Hội ngộ gốm Việt đương đại

26/12/2008 23:35 GMT+7

Đẹp, nghệ thuật, dù còn một vài tác phẩm chưa mới - đó là nhận xét của giới chuyên môn khi nói về Triển lãm gốm nghệ thuật Việt Nam đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật (Hà Nội). Gốm xưa Bàu Trúc / Làng gốm Thanh Hà

Vẫn còn thấy rải rác đâu đó những khối hình trụ, tháp trên nhỏ dưới to, đơn hoặc đôi, ở giữa thủng lỗ và có một cái gì đó như đứa con đang níu vào lòng mẹ, hoặc trên đầu mọc lên những vầng trăng khuyết, hay những thân thể cách điệu ôm nhau; những tác phẩm gồm hai đơn nguyên, một lớn một nhỏ... Đó là những mô típ quen thuộc trong nhiều tác phẩm tạo hình, trong đó có gốm.

Sáng tạo và đẹp

Nhưng vẻ đẹp và sự sáng tạo là điều đáng được ghi nhận. Bằng nhiều cách thể hiện khác nhau, các tác giả gốm đã mang đến cho người xem những cảm giác thú vị, khiến người ta muốn bày đồ gốm trong nhà hoặc tặng bè bạn. Có những tác phẩm to đùng đặt giữa bãi cỏ. Có "món" nhỏ như vài bao diêm hoặc nhỏ hơn như bộ Trang sức gốm (Đỗ Đông Hưng - Hà Nội), được Hội Mỹ thuật Việt Nam (HMTVN) trao  một trong 12 phần thưởng. Ban tổ chức cũng đã khéo thiết kế để tạo ra được một không gian triển lãm khá đẹp, dù khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật rất chật.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Đức Toàn, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan tổ chức cho biết, đây là bước chuẩn bị cho những hoạt động tôn vinh nghệ nhân, làng nghề. Tới đây, cơ quan này sẽ cùng các bên liên quan tổ chức quảng bá hình ảnh cho gốm ở trong nước và quốc tế, để gốm trở lại vị trí quan trọng trong đời sống như từng có từ 4-5 nghìn năm trước ở Việt Nam.

Sáng tạo và đẹp, trong đó có tạo hình và nghệ thuật thể hiện là tiêu chí đánh giá quan trọng nhất của Hội đồng nghệ thuật gồm 9 người, trong đó đa phần là các chuyên gia về gốm. Tác giả Lê Ngọc Hân (Hà Nội) giành được phần thưởng của HMTVN với tác phẩm Chăn trâu bằng những đường thẳng và góc vuông cách điệu, chứ không tả thực như thường thấy. Vũ Xuân Tình (Bắc Giang) thì nhận được giải thưởng bởi một tác phẩm theo khuynh hướng siêu thực mang tên Mùa hạn: vỏ ốc và xương cá bám vào chiếc bình xử lý như mặt san hô.

Ở mảng gốm dân dụng, dù không nhiều tác phẩm, nhưng vẫn có thể thấy những bộ ấm chén mang tên Trà sen rất nghệ thuật với tạo hình đẹp, chế tác tinh xảo và màu men độc đáo của Phạm Thị Minh Châu, Hà Nội. Nghệ nhân Bùi Văn Hải (Hải Phòng) thì công bố hai tác phẩm Bát thuyền Kuwait Bộ ấm chén Versailles là những sản phẩm thương mại được làm kỹ với hoa văn vẽ bằng vàng phục vụ xuất khẩu. Cũng là sản phẩm thương mại, nhóm lọ hoa của "Quang gốm" (Hà Nội) kết hợp giữa gốm và sơn mài mang đến sự đổi mới trong chất liệu. Sự cách tân trong thiết kế và chất liệu đã cho họa sĩ tên thật là Nguyễn Như Quang này tiếng tăm và những hợp đồng xuất khẩu giá trị.

 
Một tác phẩm tại triển lãm

Dấu ấn văn hóa

Không chỉ đẹp, tác phẩm triển lãm đã chuyển tải được một phần văn hóa Việt Nam, họa sĩ Đoàn Thị Thu Hương, thành viên Hội đồng nghệ thuật nhận xét. Gọi mùa, Tình già của Trần Minh Thành Được (TP.HCM) mang hơi thở của văn hóa Tây Nguyên với cồng chiêng, thổ cẩm, còn Gốm Chăm của Chế Kim Trung có âm hưởng vùng Nam Trung Bộ, nơi tác giả đang sống (Ninh Thuận).

Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên Hội đồng nghệ thuật và cũng là một chuyên gia về gốm, nghệ thuật gốm Việt Nam đã có hàng nghìn năm phát triển và mỗi thời đại đều để lại dấu ấn. Chính vì thế, triển lãm là cuộc hội ngộ của gốm Việt Nam đương đại, nhất là từ năm 1976 đến nay, chúng ta mới có một triển lãm gốm nghệ thuật cấp quốc gia.

Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.