Hội Bảo vệ quyền trẻ em lên tiếng vụ trao nhầm con ở Ba Vì

Thu Hằng
Thu Hằng
18/07/2018 18:09 GMT+7

Liên quan đến vụ việc trao nhầm con ở Ba Vì, đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho rằng cần phải kỷ luật y bác sĩ - những người có liên quan, đồng thời bệnh viện phải bồi thường cho 2 gia đình.

Trao đổi với Thanh Niên chiều nay 18.7, bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho biết những ngày qua, Hội rất quan tâm và theo dõi sát vụ việc trao nhầm con ở huyện Ba Vì, Hà Nội. Ngoài ra, Hội cũng đã tư vấn cho một số cơ quan liên quan về hướng xử lý vụ việc này.
“Mọi trẻ em có quyền được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn, bao gồm được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt. Việc bảo vệ quyền lợi của 2 cháu và gia 2 đình là hết sức chính đáng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có lời khuyên cho các bên phải chú ý các cháu không còn quá nhỏ để có thể xử lý bằng biện pháp dỗ dành, cho ăn, chăm sóc là xong. 6 năm, các cháu lớn lên trong gia đình của mình, đã biết hết thói quen, nếp ăn uống, tình cảm quyến luyến với bố mẹ, ông bà. Do đó, chúng tôi tư vấn việc tách các con ra khỏi vòng tay bố mẹ lúc này là không nên và không thể nóng vội”, bà Hồng chia sẻ.
Theo bà Hồng, hiện 2 gia đình đã cho các bé gặp gỡ nhau, qua lại nhà nhau chơi. Đây là tín hiệu tốt, 2 gia đình nên dành thời gian để gần nhau hơn nữa mới có thể giúp các bé nảy sinh tình cảm và thích nghi với hoàn cảnh mới.
Liên quan đến trách nhiệm của Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì trong vụ việc này, đại diện Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam bày tỏ: “Sự tách trách của y bác sĩ - những người có liên quan đến vụ trao nhầm con 6 năm trước, đáng bị lên án. Trong các nghề, nghề y là nghề phải đặc biệt chú ý, hạn chế để xảy ra các sai sót, bởi có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Việc xử lý các cá nhân ở mức kỷ luật cảnh cáo, buộc thôi việc cũng không thể bù đắp được những tổn thất mà họ đã gây ra. Bệnh viện nên có bồi thường thỏa đáng cho các gia đình”.
Theo bà Hồng, trong luật chưa có quy định phải bồi thường cho những trường hợp trao nhầm con, mà do các bên tự thỏa thuận. “Nếu gia đình cảm thông với Bệnh viện, có thể bỏ qua. Mức đền bù là cần thiết nhưng hoàn toàn do các bên thỏa thuận với nhau”, bà Hồng nói thêm.
Qua vụ việc này, đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng lên tiếng cảnh tỉnh ngành y cần phải có biện pháp chấn chỉnh quy trình trao nhận trẻ sơ sinh, để tránh xảy ra những trường hợp tương tự như ở Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì.
Liên quan đến vụ việc này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội và Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì giải quyết vụ việc trước ngày 20.7, với sự đồng thuận của 2 gia đình về phương án giải quyết.
Sáng nay 18.7, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết 2 gia đình đã thống nhất được việc giải quyết, mức đền bù sự việc trao nhầm con cách đây 6 năm. Riêng các vấn đề pháp lý phát sinh do vợ chồng chị Vũ Thị Hương đã ly hôn nằm ngoài phạm vi xử lý, thì có thể để sau ngày 20.7 sẽ hoàn tất.
Anh Phùng Giang Sơn, người bố phát hiện vụ việc trao nhầm con, cho biết đến thời điểm hiện tại, 2 gia đình đã thống nhất được phương án đoàn tụ cho các con.
Hiện, anh Sơn đang hoàn thiện thủ tục giấy tờ để nhập học cho hai bé Phùng Thanh H. và Đoàn Nhật M. kịp nhập học vào lớp 1.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.