Hơn 30 năm chăm lo những mảnh đời khốn khó

20/05/2019 09:14 GMT+7

Suốt 34 năm qua, thượng tọa Thích Thiện Thông (63 tuổi), trụ trì chùa Long An (P.Lê Bình, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) luôn hết lòng chăm lo người già neo đơn không nơi nương tựa và giúp đỡ người nghèo.

Thượng tọa Thích Thiện Thông tu tại chùa Long An từ năm 1985. Việc làm của chùa nhiều năm qua là giúp đỡ người cơ nhỡ, nuôi dưỡng người già cô đơn, bệnh tật, không nơi nương tựa…
Chùa còn lo việc tang ma tử tế đối với người qua đời không có thân nhân hoặc gia đình quá khó khăn không có điều kiện mai táng. Đối với những người sau khi qua đời không có con cháu thờ tự, nhà chùa sẵn sàng đem hài cốt vào chùa thờ tự.
Chùa Long An còn là nơi nương tựa của học sinh và sinh viên ở xa, không có điều kiện thuê nhà trọ. Hiện chùa đang cưu mang 5 sinh viên quê ở Bạc Liêu. Em Tạ Nhật Nguyên, sinh viên năm thứ 4 Trường ĐH Tây Đô, bộc bạch: “Các vị sư trong chùa hết lòng thương yêu, giúp đỡ và xem chúng em như người thân trong gia đình. Do đó cuộc sống rất thoải mái và chúng em yên tâm học hành. Chúng em rất biết ơn quý sư và các phật tử nơi đây”.
Suy cho cùng, giúp người cũng chính là giúp mình, bởi khi thấy người ta bớt khổ, tâm mình sẽ thanh thản hơn
Thượng tọa Thích Thiện Thông
Nhiều năm nay, các sư trong chùa Long An còn tổ chức bếp ăn từ thiện, mỗi tháng phát cơm miễn phí 2 lần vào ngày 14 và 29 âm lịch, mỗi lần 500 - 1.000 suất cơm chay. Bếp ăn từ thiện có 10 phật tử tham gia nấu nướng, người dân nhận cơm đa số là người bán vé số dạo, chạy xe ôm và mua gánh bán bưng.
Thượng tọa Thích Thiện Thông còn mua BHYT cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức khám, chữa trị cho bệnh nhân nghèo mỗi năm 2 lần, mỗi lần 300 suất. Dịp Tết Trung thu hằng năm, chùa đều tặng quà cho hàng trăm trẻ em nghèo.
Thượng tọa Thích Thiện Thông cho biết: “Mỗi lần chứng kiến cảnh trẻ em lang thang, bụi đời hoặc những cảnh đời éo le không nhà cửa, không chốn nương thân khi về già, thậm chí chết không chỗ chôn, cảm thấy xót thương không sao kềm lòng được. Do vậy hơn 30 năm qua, quý thầy trong chùa và đa số phật tử đã gắn việc tu hành với hoạt động từ thiện, dành phần lớn thời gian và công sức để chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh”.
Về kinh phí tổ chức các hoạt động từ thiện, thượng tọa Thích Thiện Thông cho biết nhà chùa trích từ tiền phật tử cúng dường chứ không vận động tài trợ. “Ở đây, mọi người phát nguyện bằng cái tâm. Thấy ai đói rách thì thương, sẵn sàng giúp họ bớt khổ mà không cần trả ơn. Suy cho cùng, giúp người cũng chính là giúp mình, bởi khi thấy người ta bớt khổ, tâm mình sẽ thanh thản hơn”, thượng tọa Thích Thiện Thông nói.
Bà Ngô Thị Mỹ Nga, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ P.Lê Bình, cho biết chùa Long An và phật tử đã phát tâm làm từ thiện và hoạt động xã hội ngày càng tích cực, thể hiện tấm lòng vị tha và nêu cao tinh thần đoàn kết trong mối quan hệ giữa đạo với đời. Nhờ vậy chùa được công nhận là mô hình dân vận khéo của Q.Cái Răng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.