tua có tập tính thích chui rúc để tìm nơi trú ẩn và người dân dùng vỏ ốc nói trên để làm bẫy, nên gọi là ốc bẫy mực.

Lời kêu cứu thảm thiết của ngư dân U Minh bị trộm ốc bẫy mực hàng tỉ đồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.