Học tập suốt đời - Những tố chất cần có

05/11/2012 09:39 GMT+7

Khi một người quen nghe thấy tôi nói về ý định theo học khóa thạc sĩ, họ thường bảo: “Tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định rồi còn học nữa làm gì. Học thế đủ rồi. Con gái tầm tuổi em không cần học nữa đâu”.

Tôi luôn tự hỏi học bao nhiêu là đủ; khi nào là quá muộn để học; phải chăng tôi nên ngừng học sau khi đã tốt nghiệp đại học và khi tôi là một phụ nữ sắp bước sang tuổi 30?

Theo tôi được biết, hiện nay thế giới đang phát triển một khái niệm khác rộng hơn về học tập - đó là học tập suốt đời. Theo đó, bất cứ ai cũng nên học, mọi lúc mọi nơi và dưới mọi hình thức.

Trong những thập kỉ tới đây, con người có thể sẽ phát minh và sử dụng  những máy móc thông minh, phức tạp hơn máy tính. Những kiến thức mới sẽ đến từ những lĩnh vực mà ta chưa hề biết đến hoặc khó đoán trước được. Do đó, học tập suốt đời là vô cùng quan trọng để chuẩn bị sẵn sàng cho những thách thức đó, trong khi đó khái niệm cũ về việc học (học trong một khoảng thời gian nhất định, dành cho những đối tượng và độ tuổi nhất định) không giúp ta được.

Trong hoàn cảnh đó, cần đặt ra câu hỏi: Liệu sinh viên Việt Nam đã hội đủ những tố chất để trở thành người học suốt đời hay chưa?

 

Xây dựng phương pháp học cùng RMIT

Learning Masters là chuyên mục xuất hiện trên Vietweek, tuần báo tiếng Anh của Thanh Niên, vào đầu tháng. Chuyên mục này mang đến những kiến thức hữu ích về phương pháp học tập.

Chuyên mục này do các chuyên gia thuộc phòng Kỹ năng Học Thuật, Trường Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam, phụ trách

Độc giả có thể đặt câu hỏi và đóng góp ý kiến theo địa chỉ email: learningmatters@thanhniennews.com

Có hai tố chất quan trọng của một người học suốt đời: Có khát khao học và có kỹ năng học.

Một người có khát khao học tập sẽ luôn mong muốn khám phá kiến thức mà không lo đến kết quả, sợ sự phức tạp và những thách thức. Thông thường những học sinh này tiếp cận một sự việc với một thái độ mở, thường xuyên đặt những câu hỏi như “Đây là cái gì”, “Nó hoạt động ra sao” hay là “Mình phải tìm hiểu xem tại sao nó lại thế này…”. Họ không ngại thử nhiều công cụ, cách làm và nguồn thông tin khác nhau để tìm hiểu sâu sự việc và khám phá những tri thức mới.

Trong nhiều nghiên cứu về cách học của học sinh Á châu nói chung và Việt Nam nói riêng, sinh viên Việt Nam thường bị mô tả là “thụ động chờ đợi giáo viên đưa thông tin”. Theo nhiều nhà nghiên cứu, cách học và cách tư duy đó chịu tác động của môi trường văn hóa. Trên lớp, sinh viên sẽ bị nhận xét là “thiếu lễ độ” nếu phát biểu ý kiến khi giáo viên đang giảng bài mà không được sự cho phép, “chưa hiểu bài” nếu đưa ra câu trả lời khác với đáp án của thầy cô và “chậm hiểu” nếu đặt nhiều câu hỏi. Do đó, phần lớn học sinh thà ngồi im lặng và nghe giảng để được khen là “ngoan” hơn là đặt câu hỏi nếu không hiểu bài.

Thông thường, khi gặp vấn đề gì mới, họ thường nghĩ “cái này dễ hiểu”, “cái kia khó nhớ”, “cái này không quan trọng vì thầy cô không dạy” hoặc là “cái kia có trong đề cương thi không nhỉ?” Những yếu tố văn hóa này đã dần dần làm suy yếu sự dũng cảm và tính hiếu kì cần có của một người học suốt đời.

Nhiều người có thể sẽ lý luận rằng học sinh Việt Nam ham học. Bằng chứng là bên cạnh các lớp học chính quy, họ còn tham gia các lớp buổi tối và học thêm cùng gia sư. Trên thực tế, động lực chính của học sinh ngồi hàng giờ trong những lớp này là để thi đỗ qua các kì thi từ tiểu học cho tới trung học phổ thông và đặc biệt là kì thi tuyển sinh đại học hàng năm. Tại đây, học sinh học bằng cách làm lại đề thi từ những năm trước. Sau khi thi xong, phần lớn những kiến thức này sẽ không còn được sử dụng nữa. Kết quả là phần lớn học sinh không đủ kiên nhẫn và động lực để theo đuổi việc học lâu dài.

Một người học suốt đời còn cần biết cách học như thế nào cho hiệu quả nhằm luôn cập nhật những kiến thức và kỹ năng mới mọi lúc, mọi nơi, dù là trong một buổi hội thảo, một khóa học ngắn hạn, trong công việc hay trong bất cứ một hoàn cảnh nào khác. Những kỹ năng học tập cần thiết gồm có kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, phân tích và đánh giá thông tin. Các kỹ năng này khó có thể được phát triển tách rời môi trường giáo dục trong đó người học đóng vai trò trung tâm. Điều đó có nghĩa là cách học, cách dạy, các kết quả học tập dự kiến và phương pháp đánh giá kiểm tra có liên quan mật thiết tới việc phát triển các kỹ năng này.

Theo quan sát của tôi, các trường đại học ở Việt Nam không có chương trình phát triển kỹ năng học tập. Giáo viên chỉ dạy các kiến thức chuyên ngành mà không quan tâm tới việc phát triển kỹ năng cho sinh viên. Trong khi đó, các trường đại học không có các dịch vụ hỗ trợ phát triển kỹ năng học tập. Phương pháp đánh giá kiểm tra chính là thông qua bài kiểm tra giữa kì và cuối kì; có rất ít bài luận và đề án dùng để đánh giá các kỹ năng. Do đó, sinh viên ít có cơ hội để thử thách kiến thức đã học, đánh giá ý tưởng, tranh luận và trải nghiệm điều tốt nhất mà việc học mang lại - đó là biến những kỹ năng đó thành thói quen tư duy.

Tuy nhiên, khi được học trong môi trường cởi mở và được tự do thảo luận ý kiến, sinh viên Việt Nam lại tỏ ra lúng túng và sợ hãi. Với họ, cách học này quá mới mẻ và không sẵn sàng thích nghi. Một nghiên cứu năm 2010 đánh giá hiệu quả của các phương pháp giảng dạy mới tại một số trường đại học Việt Nam chỉ ra rằng phần lớn sinh viên và giảng viên cảm thấy các hoạt động nhóm không hiệu quả hơn những phương pháp cũ. Theo nghiên cứu này, sinh viên thấy thoải mái và tự tin hơn với việc đọc và ghi nhớ bài giảng và thông tin từ sách giáo khoa để sử dụng trong thi cử. Điều này ngược lại với những gì mà một người học suốt đời cần có - đó là dũng cảm đón nhận thử thách và coi đó như là cơ hội để hoàn thiện bản thân.

Để phát triển các tố chất của một người học suốt đời, các bạn sinh viên nên:

- Nghĩ rằng học tập là quá trình khám phá, thử nghiệm, kiểm tra, đánh giá, liên tưởng và liên hệ chứ không phải là thu nhận, sao chép và ghi nhớ thông tin.

- Nhớ rằng mọi người đều bình đẳng trong học tập. Vì thế, đừng sợ thể hiện ý kiến riêng của bản thân, đặt câu hỏi và thậm chí bác lại những điều mà bạn được dạy.

- Học cách học. Hãy đến gặp chuyên gia tư vấn học thuật của bạn và hỏi về các kỹ năng học tập như tư duy phản biện hay cách đọc hiệu quả. Nếu trường của bạn không có một trung tâm hỗ trợ học thuật như vậy thì hãy tìm hiểu thêm từ sách và trang tin điện tử về các chủ đề có liên quan.

- Phản ánh những điều đã học. Khi học một điều gì mới, hãy suy nghĩ xem điều đó có liên quan như thế nào với những gì mà bạn đã được học hay đọc được hoặc với những điều bản thân đã trải nghiệm; tại sao cần học nó; những câu hỏi hoặc giả định mà bạn có; bằng cách nào và ở đâu bạn có thể áp dụng những điều đã học.

Vân Trương
(Phòng Kỹ năng Học thuật, Trường ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam)

>> Xem phiên bản tiếng Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.