TNO

Hồi ức phi công trực thăng UH-1 Mỹ về chiến tranh Việt Nam

01/05/2015 14:48 GMT+7

(Tin Nóng) Trực thăng UH-1 (Huey) của hãng Bell được biết đến nhiều trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Tổng cộng 3.300 chiếc Huey đã bị bắn rơi và mất tích trong cuộc chiến này, theo trang tin wfaa.com (Mỹ) ngày 30.4.2015.

(Tin Nóng) Trực thăng UH-1 (Huey) của hãng Bell được biết đến nhiều trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Tổng cộng 3.300 chiếc Huey đã bị bắn rơi và mất tích trong cuộc chiến này, theo trang tin wfaa.com (Mỹ) ngày 30.4.2015.


Trực thăng UH-1 của Mỹ bốc quân khỏi một địa điểm ở đông bắc Củ Chi năm 1966 - Ảnh: Quân đội Mỹ

Cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt cách đây 40 năm, nhưng vẫn còn tác động đến cuộc sống một số người Mỹ hiện tại. Cuộc chiến tranh Việt Nam cũng làm thay đổi sâu sắc đến khu vực Bắc Texas, nơi sản xuất loại trực thăng UH-1 (còn gọi là Huey) và là nơi huấn luyện bay cho các phi công lái loại trực thăng này.

Tiếng phành phạch của cánh quạt trực thăng Huey là âm thanh quen thuộc với lính Mỹ và các phi công Mỹ ở Việt Nam, đó là âm thanh của sự sống.

"Tôi nghĩ rằng với rất nhiều người ở đó, tiếng phành phạch đó có nghĩa là cuộc sống", Dwayne "Willie" Williams, một phi công lái trực thăng Huey nhớ lại. "Và khi nghe âm thanh đó, họ biết chúng tôi sắp tới".

Các trực thăng UH-1 được sử dụng để bốc binh lính khỏi các khu vực giao tranh ác liệt, sơ tán người bị thương, hỗ trợ hỏa lực, vận chuyển nước cùng các đồ tiếp tế qua những khu rừng rậm.

Williams là một trong hàng ngàn phi công bay với trực thăng Huey (tên chính thức là trực thăng UH-1, do hãng Bell sản xuất). Ông được 20 tuổi khi bay chuyến đầu tiên tại Việt Nam, và ông đã bay phục vụ đủ loại nhiệm vụ.

Nếu âm thanh của trực thăng Huey nghĩa là cuộc sống cho lính Mỹ trên mặt đất, nó cũng có nghĩa là đối phương biết những gì đang đến. Và chắc chắn họ sẽ nổ súng vào trực thăng khi máy bay đến một bãi đáp.

"Bạn sẽ rất sợ điều đó. Nhưng bạn đã học cách để bỏ nỗi sợ sang một bên vì bạn biết ai đó đang cần bạn đáp xuống", ông Williams nói với trang tin wfaa.com.

Còn Del Livingston, trở thành phi công UH-1 khi 19 tuổi, đã bị bắn trúng vai khi lái trực thăng tải thương và đó là nhiệm vụ cuối cùng của ông.

"Lúc đó tôi đang cố hạ cánh để giải cứu vài người. Lần đó máy bay tôi trúng 40 phát đạn, và bạn biết chắc chắn rằng chiếc Huey có thể hoạt động được, dù chúng tôi dính vài viên đạn ở động cơ, một số ở đuôi cánh quạt, ba hoặc bốn viên trong hệ thống nhiên liệu. Nhưng chiếc máy bay này đã đưa chúng tôi về được bệnh viện dã chiến", ông Livingston, bây giờ là phó chủ tịch điều hành bay của Airbus Helicopters tại Grand Prairie, kể lại.


Trực thăng đang chờ bốc binh lính Mỹ tại Polei Kleng, Tây Nguyên ngày 10.4.1969 - Ảnh: Quân đội Mỹ


Các trực thăng UH-1 còn lại từ sau năm 1975 đang đậu ở một nơi trong sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 9.3.2014 - Ảnh: AFP

Tổng cộng có 3.300 chiếc Huey đã bị thiệt hại trong chiến tranh Việt Nam, theo Hiệp hội phi công trực thăng Việt Nam (Mỹ). Từ năm 1957 đến 1975, đã có 10.000 chiếc máy bay này được sản xuất.

"Có thời điểm, nhà máy sản xuất UH-1 sử dụng tám hoặc chín ngàn nhân công trong suốt cuộc chiến tranh khi mức sản xuất đang ở đỉnh cao ", nhà sử học hàng không Jay Miller tại Arlington nói.

Trực thăng Huey được sản xuất ở Hurst, Bắc Texas và phi công được đào tạo tại căn cứ Ft. Wolters ở Mineral Wells.

Với mỗi phi công học lái UH-1, các thông điệp ngầm hiểu là như nhau. Ông Del Livingston nhớ lại các thông điệp này: "Bạn có hiểu bạn sẽ đến Việt Nam nếu bạn là một phi công trực thăng, và bạn có thể sẽ bị giết hay không?".

Các trực thăng tại căn cứ Ft. Wolters, từng là bệ phóng cho rất nhiều phi công ở Việt Nam, đã không hoạt động trong 40 năm qua. Những chú lừa đi lang thang qua nơi các phi công trước kia chuẩn bị cho trận chiến. Những căn nhà không có cửa sổ trong căn cứ này đang trong cảnh hoang vắng.


Một trực thăng của Air America đáp trên nóc một chung cư ở số 18 Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng), Sài Gòn ngày 29.4.1975 để sơ tán người rời khỏi Việt Nam - Ảnh: Hugh Van Es


Trực thăng UH-1 bị đẩy khỏi tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông ngày 30.4.1975 để có chỗ cho các trực thăng khác đáp xuống - Ảnh: Thuỷ quân lục chiến Mỹ

Nhưng ký ức về chiến tranh vẫn còn ám ảnh với các phi công sau cuộc chiến.

"Chúng tôi đã cứu mọi người và bất cứ ai..., chúng tôi không quan tâm", cựu phi công Del Livingston nói.

"Tôi không hề suy nghĩ về việc nếu tôi bị bắn hạ, người tiếp theo sẽ bay xuống cứu tôi. Họ là anh em tôi, những người có thể đã chết vì tôi", ông Williams hồi tưởng.

Hai năm sau khi căn cứ Ft. Wolters đóng cửa, vào cuối tháng 4.1975, các chiếc trực thăng cuối cùng đã tham gia chiến dịch di tản những người Mỹ cuối cùng rời khỏi Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn.

Nhiều người miền Nam Việt Nam cũng bỏ chạy khỏi nước bằng trực thăng Huey ra hạm đội 7 Mỹ, và các chiếc Huey trên tàu chiến Mỹ bị đẩy xuống biển để có thêm khoảng trống cho các chuyến bay khác đáp xuống.

Đó cũng là sự kết thúc của nhiệm vụ mà các phi công Mỹ đã tham gia từ đầu.

Anh Sơn

>> 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Ngày ấy, bây giờ
>> Những bí ẩn không lời giải của Mỹ từ cuộc chiến tranh Việt Nam
>> Ngôi làng Beallsville và ký ức ám ảnh về chiến tranh Việt Nam
>> Quân đội Mỹ tiết lộ bị đĩa bay tấn công trong chiến tranh Việt Nam
>> Bị buộc điều trị tâm thần vì giả mạo cựu binh chiến tranh Việt Nam
>> Matterhorn, tiểu thuyết hay nhất về chiến tranh Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.