Hơn 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị rối loạn sàn chậu

17/08/2017 08:54 GMT+7

Hơn 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị rối loạn chức năng sàn chậu với biểu hiện són tiểu. Khoảng 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị rối loạn chức năng sàn chậu với triệu chứng sa tử cung, sa bàng quang và trực tràng.

Đó là thống kê mới nhất vừa được Hội Sàn chậu học TP.HCM công bố.
Theo báo cáo của Hội Sàn chậu học TP.HCM, cơ sàn chậu suy yếu dần theo tuổi, số lần mang thai và sinh đẻ. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nội tiết ở phụ nữ tuổi mãn kinh cũng là một nguyên nhân gây rối loạn chức năng sàn chậu.
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ cao dẫn đến rối loạn chức năng sàn chậu ở nữ là người béo phì, ho mạn tính, táo bón, nâng vật nặng lặp đi lặp lại.
Bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), cho biết: Khi bị rối loạn sàn chậu, các vấn đề phụ nữ thường gặp là rối loạn tiểu tiện, âm đạo giãn rộng, hội chứng niệu sinh dục, teo và khô âm đạo trong thời kỳ mãn kinh, đau khi giao hợp, đau vùng thắt lưng chậu...
Các vấn đề này gây nhiều phiền toái, biến chứng, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống phụ nữ.
Trong 5 năm qua các liệu pháp chẩn đoán, điều trị bệnh có nhiều bước tiến mới. Đặc biệt kỹ thuật laser, không xâm lấn trong lĩnh vực sàn chậu giúp phụ nữ có nhiều lựa chọn khi điều trị.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ có biểu hiện rối loạn chức năng sàn chậu và sa các tạng vùng chậu cần được tư vấn và điều trị. Phòng bệnh bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn nhiều thức ăn có nhiều chất xơ, rau quả, uống 1,5 lít nước mỗi ngày, kiểm soát cân nặng hợp lý.
Sàn chậu nữ là vùng bao gồm các cấu trúc nằm bên trong khung xương chậu: từ khớp mu đến xương cụt, từ thành chậu bên này sang thành chậu bên kia và được hình thành từ nhiều khối cân, cơ đan xen nhau.
Sàn chậu chứa 3 cơ quan: hệ thống tiết niệu dưới (bàng quang, niệu đạo), hệ thống sinh dục (tử cung, âm đạo), hệ thống tiêu hóa dưới (trực tràng, hậu môn). Sàn chậu có chức năng giữ cho các cơ quan này nằm đúng chỗ, không bị sa xuống khi làm việc nặng, vận động chạy nhảy; đóng mở các lỗ đường tiểu, âm đạo, hậu môn, giúp kiểm soát hoạt động đại tiện và tiểu tiện theo ý muốn, hoạt động tình dục; giúp quá trình sinh đẻ dễ dàng hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.