Hội An cổ sự - Kỳ 5: Chứng nhân của hồn phố

03/10/2014 02:05 GMT+7

Nhà nhiếp ảnh lão thành Thái Tế Thông thuộc làu cả nơi những người bán hàng rong từng ngang qua ống kính. Ảnh của ông và nhiều tác giả khác giờ trở thành một phần di sản của phố Hội .

>> Hội An cổ sự - Kỳ 4: Lời xưa răn dạy
>> Hội An cổ sự - Kỳ 3: Lá đơn hơn 80 năm trước

 Hội An xưa qua tác phẩm của Vĩnh Tân - Ảnh: tư liệu của Vĩnh Tân
Hội An xưa qua tác phẩm của Vĩnh Tân - Ảnh: tư liệu của Vĩnh Tân

Những bức ảnh vượt thời gian

Gian phòng nhỏ phía hậu viên Hội quán Phúc Kiến, một buổi chiều cuối tháng 9, nhà nhiếp ảnh lão thành Thái Tế Thông lấy ra bức ảnh cũ in dưới hình thức bưu thiếp cho chúng tôi xem. Phía sau ảnh ghi: “Trung Hoa hội quán, nơi sinh hoạt của tất cả người Hoa tại hội quán này có giá trị văn hóa phi vật thể của phố cổ Hội An”. Ông Thái Tế Thông bảo, ảnh này chụp từ năm 1900, in trên tạp chí Pháp năm 1904. Năm 1960, có nhà báo Pháp cầm cuốn tạp chí đó lang thang Hội An dò tìm địa điểm trong ảnh, run rủi sao ông gặp và xin chụp lại. Trung Hoa hội quán (tức chùa Ngũ Bang) trên ảnh giờ thay đổi quá nhiều, nhà báo Pháp kia chắc cũng đã ra người thiên cổ…

Bức ảnh chùa Ngũ Bang gây ấn tượng mạnh cho lão nghệ sĩ 81 tuổi Thái Tế Thông, ngay trong lần “nhìn thấy” đầu tiên cách đây 54 năm và cho đến tận bây giờ. Không chỉ là chuyện vật đổi sao dời hơn thế kỷ trong một bức ảnh, mà còn cái duyên giữa nhà báo Pháp mang ảnh đi tìm được người bản xứ sao chụp kịp. Nhắc chùa Ngũ Bang, ông Thái Tế Thông sực nhớ bức ảnh vua Bảo Đại từng chụp tại đây hồi năm 1932, 2 năm trước khi ông Thông chào đời. Hai bức ảnh khác nữa Bảo Đại chụp tại Bệnh viện Hội An và ở phủ Điện Bàn, nhân chuyến nhà vua đến Quảng Nam. Các bức ảnh quý đó đang nằm trong bộ sưu tập của gia đình chủ hiệu ảnh Vĩnh Tân mà không biết tác giả. Ông ngoại của lão nghệ sĩ Thái Tế Thông từng giữ địa vị lớn trong giới người Hoa nên được mời tham gia đoàn đón rước Bảo Đại. “Chuyến đi này Bảo Đại còn tặng cho cậu của tôi bức ảnh Nam Phương hoàng hậu. Vua Bảo Đại cùng tuổi với cậu tôi, hai người thường đánh tennis chung”, ông Thông kể.

Mới hồi đầu tháng 9.2014, lại có nhà báo Pháp Dominique Foulon mang tặng ảnh quý cho Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa TP.Hội An. Dominique Foulon đã chia sẻ 2 bức ảnh được cho là “chưa từng thấy”: chụp cảnh nhiều người mặc trang phục truyền thống, có bức dán tem bưu điện và đóng dấu bưu cục Faifo. Chỉ có thể ước đoán bức ảnh chụp trong giai đoạn 1910 - 1930, với những chi tiết hé lộ về trang phục và kiến trúc chùa Cầu hồi đầu thế kỷ 20.

Hồn xưa nơi quang gánh

Cụ thân sinh của ông Thái Tế Thông lập ra hiệu ảnh Tiêu Nhiên khi mới khoảng 20 tuổi, cùng các chủ hiệu ảnh Thiên Chơn Cát, Lệ Ảnh… làm nên lịch sử hơn 100 năm nhiếp ảnh Quảng Nam. Tất nhiên có cả Vĩnh Tân, hiệu ảnh do chính ông Thái Tế Thông khai trương năm 1955.

 Ông Thái Tế Thông, chủ hiệu ảnh Vĩnh Tân - Ảnh: H.X.H
Ông Thái Tế Thông, chủ hiệu ảnh Vĩnh Tân - Ảnh: H.X.H

Ban đầu, cụ thân sinh và nghệ sĩ Thái Tế Thông chủ đích chụp phong cảnh in bưu thiếp bán cho lính viễn chinh Pháp và du khách. Mảng ảnh chân dung gia đình lúc đó cũng rất ăn khách. Khách thích mua vài tấm để kỷ niệm một lần đến Hội An, giá bán 5 đồng tương đương giá bát phở bây giờ. Cứ thế, qua mấy chục năm, biết bao nhiêu khung cảnh, sinh hoạt, khuôn mặt… ngưng đọng trong di sản ảnh của Vĩnh Tân. Hàng nghìn bức quý giá khiến ông đủ thẩm quyền mở một bảo tàng ảnh Hội An xưa. Nhưng “Hiệu ảnh Vĩnh Tân” giờ chỉ còn là chút ký ức trên tấm bảng đặt phía sau bảng hiệu của shop vải “Mr Xê” ở ngã tư Nguyễn Thái Học - Lê Lợi. “Cho thuê rồi, nhưng vẫn giữ tấm bảng hiệu để người ta còn biết đến”, ông bùi ngùi. Thì có gì khác lạ đâu, ngay như cổng lăng Ông do ông chụp ở ven biển Cửa Đại nay đã chìm sâu dưới đáy biển. Di tích chùa Bà Mụ (xây năm 1847) được ghi vào bức ảnh hơn 60 năm trước cũng thế. “Hiện không còn nữa”, dòng ghi chú phía sau các bức ảnh sao mà lạnh lùng.

Ông Thái Tế Thông không chọn lựa được bức nào ấn tượng nhất, chỉ kể vài cột mốc chính như vào nghề năm 17 tuổi, lập hiệu ảnh năm 22 tuổi. Nhưng đoạn vỉa hè nào, bà bán hàng rong nào từng ngồi đó và lọt vào ống kính thì ông lại nhớ vanh vách. Chúng tôi lật xem ảnh Vĩnh Tân, thấy bà cụ bán mì Quảng cười hiền lành, bà quạt than nướng bánh tráng khá chăm chú, hai người ngồi bên mẹt thuốc lá đăm chiêu… “Những ảnh ấy tôi công bố hết rồi, hình như người ta không để ý lắm, có lẽ người ta cho là không quan trọng. Nhưng chính quang gánh ấy đã làm nên hồn phố cổ”, lão nghệ sĩ họ Thái cả quyết.

Nét xưa Hội An thoáng hiện trên những bức ảnh của các tay máy xứ Quảng hay các tác giả nước ngoài vô danh. Và đến lượt chính các bức ảnh đen trắng kia lại rắc bụi thời gian lên từng mái ngói, để phố xưa thêm cổ kính…

Ảnh Hội An xưa và nay

Các bức ảnh quý của Jochen Voigt (Đức) hay Vĩnh Tân đang được TP.Hội An chọn in đối sánh với hình ảnh hiện tại trong ấn phẩm Hội An, before and now sắp xuất bản để mừng 15 năm đô thị cổ trở thành di sản thế giới (tháng 12.2014). Thư viện số “Hội An xưa” cũng đang lưu giữ 209 bức ảnh tại địa chỉ www.hoianheritage.net (Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa TP.Hội An), với nhiều ảnh đen trắng của hiệu ảnh Vĩnh Tân.

Hứa Xuyên Huỳnh

>> Hội An cổ sự - Kỳ 2: Mối tình Việt - Nhật
>> Hội An cổ sự: Duyên tình nàng công nữ
>> Tạp chí Mỹ ca ngợi món cao lầu Hội An
>> Hấp lực từ phố cổ Hội An
>> Hội An lần thứ 5 được bình chọn là điểm đến hấp dẫn và đặc biệt
>> Hội An lọt vào top 10 điểm đến hấp dẫn nhất VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.