Hội Kỳ - ngôi làng biết... 'tủi thân': Đừng bê tông... làng cổ

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
08/06/2018 14:00 GMT+7

Làng Hội Kỳ (xã Hải Chánh, H.Hải Lăng, Quảng Trị) vẫn còn đó những ngôi nhà cổ kính, nhưng đâu đó quanh làng 'cái sự cổ' đã hư hao nhiều vì những mảng… bê tông.

Điều đó, phản ánh sự tất nhiên khi đời sống đi lên hiện đại hay là sự đáng trách của thế hệ sau đã xâm hại vào những giá trị của đời trước để lại…
Đi quanh làng cổ Hội Kỳ, nếu nhìn dưới góc độ một người yêu cái cũ rêu phong thì hẳn bạn sẽ thấy một “điểm nhấn” tưởng như không thuộc về ngôi làng bên dòng Ô Lâu này. Đó chính là sự bê tông hóa mà điển hình nhất là tại những bến nước có tuổi đời ngang ngửa với những ngôi nhà cổ.
Những người cao niên trong làng Hội Kỳ cho biết những bến nước của làng xưa kia luôn mang trong mình những câu chuyện riêng biệt. Bởi người xưa làm bến nước không phải như bây giờ. Mỗi cái bến nước đều khác nhau, không có cái nào giống cái nào. Trải qua hàng trăm năm những cái bến nước đấy càng mang hồn phách, trầm tích riêng… “Còn bến nước bây giờ người ta làm theo bản vẽ, cái nào cũng như cái nào, răm rắp đúng từng thước tấc thì cũng giống như những món hàng công nghiệp vậy đó”, một người dân làng Hội Kỳ cảm thán.
Một bến nước bị bê tông hóa ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Nhưng không phải vô cớ mà chính quyền bê tông hóa những bến nước ở ngôi làng cổ. Chuyện rằng, mỗi năm, “hà bá” trên dòng Ô Lâu cứ tham lam ngoạm những mảng đất dọc sông, uy hiếp đến đường làng và những ngôi nhà cổ. Vậy nên, lãnh đạo thôn, xã đều phân bua rằng việc bê tông bến nước làng cổ và làm kè dọc bờ sông là việc chẳng đặng đừng và không thể không làm vì xói lở hoành hành, nếu chần chừ, bờ sông sẽ xâm thực càng sâu và ảnh hưởng đến cả những ngôi nhà cổ…
Vậy nên, năm 2017, dự án “Kè chống xói lở bờ sông Ô Lâu, xã Hải Chánh” do Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị làm đại diện chủ đầu tư, đã được thi công trên tổng chiều dài hơn 1km với kinh phí 10 tỉ đồng. Vậy nên, những rặng tre dọc sông vốn là hồn phách của làng, đã giữ làng suốt hàng trăm năm đã bị bức gốc. Và những bến nước cũ kỹ được đập đi xây lại bằng một diện mạo hoàn toàn mới.
Lúc dự án triển khai, đã có những tiếng xì xầm, những tiếng thở dài. Ông Dương Văn Mạnh (62 tuổi, người được dân làng mệnh danh là “nhà Hội Kỳ học”, hiện đang là người thừa kế 1 trong 5 ngôi nhà cổ nhất làng Hội Kỳ) đã tỏ thái độ bất hợp tác, không đồng ý thi công. “Gia đình tôi mấy đời chăm lo cho cái bến nước cũ, bỏ tiền túi để làm cái bến có hồn có phách. Có thể nó cũ kỹ nhưng nó hợp với không gian nhà cổ ở bên trên…”, ông Mạnh nói. Nhưng rồi, sợ mang tiếng là “thành phần chống đối”, ông Mạnh cũng xuôi tay và gần chục bến nước hao hao nhau trong làng Hội Kỳ đã ra đời như thế.
Những bến nước mới xây rất kiên cố, sạch sẽ và rất thuận lợi cho bà con trong sinh hoạt với những lan can, bậc cấp. Những bến nước này đẹp nhưng đó là vẻ đẹp hiện đại, cái vẻ đẹp mà chỉ cần có chút kinh phí thì tất thảy các làng quê của đất nước Việt Nam này đều có thể có chứ không đẹp theo kiểu... Hội Kỳ, thứ vẻ đẹp vốn đã được định danh bằng sự xưa cũ.
Những bến nước giúp việc sinh hoạt của người dân thuận tiện hơn ẢNH: NGUYỄN PHÚC
“Người ta cũng không thiết kế ra mẫu mã ra một dáng dấp bến nước sao cho vừa tầm với những ngôi nhà cổ, hay ít nhất là cũng phù hợp với kiến trúc chung mà chỉ là những mảnh ghép giữa gạch vữa và sắt thép. Lạnh ngắt và khô khốc”, ông Mạnh nói.
Trong khi đó, ý kiến của một nhà nghiên cứu lịch sử tại Quảng Trị cho rằng đây là minh chứng cho sự xung đột giữ bảo tồn và phát triển. “Đây là bài toán khó nhưng thường thì khi trùng tu, làm mới một thực thể cổ thì không được đập đi làm lại, mà phải vừa giữ lại những yếu tố gốc nguyên sơ mang nét biểu tượng cho một vùng đất vừa cho mọi thứ hài hòa với cảnh quan. Tiếc rằng, câu chuyện bến nước ở Hội Kỳ đã không thỏa mãn được điều đó”, nhà nghiên cứu này nhận định.
Trong khi việc xây dựng đại trà các bến nước theo kiểu hiện đại đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình từ phía những người dân không muốn có sự can thiệp thô bạo vào kiến trúc cảnh quan của làng thì một thực tế khác vẫn đang diễn ra, đó là xói lở.
Đi bộ dọc bờ sông Ô Lâu chạy uốn quanh làng Hội Kỳ, mới thấy con sông xanh trong yên ả này cũng có lúc ngỗ nghịch khi “ngạm” không biết bao nhiêu mét đất của dân làng xuống đáy. Dù vẫn có sự hiện diện của hệ thống kè chống xói lở nhưng chừng đó tưởng như chưa đủ để “vá” những chỗ sạt lở. Đó là chưa kể những năm gần đây, tình trạng khai thác cát bữa bãi trên sông Ô Lâu, cùng với sự biến đổi khí hậu làm tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Dọc sông Ô Lâu, sát làng cổ Hội Kỳ vẫn còn nhiều điểm xói lở ẢNH: NGUYỄN PHÚC
“Dân làng nhiều lúc cũng rất mâu thuẫn vì biết rằng nếu không can thiệp bằng bê tông cốt thép thì đất làng khó giữ nhưng nếu can thiệp thì góp phần làm làng… bớt cổ đi. Vậy nên dân mong lắm chính quyền có sự tính toán cho những lần can thiệp. Bởi chỉ cần một hành động thiếu tính toán thôi cũng làm mất đi bao giá trị mà dân làng gìn giữ hàng trăm năm”, ông Mạnh phân trần.
Bên cạnh đó, chính người dân, những người đang sở hữu những ngôi nhà cổ đã vô tình hay vì những lý do khách quan mà cũng có những tác động nhất định trong quá trình sửa sang nhà cửa. Phần vì qua hàng trăm năm, nhà cổ đã xuống cấp, phần vì để phù hợp hơn với đời sống sinh hoạt hiện đại, nhiều người dân đã dùng nhiều loại vật liệu mới “đắp” vào những ngôi nhà cổ và biến những ngôi nhà này cũ không cũ mà mới không mới…
Ông Cáp Xuân Tá, nguyên Trưởng phòng văn hóa thông tin H.Hải Lăng (nay là Phó chủ tịch HĐND huyện) từng nói rằng cả huyện Hải Lăng chỉ có duy nhất làng Hội Kỳ có nhiều nhà cổ có giá trị. Ngoài những điều tốt đẹp ra thì cũng có chuyện người dân không có điều kiện tu bổ hoặc được tư vấn phương pháp lưu giữ tối ưu nên kiến trúc văn hóa bị ảnh hưởng không nhỏ…
Cái “nghiệp” của người được giao chăm lo nhà cổ
Nhiều người đang làm chủ nhà cổ ở Hội Kỳ bảo rằng họ mang cái “nghiệp” khi được cha ông giao lại trông coi nhà cửa. Điều đó vừa tự hào nhưng cũng rất trăn trở. Ông Dương Văn Mạnh cho biết nhà nhiều anh em nhưng ông đã được tiền nhân lựa chọn để giao lại nhiệm vụ chăm sóc ngôi nhà cổ. “Nhà gia truyền làm sao tôi dám bán, chưa nói ở đây còn có yếu tố tâm linh. Mấy chục năm ở đây quen rồi, tôi chỉ ngủ trong nhà cổ dù có cất ngôi nhà 2 gác kế bên. Mà tôi cũng chẳng muốn đi đâu xa chỉ thích quanh quẩn trong nhà. Bỏ nhà đi chơi đâu, cứ thấy… tồi tội. Cứ muốn nhà phải sáng lửa, sáng đèn”, ông Mạnh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.