Học sinh vi phạm luật giao thông: Trách nhiệm thuộc về ai?

Hoàng Giáp
Hoàng Giáp
06/04/2024 12:01 GMT+7

Tình trạng học sinh vi phạm giao thông diễn ra khá phổ biến tại các trường THPT. Trách nhiệm không chỉ của nhà trường, lực lượng công an mà còn cả các bậc phụ huynh.

Phóng viên Thanh Niên đã theo chân các chiến sĩ Trạm CSGT Đồng Phú (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước) lập chốt kiểm tra, xử lý tình trạng học sinh vi phạm luật Giao thông đường bộ, gần khu vực Trường THPT Đồng Xoài (P.Tân Bình, TP.Đồng Xoài, Bình Phước) vào ngày 4.4.

Phụ huynh giao xe phân khối lớn cho học sinh chưa có bằng lái

Từ sáng sớm, nhiều học sinh dù chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe (GPLX) nhưng vẫn điều khiển phương tiện trên 50 cm3 (50 cc) đến trường.

Chỉ trong ít phút, lực lượng CSGT đã ra hiệu lệnh dừng 7 xe trên 50 cm3 do học sinh cầm lái. Nhiều học sinh khác khi phát hiện lực lượng CSGT đã nhanh chóng quay đầu xe, hoặc chạy vào các bãi giữ xe gần trường học, né tránh sự kiểm tra.

Học sinh vi phạm luật giao thông: Trách nhiệm thuộc về ai?- Ảnh 1.

Một học sinh điều khiển xe phân khối lớn, nhưng chưa đủ tuổi, chưa có GPLX

HOÀNG GIÁP

Qua kiểm tra, các học sinh đều chưa đủ tuổi, không có GPLX và nhận thức được việc mình làm là sai. Tuy nhiên, việc chạy xe trên 50 cm3 đến trường đều được cha mẹ cho phép.

Bị lực lượng CSGT dừng xe, nữ sinh N. (học lớp 10 Trường THPT Đồng Xoài) nói: "Em biết việc chưa đủ tuổi, chạy xe phân khối lớn là sai nhưng do nhà ở xa, ba mẹ giao phương tiện nên em vẫn chạy xe đi học".

Học sinh vi phạm luật giao thông: Trách nhiệm thuộc về ai?- Ảnh 2.

Đa số học sinh cho biết các em được ba mẹ đồng ý giao xe cho đi

HOÀNG GIÁP

Tương tự, nam sinh V. (học sinh lớp 12 Trường THPT Đồng Xoài) chia sẻ sau khi bị xử lý vi phạm: "Nhà em cách trường cũng xa. Em xin phép và ba mẹ đồng ý để em đi xe này (trên 50 cm3) cho thuận tiện. Em cảm thấy việc điều khiển xe khi chưa đủ tuổi là sai. Sau này em sẽ đổi sang xe dưới 50 cm3 để đảm bảo an toàn".

Học sinh vi phạm luật giao thông: Trách nhiệm thuộc về ai?- Ảnh 3.

Với lý do nhà xa, ba mẹ cho đi nên các em vẫn lái xe đến trường dù biết là sai

HOÀNG GIÁP

Sau khi ghi nhận, xử lý một số trường hợp học sinh vi phạm luật Giao thông đường bộ, Trạm CSGT Đồng Phú trực tiếp gặp ban giám hiệu nhà trường để thông tin, tuyên truyền một số nội dung liên quan công tác bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh. CSGT đồng thời đề nghị nhà trường có các biện pháp để quản lý, giáo dục học sinh.

Trách nhiệm không chỉ của nhà trường

Từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, Trường THPT Đồng Xoài đã nhận được giấy báo của lực lượng CSGT về 24 trường hợp học sinh vi phạm luật Giao thông đường bộ, trong đó phần lớn là học sinh khối 12.

Học sinh vi phạm luật giao thông: Trách nhiệm thuộc về ai?- Ảnh 4.

Lực lượng CSGT thông tin đến đại diện Trường THPT Đồng Xoài về việc học sinh vi phạm

HOÀNG GIÁP

Thầy Cao Vũ Mưu, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Xoài, cho biết tình trạng học sinh chưa đủ tuổi đi xe phân khối lớn, khi chưa có GPLX vẫn xảy ra ở tất cả các trường THPT. "Đây cũng là vấn đề rất trăn trở đối với công tác quản lý của nhà trường. Việc này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và lực lượng chức năng. Khi nhận thông tin học sinh vi phạm, nhà trường cũng đã gửi thông báo đến cha mẹ học sinh, đồng thời cho học sinh và phụ huynh ký cam kết. Nếu như học sinh còn tiếp tục vi phạm thì nhà trường sẽ xử lý bằng hình thức hạ hạnh kiểm", thầy Mưu cho biết.

Học sinh vi phạm luật giao thông: Trách nhiệm thuộc về ai?- Ảnh 5.

Học sinh phải viết bản kiểm điểm, có chữ ký phụ huynh khi vi phạm, bị thông báo về nhà trường

HOÀNG GIÁP

Cũng theo thầy Mưu, nhà trường đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục rất nhiều và quán triệt trước hội nghị cha mẹ học sinh đầu năm. Cấm tất cả học sinh chưa có GPLX đi xe phân khối lớn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều học sinh vi phạm.

"Chúng tôi mong muốn phụ huynh tích cực phối hợp với nhà trường để giáo dục con em mình. Học sinh phải thực hiện đúng trách nhiệm của bản thân đối với việc tuân thủ pháp luật, luật Giao thông đường bộ", thầy Mưu chia sẻ thêm.

Học sinh chạy xe máy khi chưa đủ tuổi: Biết sai nhưng ba mẹ cho thì con đi

Phụ huynh phải chịu trách nhiệm hình sự nếu xảy ra hậu quả nghiêm trọng

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 5.4, trung tá Nguyễn Tấn Vạn, Trạm trưởng trạm CSGT Đồng Phú, cho biết hiện nay trên địa bàn mà trạm phụ trách có nhiều trường quản lý rất tốt trong việc cấm học sinh chưa có GPLX đi xe phân khối lớn đến trường, như Trường THPT Lê Quý Đôn (H.Bù Đăng) là một điển hình.

Học sinh vi phạm luật giao thông: Trách nhiệm thuộc về ai?- Ảnh 6.

Một điểm gửi xe gần cổng Trường THPT Đồng Xoài chật kín xe của học sinh

HOÀNG GIÁP

Dù vậy, vẫn có những trường do chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ nên vẫn còn tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn, khi chưa đủ tuổi, chưa có GPLX và gửi xe ở những quán xá, bãi giữ xe gần trường.

Học sinh vi phạm luật giao thông: Trách nhiệm thuộc về ai?- Ảnh 7.

CSGT lập biên bản, đề nghị điểm giữ xe không giữ xe trên 50 cc đối với học sinh chưa đủ tuổi, chưa có GPLX

HOÀNG GIÁP

Theo ông Vạn, việc lái xe khi chưa đủ tuổi, điều kiện tham gia giao thông tiềm ẩn tai nạn giao thông khá cao vì học sinh còn nhỏ tuổi, chưa có kinh nghiệm để xử lý khi gặp tình huống bất ngờ và các em tuổi mới lớn nên hay phóng nhanh, vượt ẩu, không chú ý quan sát… Ngoài ra, khung giờ các em đi học cũng là lúc công nhân đến nhà máy, xí nghiệp rất đông nên tiềm ẩn tai nạn giao thông xảy ra rất cao.

Học sinh vi phạm luật giao thông: Trách nhiệm thuộc về ai?- Ảnh 8.

Việc phụ huynh giao xe cho con khi chưa đủ tuổi, chưa có GPLX có thể gây những hậu quả khó lường

HOÀNG GIÁP

"Giao xe cho con chưa đủ điều kiện nếu lỡ xảy ra tai nạn giao thông, nhẹ thì bị xử lý hành chính và phụ huynh cũng bị phạt vì hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông. Nếu xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì phụ huynh phải chịu trách nhiệm hình sự", trung tá Nguyễn Tấn Vạn thông tin thêm.

Ngày 21.12.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh; xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông ở lứa tuổi học sinh.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp Bộ Công an xây dựng quy tắc văn hóa giao thông văn minh và yêu cầu 100% trường học, đơn vị thực hiện nghiêm, từ đó lan tỏa, tác động trở lại đối với người thân trong gia đình và cộng đồng xã hội. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh. Đối với những trường hợp học sinh vi phạm sẽ gửi thông báo về trường để có hình thức xử lý phù hợp.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.