Hội nghị lần thứ 12 BCH T.Ư Đảng bàn về công tác nhân sự và nhiều vấn đề quan trọng

06/10/2015 06:55 GMT+7

Sáng 5.10, Hội nghị lần thứ 12 BCH T.Ư Đảng khóa XI đã khai mạc trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị.

Sáng 5.10, Hội nghị lần thứ 12 BCH T.Ư Đảng khóa XI đã khai mạc trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị.

 
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh: TTXVN
Tại hội nghị này, BCH T.Ư sẽ bàn về các nội dung: tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2015, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016; công tác chuẩn bị nhân sự BCH T.Ư khóa XII; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; và một số vấn đề quan trọng khác.
Ngày làm việc đầu tiên, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên khai mạc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc Tờ trình của Ban cán sự Đảng Chính phủ về tình hình KT-XH năm 2015 và nhiệm vụ năm 2016; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc Tờ trình của Đảng đoàn Quốc hội về Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Phát biểu khai mạc hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở một số vấn đề để T.Ư quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định.
Đánh giá khách quan, toàn diện tình hình KT-XH
Tổng bí thư đề nghị T.Ư dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình KT-XH nước ta từ đầu năm đến nay và dự báo cả năm 2015; chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.
Tổng bí thư lưu ý các đại biểu chú ý phân tích, đánh giá tác động của những diễn biến bất thường trên thế giới và trong khu vực đối với KT-XH nước ta; dự báo tình hình những tháng cuối năm 2015 và năm 2016, đặc biệt là xu hướng biến động của thị trường thế giới và thực tế đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới và khu vực. Từ đó, đề ra mục tiêu tổng quát, một số mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu và những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cần tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tạo chuyển biến tích cực về chất, có tính chất đột phá cho phát triển KT-XH năm 2016 và các năm tiếp theo.
T.Ư cho ý kiến về những đề xuất, kiến nghị của Ban cán sự Đảng Chính phủ về các cân đối lớn của nền kinh tế; đổi mới việc phân bổ vốn đầu tư theo kế hoạch trung hạn phù hợp với luật Đầu tư công mới được ban hành; về thu - chi, bội chi ngân sách nhà nước; về định mức và thời hạn phát hành trái phiếu chính phủ; về chủ trương dùng một phần tiền thu được từ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để đầu tư vào một số công trình kết cấu hạ tầng KT-XH quan trọng và xây dựng nông thôn mới.
Hoàn thiện các phương án nhân sự
Về công tác chuẩn bị nhân sự BCH T.Ư khóa XII, đến đầu tháng 7.2015, đã có 63 tỉnh, thành và 162 ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở T.Ư thực hiện xong việc giới thiệu nhân sự vòng 1. Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã nghe báo cáo kết quả giới thiệu vòng 1 và cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn nhân sự để giới thiệu vòng 2; về phương pháp, cách làm và việc triển khai thực hiện giới thiệu vòng 2. Trong tháng 8.2015, tất cả các tỉnh, thành và ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở T.Ư đã hoàn thành việc giới thiệu nhân sự vòng 2.
Trên cơ sở Phương hướng và quy trình công tác nhân sự đã được T.Ư thông qua, Tiểu ban nhân sự và Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, thảo luận kỹ dự kiến danh sách giới thiệu ứng cử Ủy viên T.Ư Đảng khóa XII, các phương án lựa chọn, xem xét một cách khách quan, công tâm, toàn diện.
Tại hội nghị này, Bộ Chính trị trình T.Ư kết quả giới thiệu nhân sự qua hai vòng của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc T.Ư. Tổng bí thư đề nghị T.Ư bám sát Phương hướng và Quy trình công tác nhân sự, nghiên cứu kỹ các phương án giới thiệu nhân sự BCH T.Ư khóa XII để thảo luận và đóng góp ý kiến.
Căn cứ vào kết quả Hội nghị T.Ư lần này, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo việc tiếp tục chuẩn bị, hoàn chỉnh các hồ sơ, xem xét những trường hợp cụ thể, hoàn thiện thêm các phương án về nhân sự để T.Ư xem xét, quyết định vào các hội nghị tiếp theo.
Cũng tại hội nghị này, lần đầu tiên, Bộ Chính trị trình T.Ư Báo cáo về công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt.
Quang cảnh khai mạc hội nghị
Quang cảnh khai mạc hội nghị - Ảnh: TTXVN
Tổng bí thư đề nghị T.Ư tập trung nghiên cứu kỹ Báo cáo của Bộ Chính trị và các tài liệu nhân sự có liên quan để thảo luận, cho ý kiến về các nội dung này, nhất là về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt" đối với ủy viên T.Ư và Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI tái cử khóa XII; trên cơ sở tiêu chuẩn chung của 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt đã nêu tại Phương hướng công tác nhân sự, Báo cáo đã đề xuất tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh (Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội), về các phương án lựa chọn các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Thống nhất cao về vấn đề này sẽ là cơ sở rất quan trọng để T.Ư bàn và quyết định nhân sự cụ thể ở các hội nghị T.Ư tiếp theo.
Xem xét, quyết định phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp
Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn chỉnh Đề án trình T.Ư xem xét, quyết định tại hội nghị lần này. Tổng bí thư đề nghị T.Ư thảo luận, xem xét, quyết định các vấn đề nêu trong Đề án và Tờ trình để có cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công việc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.