Hội nghị thượng đỉnh NATO: Tóm tắt những điểm chính

02/07/2022 14:31 GMT+7

Tại hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Madrid diễn ra từ 28-30.6, các lãnh đạo của khối đồng ý tiếp nhận hai thành viên mới và xác định Nga là mối đe dọa số một. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là thu hút nhiều chú ý trong hội nghị và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi phương Tây hỗ trợ thêm hàng tỉ USD cho Kyiv.

Chiến lược mới

Ngày 29.6, các lãnh đạo NATO thông qua tài liệu liệu Khái niệm Chiến lược mới. Đây sẽ là kim chỉ nam cho lập trường của NATO đối với các nước không phải thành viên, các nước đối tác, lẫn đối thủ. Lần cuối cùng tài liệu này được cập nhật là vào năm 2010.

Phiên bản Khái niệm Chiến lược mới gọi Nga là "mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất", cáo buộc Moscow "có khuôn mẫu các hành động gây hấn" chống lại phương Tây.

Dù không hứa hẹn về tư cách thành viên của Ukraine, NATO vẫn khẳng định sẽ tiếp tục "phát triển quan hệ đối tác" với nước này và Georgia.

Khái niệm Chiến lược mới nhất khẳng định NATO "không tìm kiếm sự đối đầu và không gây ra mối đe dọa nào đối với Liên bang Nga". Tuy nhiên Moscow xem việc NATO mở rộng khối sang các lãnh thổ từng thuộc Liên Xô cũ gây ra mối đe dọa an ninh không thể chấp nhận được.

Các thành viên mới

Sau nhiều tuần bế tắc ngoại giao, cuối cùng NATO tuyên bố đã chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh. Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, sự tham gia nhanh chóng của 2 quốc gia Bắc Âu này là "chưa từng có tiền lệ".

Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn gia nhập NATO hồi giữa tháng 5, chỉ vài tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Ban đầu, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối vì muốn 2 quốc gia này ngừng ủng hộ các tổ chức mà Ankara xem là khủng bố và gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi đạt được thỏa thuận thống nhất hôm 28.6, Tổng thống Tayyip Erdogan tuyên bố "Thổ Nhĩ Kỳ đã có điều mình muốn". Còn Phần Lan và Thụy Điển trở thành các quan sát viên tại hội nghị thượng đỉnh NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO

Yêu cầu của Ukraine

Phát biểu trước lãnh đạo NATO, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu phương Tây "viện trợ khẩn cấp đủ để Ukraine giành chiến thắng", nếu không sẽ phải "đối phó với cuộc chiến chống Nga".

Nhà lãnh đạo Ukraine cho hay nước này cần 5 tỉ USD mỗi tháng để bù đắp cho ngân sách. Ông Zelensky cũng yêu cầu NATO hỗ trợ Ukraine "giành phần thắng trong xung đột này với một chiến thắng trên chiến trường".

Đến nay, Mỹ đã thông qua hơn 55 tỉ USD viện trợ kinh tếquân sự cho Ukraine. Trong khi đó, Anh đóng góp hơn 3,2 tỉ USD cho Kyiv và viện trợ từ EU là khoảng 5,8 tỉ USD.

Tổng thống Zelensky yêu cầu NATO viện trợ vũ khí, tài chính, nói Ukraine cần 5 tỉ USD/tháng

Lời cảnh báo dành cho Trung Quốc

Trong khi Nga là chủ đề chính trong cuộc thảo luận ở Madrid, tài liệu Khái niệm Chiến lược mới của NATO cũng tuyên bố "các chính sách của Trung Quốc đang thách thức lợi ích, an ninh và giá trị" của liên minh. Tài liệu này cũng cho rằng mối quan hệ Nga-Trung Quốc "đi ngược lại các giá trị và lợi ích" của NATO.

Dù NATO vẫn khẳng định "cởi mở trong quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc", một số quan chức hàng đầu của liên minh vẫn tỏ ra ít thân thiện hơn.

Hôm 29.6, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho rằng việc Trung Quốc ngày càng tăng cường năng lực quân đội có thể gây ra "vấn đề cho an ninh Đại Tây Dương".

Thủ tướng Úc Anthony Albanese kêu gọi Trung Quốc lên án hoạt động của Nga ở Ukraine. Ngoài ra, ông Albanese cho biết đã có cuộc gặp bên lề hội nghị rất thành công với các lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc liên tục cáo buộc Úc cố gắng tập hợp các đồng minh của Bắc Kinh thành "phiên bản NATO ở châu Á-Thái Bình Dương".

Tài liệu chiến lược NATO lần đầu xem Trung Quốc là "thách thức hệ thống"

Mỹ triển khai thêm quân ở Đông Âu

Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo nước này sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu bằng cách thiết lập trụ sở thường trực ở Ba Lan, cử thêm 2 phi đội chiến đấu cơ F-35 đến Anh và điều 5.000 quân đến Romania.

Ông Biden cho biết các hệ thống phòng không và nhiều hệ thống vũ khí khác sẽ được gửi đến Đức và Ý. Mỹ cũng nâng số tàu khu trục đóng tại Tây Ban Nha từ 4 lên 6 tàu. Theo tuyên bố của Nhà Trắng, việc tăng cường hiện diện quân sự sẽ nâng tổng số binh sĩ Mỹ ở châu Âu lên 100.000.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.