Hồi sinh sau ngày thống nhất: Thành công nhờ nỗ lực

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
29/04/2019 09:00 GMT+7

Mọi thứ bắt đầu từ con số 0, trong khi lệnh của trên là trong 3 tháng phải hồi phục máy bay chiến lợi phẩm cho phi công có cái bay.

Đại tá Nguyễn Thanh Lâm, cựu Giám đốc Nhà máy A41, năm nay đã 71 tuổi nhưng vẫn lái xe chạy phăm phăm và nói tiếng Nga, Anh rành rọt.
Ông Lâm cho biết: “Tiếng Nga là học bên Liên Xô. Tiếng Anh thì học ngay sau 30.4.1975, thầy dạy là nhân viên kỹ thuật của chế độ cũ. 44 năm rồi nhưng chúng tôi vẫn gặp nhau”.

Ngày làm, tối học

Nhiều người nghĩ, sau 30.4.1975, các đơn vị không quân (KQ) chỉ lấy máy bay “chiến lợi phẩm” ra bay. Đại tá Nguyễn Thanh Lâm giải thích: Lúc ấy, toàn Quân chủng Phòng không - Không quân (QC PK-KQ) chỉ học - quen với máy bay của khối XHCN, đại đa số do Liên Xô sản xuất và gọi là máy bay hệ 1. Khi tiếp quản máy bay “chiến lợi phẩm”, đại đa số của Mỹ (gọi là máy bay hệ 2) ai cũng ngỡ ngàng vì loại này khác từ ốc, vít đến đơn vị đo lường, đồng hồ điều khiển, trang bị kèm theo… Chữ nghĩa, thông số, bảng biểu hướng dẫn đều bằng tiếng Anh, trong khi quân ta chỉ rành tiếng Nga. Nhiều máy bay hệ 2 còn bị mất phụ tùng trang thiết bị, không đủ hồ sơ bay...
“Để một chiếc máy bay cất cánh, chúng tôi phải kiểm tra mọi thông số kỹ thuật, đạt độ an toàn cao”, đại tá Lâm nói.
Máy bay trinh sát điện tử EC-47 được phục hồi, thực hiện nhiệm vụ bay trinh sát trong chiến tranh biên giới Tây Nam
Ông Lâm nhớ lại: Đầu tiên phải triển khai dây chuyền sửa chữa. Hoàn thành sơ bộ việc phân loại máy bay và rà soát lại quy trình sửa chữa các loại máy bay chính. Dịch quy trình, phiếu sửa chữa từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Mở 5 lớp học, từ quản lý đến chuyên môn nghiệp vụ, học xen kẽ theo ca sáng, chiều, tối để khỏi ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất.
“Thầy” dạy tiếng Anh đầu tiên của đại tá Lâm là nhân viên kỹ thuật Võ Văn Đại. Ông Đại đã có thời gian tu nghiệp bên Mỹ nên việc giảng dạy rất khoa học và rành rẽ. Mỗi ngày, hai thầy trò dành 2 giờ dạy - học, vừa lý thuyết vừa thực hành chỉ tay từng chi tiết máy bay nên chỉ trong 1 tháng, đại tá Lâm đã nắm bắt hết các thuật ngữ cơ bản.
Thượng tá Thái Văn Bổn, nguyên Phó giám đốc Nhà máy A41, thì học tiếng Anh ngay tại phân xưởng cơ khí do ông làm quản đốc và “thầy” dạy là bất kỳ “nhân viên tạm tuyển” nào. Ông Bổn nhớ nhất là nhân viên Nguyễn Văn Bảy nhà ở gần sân bay, không chỉ dạy các từ chuyên môn mà còn dạy cả tiếng Anh giao tiếp và những năm sau này, 2 ông thi thoảng vẫn cà phê với nhau, ôn luyện ngoại ngữ.

Đồng lòng làm việc

“Nhân viên tạm tuyển nhiều anh rất giỏi nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn. Những ngày đầu đi làm ở A41, chỉ được trả công bằng gạo, mỗi người 21 kg, có bao nhiêu con thì mỗi đứa được thêm 5 kg nữa. Chúng tôi hồi ấy gia đình ngoài bắc nên tiêu chuẩn gạo của mình đều san sẻ cho các anh em tạm tuyển. Có lần nghe kể vợ anh Bảy ốm liệt giường, bộ đội xưởng cơ khí chia phần gạo tiêu chuẩn chở ra tận khu rau muống Nguyễn Văn Đậu (hiện thuộc P.5, Q.Bình Thạnh) xắn quần lội sình lầy vác vài bao vào nhà tặng. Cả xóm lao động nghèo kéo đến xem đông như hội”, thượng tá Bổn nhớ lại.
Máy bay C-130 số hiệu 003 được cải tiến thành máy bay chở đại biểu Quốc hội miền Nam ra Hà Nội họp kỳ thứ nhất Quốc hội khóa VI
Chính sự ham học hỏi, đối xử với nhau rất tình cảm của những người lính giải phóng đã khiến những “nhân viên tạm tuyển” khâm phục và đồng lòng làm việc.
Ngày 1.10.1975, máy bay C-47 số 126 là chiếc máy bay hệ 2 đầu tiên được Nhà máy A41 đưa vào sửa chữa vừa (trung tu). Sau đó là C-7A số 764, C-119 số 852 được đưa vào xưởng sửa chữa vừa theo công nghệ tổng kiểm của KQ Mỹ. Chỉ sau chưa đầy 4 tháng tiếp quản, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của KQ nhân dân VN đã biến cơ sở bảo trì phi cơ cấp căn cứ của KQ chế độ cũ thành cơ sở sửa chữa vừa máy bay vận tải của KQ ta.
Cũng trong tháng 10.1975, cả 4 chiếc C-119 số 205, 898, 848, 077 được hồi phục xong, sẵn sàng chờ bay thử. Những chiếc C-7A mang số hiệu 331, 441, 730 tiếp tục được đưa vào xưởng để phục hồi.
Đến cuối tháng 1.1976, xưởng A41 hoàn thành sửa chữa 4 máy bay các loại; bảo dưỡng 6 chiếc gồm 4 loại C-7A, C-47, C-119 và C-130; bảo dưỡng 4 chiếc AC-119K; hoàn thành kiểm tra toàn bộ máy bay L-19. “Đặc biệt nhất là việc xuất xưởng và bay thử 2 máy bay sửa chữa đầu tiên là C-47 số 126 và C-119 số 852. “Các “nhân viên tạm tuyển” nhìn nhận, tiến độ nhanh rất nhiều so với công nghệ của Mỹ”, đại tá Lâm kể.

Vừa sửa máy bay vừa trồng lúa nuôi heo

Tháng 2.1976, trước tình hình kinh tế khó khăn, QC PK-KQ rút mức ăn cho đối tượng trực tiếp sản xuất từ 21 kg gạo xuống 19 kg và yêu cầu mỗi đơn vị phải tự túc 3 tháng lương thực/năm. Đảng ủy và ban chỉ huy xưởng phát động tổ chức tăng gia, chăn nuôi ở mọi mảnh đất trống quanh xưởng. Bên cạnh đó, tổ chức lực lượng xuống Long An trồng lúa, ra Đức Linh (Bình Thuận) trồng ngô. Hằng tháng, các ban và phân xưởng phải cắt cử người thay nhau đi tăng gia, từ trồng rau cho đến làm trại nuôi heo.
Giữa năm 1976, QC PK-KQ lệnh cho A41 về các sân bay thu hồi khí tài. Những khi kéo khí tài về đơn vị đều rất vui bởi những người đi công tác được đơn vị cơ sở cho tặng, bán giá rẻ lúa gạo, thực phẩm ở địa phương.
Đại tá Nguyễn Thanh Lâm nhớ lại thời điểm về Cần Thơ thu hồi chiếc máy bay U-6A. Khi đó phụ cấp thiếu úy của ông cao nhất trong đoàn công tác nên tranh thủ mua mấy tạ gạo để trong máy bay, trên xe kéo, tránh sự kiểm tra của thuế vụ, quản lý thị trường. Về đến TP.HCM, biết “nhân viên tạm tuyển” lái xe kéo tên Bảy có hoàn cảnh khó khăn, phải chạy ăn từng bữa, ông Lâm tặng luôn người đó nửa số gạo và đến giờ gặp lại, ông Bảy vẫn nhắc chuyện này.
Bộ đội A41 thu hoạch ngô để cải thiện bữa ăn
Những năm 1976 - 1977, nhiều người dân TP.HCM dùng xoong nồi mang ký hiệu “A41”. Ít người biết chúng được đúc từ xác máy bay hệ 2. Thời điểm ấy, Nhà máy A41 cử người đi các địa phương, sân bay nhỏ, kho tàng, đơn vị quân đội để tìm xác máy bay hư hỏng, không thể phục hồi, nhặt từng mẩu nhôm, đưa ra, chở về cho phân xưởng cơ khí nấu chảy, đổ khuôn đúc thành các loại xoong nồi cung cấp cho cán bộ công nhân và bán ra thị trường.
“Tiền bán xoong nồi được dùng để mua suất ăn bồi dưỡng cho anh em làm ca. Có khi chỉ bát mì hoặc cái bánh bao, nhưng giúp tiếp sức cho công nhân tập trung phục hồi, sửa chữa, nâng cấp máy bay hệ 2, phục vụ cho các nhiệm vụ bảo vệ đất nước”, đại tá Nguyễn Thanh Lâm nhớ lại hơn 40 năm trước.(còn tiếp)

Cải tiến thành máy bay dân dụng

Năm 1976, Quốc hội khóa VI (Quốc hội đầu tiên của nước VN thống nhất) họp kỳ thứ nhất tại Hà Nội từ ngày 24.6 - 3.7.1976. Do thiếu phương tiện chuyên chở, Bộ Chính trị đã yêu cầu QC PK-KQ lệnh cho Nhà máy A41 cải tiến nội thất máy bay C-130 số hiệu 003 để chuyên chở các đại biểu Quốc hội ở phía nam ra Hà Nội họp. Kỹ sư Phan Bàng chủ trì tổ cải tiến, thực hiện đóng ghế mới, bọc simili vách và trần trên máy bay giống hệt máy bay của hàng không dân dụng.
Sau gần 1 tháng cải tiến, sơn sửa từ màu xanh quân sự thành màu trắng, máy bay C-130 số hiệu 003 đã bay thử thành công và được Hội đồng nghiệm thu giao cho Trung đoàn 918 chở các đại biểu Quốc hội...
(Nguồn: Cục Kỹ thuật, QC PK-KQ)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.