Hơn 30 năm cheo leo trên đỉnh cổ thụ 40-50 mét giữa Sài Gòn

19/06/2020 11:31 GMT+7

Trực chiến liên tục trong mùa mưa bão, cheo leo dưới những tán cây xanh cổ thụ cao 40 - 50m, tìm cành bị mục, ruỗng, sam, bọng,… bằng mắt thường và kinh nghiệm là công việc hằng ngày của những người làm nghề chăm sóc cây xanh.

8 giờ sáng trong mùa hè, tổ công tác của Xí nghiệp 1, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM có mặt tại đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn gần giao lộ với đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM).

Khổ cực với nghề cheo leo trên ngọn cổ thụ

Vừa có mặt tại vị trí cây me “Tây” cần mé nhánh, tỉa cành, hai nhân viên trẻ nhất liền lấy hình chóp cam cảnh báo, dây thừng giăng ra một phần đường rồi điều hòa giao thông. Hai người khác khẩn trương leo lên thang để chuẩn bị lên ngọn cây, một người ngồi chỉnh máy, những người còn lại có nhiệm vụ kéo dây, quan sát để đảm bảo an toàn khu vực mặt đất.

Leo ngọn cổ thụ

Vừa đứng hướng dẫn nhóm làm việc, ông Lê Văn Tùng (54 tuổi, 33 năm gắn bó với nghề) nói, nghề này làm quanh năm, không có lúc nào rảnh rỗi. Thậm chí, thứ bảy, chủ nhật cúp điện cũng phải tranh thủ đi cắt mé những cây mà ngày thường có điện không làm được.
Ông Tùng giải thích, gọi là cây me “Tây” vì cây có trái giống trái me của mình, nhưng giống cây được người Pháp mang qua từ lâu nên cây rất to và cho bóng mát cả một khoảng vỉa hè.

Những cành cây có đường kính lớn, ông Tùng phải tự mình làm để đường cắt được "ngọt" và đẹp

Ảnh: Khả Hòa

Ông Tùng nói, với nhiều người, ngày đầu leo lên cây cổ thụ cắt tỉa cành có thể là một trong những “cột mốc” đáng nhớ của cuộc đời vì độ cao quá khủng, tầm 50 mét. Nhưng với mình, ông cười xòa: “Hình như trong người tôi có khiếu leo cây từ nhỏ nên tôi không sợ gì hết. Năm 21 tuổi bắt đầu đi làm là leo phát một luôn. Lên cao nhìn TP ở một góc độ khác, đó cũng là một điều thú vị”.
Câu chuyện còn đang dang dở, ông Tùng nói chúng tôi đợi chút, bây giờ mới đến phần việc quan trọng nhất của ông. Nói rồi ông cài dây đai ngang hông, cầm theo chiếc cưa máy thoăn thoắt leo lên cây.

Công việc chăm sóc cây xanh yêu cầu không sợ độ cao và phải biết đánh giá tình trạng cây để kịp thời mé nhánh, tỉa cành

Ảnh: Khả Hòa

Sau một hồi quấn dây thừng ngang một nhánh cây với đường kính khoảng 50cm, ông Tùng bắt đầu cưa ngang nhánh, một đường cưa ngọt lịm, nhánh cây tách khỏi thân và từ từ rơi xuống đất vì có sự can thiệp của dây cẩu.
Nhảy vọt xuống đất, người đàn ông có mái tóc hoa râm cười tươi giải thích: “Mấy nhánh to như thế này thì lớp trẻ chưa cắt được mà đích thân tôi phải cắt. Tôi cầm cưa máy lâu năm quen tay, đường cưa sẽ đẹp hơn, không bị lởm chởm”.

Ông Thanh vừa làm việc, vừa chỉ dạy cho chính con trai của mình đang theo học việc

Ảnh: Vũ Phượng

Ông Nguyễn Công Thanh (50 tuổi) gắn bó với nghề chăm sóc cây xanh đến nay được 28 năm cho hay, những năm đầu ông mới vào nghề, mọi người đều phải tự leo từ mặt đất lên đến ngọn cây xem có cành, nhánh nào nặng tàn, có dấu hiệu hư hỏng, nguy hiểm thì về làm đề xuất xử lý.
“Ngày mới leo cây cao tôi được nhiều phen hú vía, thót tim vì nhìn xuống đất là đầu óc quay mòng mòng, nhưng rồi nhìn những anh đi trước làm, họ chỉ những người mới về kỹ thuật, nghiệp vụ nên dần dà cũng quen”, ông Thanh tâm sự.

Nghề chăm sóc cây xanh có khối lượng công việc khá nhiều vào mùa mưa, đặc biệt những hôm mưa to gió lớn, họ thường phải trực chiến 24/24 để xử lý các sự cố bất ngờ

Ảnh: Khả Hòa

Tới năm chín mấy, công ty mua được mấy chiếc xe thang về xí nghiệp, nhân viên công ty đỡ cực vì không phải leo từ gốc lên. Nhưng xe thang chỉ cao 24m, với những cây cổ thụ cao 40 – 50m, mọi người vẫn phải đu cây rồi tự leo lên tiếp để thao tác trên cây.
Ở trên cao, ai nấy đều thao tác thoăn thoắt, đi tới đâu dây an toàn ôm sát người tới đó, trước mỗi lần quăng nhành cây xuống, những người ở trên thang hoặc trên cây đều báo hiệu để bên dưới giăng dây, quăng vào khu vực trống.

Cây xanh TP xưa và nay khác nhau thế nào?

Sau hơn một tiếng hướng dẫn đồng nghiệp cắt tỉa cành, ông Thanh kể tiếp: “Cây xanh thành phố từ ngày tôi vào làm đến nay thay đổi nhiều lắm. Những tuyến đường như: Lý Tự Trọng, Đồng Khởi ngày xưa là những cây me già cỗi. Do vậy, chúng tôi được phân công đốn đi để trồng cây mới tạo cảnh quan khác, môi trường khác an toàn cho người dân”.

Nhiều công nhân nói đùa lần đầu trèo lên những ngọn cây cao 40 - 50m cheo leo ở đường là phải đeo theo... bỉm vì quá sợ

Ảnh: Khả Hòa

Những người đi đường dù có bị kẹt lại đôi phút để chờ quăng nhánh cây, tàn cây xuống nhưng không cảm thấy phiền

Ảnh: Khả Hòa

Và chính câu chuyện đốn cây trồng lâu năm cũng khiến ông Thanh cùng đồng nghiệp gặp nhiều chuyện dở khóc dở cười. Ông nhớ lại: “Lúc đầu người dân phản ứng dữ lắm vì người dân cứ nghĩ là cần bóng mát trước. Tôi đồng ý là để cây vậy thì bóng mát thật, nhưng lỡ mà sự cố tình trạng cây ngã, nhánh gãy thì lại trách móc bên đơn vị chủ quản chúng tôi, trong khi đến bao nhiêu đó năm là những cây ấy không còn an toàn nữa, có thể ngã đổ bất kỳ lúc nào”.
Nhiều trường hợp nhận được lệnh đi đốn cây xanh nhưng bị người dân phản ứng, ông Thanh phải mời tổ trưởng tổ dân phố, công an khu vực đến giải thích.

Hiểu cho công việc của những người chăm sóc cây xanh đường phố, người đi đường vui vẻ hợp tác khi được yêu cầu dừng xe

Ảnh: Khả Hòa

Thu nhập của nhân viên bình thường khoảng 10 - 10,5 triệu đồng, tổ trưởng thường cao hơn khoảng 2 triệu đồng, trách nhiệm, khối lượng công việc cũng nhiều hơn

Ảnh: Khả Hòa

Ông Tùng thì nhận xét, ngày trước công việc của ông nhàn hơn vì cây xanh còn chưa lớn mấy, không nhiều tán nặng nguy hiểm. Còn ngày nay, thời tiết thay đổi phức tạp, khi giông gió, ngay cả khi không mưa mà có gió là cây cũng ngã đổ.
Nhiều lần, ông Tùng đi đốn cây già cỗi cũng gặp phải sự phản ứng của người dân. Mỗi lần như vậy ông lại giải thích để người dân hiểu được cây đang bị hiện tượng gì, vì sao cần đốn hạ.
“Cây nằm trên mặt đất chưa thấy hiện tượng gì hết, mà trên thân cây nó đã mục, lủng lỗ nên người dân không thể nhìn thấy được. Họ chỉ nói chặt đi thì tiếc quá thôi. Nhưng đến khi chúng tôi đốn xuống, cắt ngang gốc thấy bị bầm người dân mới hết phàn nàn”, ông Tùng thuật lại.

Cha truyền con nối

Công việc nào cũng phải đối mặt với những rủi ro, nhưng với nhân viên cây xanh, việc rủi ro không được phép xảy ra. Những người công nhân khi leo lên cây phải đảm bảo nguyên tắc an toàn tuyệt đối 100%, phối hợp nhịp nhàng, ăn ý với đồng nghiệp phía dưới để đảm bảo cành cây xanh trong quá trình cắt tỉa không rơi trúng người đi đường.

Minh Duy còn đang trong thời gian học việc nên được giao những công việc đơn giản, nhẹ nhàng

Ảnh: Khả Hòa

Ông Thanh bộc bạch: “Leo lên cây mà, kiến lửa là chuyện bình thường, xảy ra như cơm bữa. Còn riêng với ong thì chúng tôi phải quan sát kỹ, xem đó là loại ong nào, cắn có nguy hiểm đến tính mạng không rồi mới dám lên”.
Chung tổ công tác với ông Thanh còn có Nguyễn Lâm Minh Duy (21 tuổi, con trai của ông). Ngày con trai vừa đi bộ đội về, ông Thanh cho con đi theo quan sát ông làm việc, chẳng hiểu duyên số thế nào, con trai đòi theo nghề của cha – giống nhiều gia đình khác làm công việc này.
Minh Duy chia sẻ: “Ngày còn nhỏ, tôi cũng thường đi theo ba, thấy ba leo trèo lên cây xanh cổ thụ tôi cũng sợ lắm. Tôi lân la hỏi ba và mấy chú lớn tuổi nên được mọi người chỉ dẫn rồi quen. Ngày đầu lên cao tôi sợ lắm vì nhìn xuống thấy nguy hiểm quá, nhưng việc nguy hiểm mình không làm thì ai làm, ba mình làm được mình cũng làm được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.