'Học thông qua chơi' kích thích sự sáng tạo ở học sinh tiểu học

22/03/2023 15:14 GMT+7

Giáo viên tiểu học tổ chức hoạt động 'Học thông qua chơi' có thể góp phần thúc đẩy sự sáng tạo, khơi dậy trí tò mò và hỗ trợ học sinh phát triển những kỹ năng thiết yếu.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, với học sinh tiểu học, chơi là cách học tập hứng thú, có ý nghĩa, thúc đẩy sự tham gia tích cực, tạo nhiều cơ hội trải nghiệm và tăng cường tương tác xã hội. Không chỉ là trò chơi và các hoạt động vui chơi, những hoạt động "Học thông qua chơi" (HTQC) là sự lĩnh hội một cách tiếp cận mới về việc học của học sinh.

Chính vì thế, tổ chức phi lợi nhuận chuyên về giáo dục VVOB của Bỉ tại Việt Nam phối hợp với nhóm chuyên gia Bộ GD-ĐT và các trường ĐH có chuyên ngành sư phạm biên soạn "Bộ tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tiểu học về HTQC".

Giáo viên có thể nhấp vào ĐÂY hoặc vào website chính thức của VVOB để tải về bộ tài liệu này. Theo VVOB, bộ tài liệu gồm 2 quyển:

  • Quyển 1 "Hướng dẫn tổ chức HTQC cấp tiểu học" giới thiệu những phương pháp, kỹ thuật, giáo án áp dụng HTQC.
  • Quyển 2 "Hướng dẫn bồi dưỡng giáo viên về HTQC" giới thiệu nguyên tắc và hình thức bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên tiểu học; một số hình thức bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên tiểu học về HTQC.
'Học thông qua Chơi' kích thích sự sáng tạo ở học sinh tiểu học - Ảnh 1.

Giáo viên có thể tải miễn phí bộ tài liệu về Học thông qua Chơi

VVOB

Bộ GD-ĐT thẩm định và thông qua bộ tài liệu này vào năm 2021. Các chuyên gia kỳ vọng bộ tài liệu sẽ giúp nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên tiểu học về HTQC, hướng đến mục tiêu dạy học ở cấp tiểu học "nhẹ nhàng-tự nhiên-hiệu quả" và góp phần thực hiện thành công chương trình GDPT 2018.

Đây là một phần trong dự án dự án "Lồng ghép các hoạt động HTQC trong giáo dục tiểu học tại Việt Nam" (iPLAY) từ năm 2020-2023 của VVOB hợp tác cùng Bộ GD-ĐT với sự tài trợ từ Quỹ LEGO.

Trong khuôn khổ dự án, có 115 lớp tập huấn hỗ trợ chuyên môn về phương pháp áp dụng HTQC và 24 ngày hội HTQC tại các trường tiểu học cùng những hoạt động khác ở 8 tỉnh thành: Hà Giang, Thái Nguyên, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Đà Nẵng và TP.HCM.

'Học thông qua Chơi' kích thích sự sáng tạo ở học sinh tiểu học - Ảnh 2.

Học sinh Trường tiểu học Thái Nguyên tham gia hoạt động Học thông qua chơi

VVOB

Bà Karolina Rutkowska, Giám đốc chương trình quốc gia của tổ chức VVOB tại Việt Nam, cho biết: "2023 là năm cuối triển khai dự án iPLAY và VVOB cam kết tiếp tục đồng hành cùng Bộ GD-ĐT nâng cao năng lực giáo viên nhằm giúp học sinh Việt Nam phát triển toàn diện kiến thức, phẩm chất và năng lực cần thiết để theo kịp tốc độ toàn cầu hóa, tạo ra một thế giới học tập suốt đời, góp phần đạt được các mục tiêu giáo dục của chương trình GDPT 2018".

VVOB dự kiến đến cuối năm 2023, phương pháp HTQC sẽ tiếp cận được hơn 14.695 trường tiểu học, 230.000 giáo viên, 681.000 học sinh và 1.429.000 phụ huynh ở Việt Nam.

'Học thông qua Chơi' kích thích sự sáng tạo ở học sinh tiểu học - Ảnh 3.

VVOB phối hợp cùng các trường tiểu học tại Đà Nẵng tổ chức ngày hội Học thông qua chơi

VVOB

Cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết, giáo viên Trường tiểu học Chiến Thắng (TP.Thái Nguyên), nhận xét, áp dụng phương pháp HTQC giúp giáo viên kết nối với học sinh hiệu quả hơn. "Học sinh cũng hứng thú hơn với bài học, tham gia tích cực vào hoạt động học tập, tương tác nhiều hơn với giáo viên và các bạn", cô Tuyết chia sẻ.

Nhận định về chương trình, ông Đinh Văn Phương, chuyên viên Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Bộ GD-ĐT, nói: "Dự án iPLAY góp phần hỗ trợ chương trình GDPT 2018 thực hiện các mục tiêu đổi mới phương pháp tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh tiểu học. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác cùng VVOB để nhân rộng chương trình hơn nữa, thông qua việc triển khai khóa học trực tuyến về HTQC cho giáo viên toàn quốc".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.