Học sử trên đường phố

20/02/2012 09:52 GMT+7

Đi qua trung tâm thành phố Hà Nội những ngày đầu xuân Nhâm Thìn, không ít người tỏ ra thích thú với những thông tin lịch sử đọc được trên những biển chỉ đường. 

Dự án gắn chỉ dẫn lịch sử trên biển phố do Công ty CP FPT đề xuất, phối hợp với Sở VH- TT- DL, Sở GTVT bắt đầu thực hiện từ năm 2010, đến nay đã được triển khai trên 30 tuyến phố trung tâm Hà Nội.

Dự án gắn chú thích lịch sử cho biển phố nhận được sự đóng góp của các nhà chuyên môn như nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc, nhà sử học Dương Trung Quốc, tiến sĩ Nguyễn Thị Doan; được UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các sở ban ngành có chức năng cùng thực hiện.

Theo đó, 30 tuyến phố được gắn biển chú thích đợt một là những tuyến phố trung tâm quận Hoàn Kiếm như: phố Bà Triệu, Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ... Các tấm biển được sơn phản quang, nền xanh chữ trắng, tóm tắt tiểu sử, công trạng của danh nhân. Biển gắn thông tin cả hai mặt để cả những người đi bộ trên vỉa hè đều có thể đọc được.

Theo thành viên nhóm dự án, vị trí lắp đặt các tấm biển đều được nghiên cứu, ưu tiên những nơi dễ nhìn, nhiều người qua lại, nơi có đèn giao thông. Các thông tin lịch sử đều đã qua thẩm định của hội đồng khoa học...

Việc gắn biển chỉ dẫn lịch sử cho các con đường trung tâm thành phố, nơi mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách tham quan đã tạo ra một hiệu ứng không nhỏ. Nhiều cô giáo dẫn học sinh đi tham quan bờ Hồ đã kết hợp nhắc lịch sử cho các em.

Theo chia sẻ của một giáo viên mầm non, dạy sử trên đường phố sẽ giúp trẻ nhỏ nhớ lâu hơn việc dạy cùng kiến thức đó qua sách vở.

Anh Hoàng Xuân Tân (30 tuổi, thường xuyên đi qua phố Lý Thường Kiệt) cho biết: “Mỗi khi dừng đèn đỏ tôi đều đưa mắt tìm kiếm các biển phố đã được chỉ dẫn. Một cách nhớ lịch sử rất nhanh”.

Còn với những người lớn tuổi như bác Nguyễn Sĩ Hưng (cán bộ về hưu, nhà ở phố Lý Thái Tổ), đi bộ, tìm biển phố có gắn tiểu sử các danh nhân trở thành công việc yêu thích mỗi sáng. “Gặp một biển phố, chúng tôi cùng đọc, đố nhau lịch sử, thấy mình minh mẫn hơn!”, bác Hưng nói.

Công dân Thủ đô ưu tú, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân đánh giá rất cao việc gắn biển chỉ dẫn lịch sử cho các con đường Thủ đô. Theo ông, “Trẻ em, học sinh Việt Nam còn yếu về lịch sử. Hãy để các em học sử từ  chính đường phố của đất nước mình…”.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số người dân, việc lắp đặt các biển chỉ dẫn lịch sử cần điều chỉnh lại vì vị trí lắp đặt khuất tầm nhìn của nhiều người.

Cụ thể như biển ở phố Đinh Tiên Hoàng (đối diện đền Bà Kiệu) lắp sát một bốt điện thoại đã hư hỏng, hạn chế tầm nhìn. Biển phố Lê Thái Tổ chỉ dẫn thông tin về vua Lê lại được lắp ngay trên giải phân cách (đối diện kem Fanny), người đi xe và cả người đi bộ cũng khó đọc.

Một phụ huynh bày tỏ, biển phố Quang Trung đang được lắp ở ngã 4 Quang Trung - Nguyễn Du. Trong khi Trường tiểu học Quang Trung ngay sát đó, nếu lắp biển chú thích lịch sử về vua Quang Trung ngay trước cổng trường, sẽ là một bài học có ý nghĩa hơn rất nhiều với các em học sinh.

Trả lời thắc mắc của một số người dân Thủ đô về việc cả tuyến phố dài hàng mấy cây số chỉ có 1, 2 tấm biển chú thích lịch sử là quá ít, ông Lê Đình Lộc - đại diện nhóm dự án Công ty FPT cho hay, đây là chủ ý. Số biển chú thích không quá nhiều để tăng sự khám phá cho người đi đường, thông tin đến mỗi người cũng thú vị hơn.

“Chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến của công chúng để hoàn thiện dự án. Sắp tới, nhóm sẽ trình UBND TP.Hà Nội kế hoạch thực hiện giai đoạn hai, dự kiến lắp đặt chỉ dẫn lịch sử cho 100 đường, phố Hà Nội”, ông Lộc nói.

Thúy Hằng

>> Học sử trên đường phố
>> Nỗi đau từ hàng ngàn điểm 0 môn sử
>> Biến hóa bài lịch sử thành các sơ đồ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.